GS Hồ Ngọc Đại: "Ngô Bảo Châu không phải học trò tôi tự hào nhất mà là một cậu sửa xe"

Ngày đăng: 10/09/2018 - 1408 lượt đọc

GS Hồ Ngọc Đại – cha đẻ của Công nghệ Giáo dục Thực nghiệm là người gây bão trong dư luận nhiều ngày qua về phương pháp dạy Tiếng Việt. Nhưng ông nói, Công nghệ Giáo dục của ông không chỉ là chuyện dạy Tiếng Việt. Giấc mơ lớn hơn, là tạo nên một thế hệ biết mình là ai, biết mình muốn gì.

Ông đã dành cho Báo Điện tử Trí thức Trẻ một cuộc chia sẻ thú vị về cách mà ông đã dạy học trò của mình.

TỪ CHỐI CHỨC BỘ TRƯỞNG VÌ MUỐN CHỊU TRÁCH NHIỆM NHIỀU HƠN 1-2 NHIỆM KỲ

Rất nhiều người hỏi tôi, tại sao tôi là con rể TBT Lê Duẩn, là một Tiến sĩ Tâm lý học, mà lại đi làm ông thầy giáo dạy cấp I, có đáng không?

Đáng đến từng xu!

Khi tôi còn đi học, có một lần tôi được chọn làm học sinh tiêu biểu, là đại biểu của cả tỉnh. Nhưng tôi thấy không hạnh phúc.

GS Hồ Ngọc Đại nói về học trò Ngô Bảo Châu và chuyện dạy Tiếng Việt - Ảnh 2.

Hồi đó tôi nói với thầy giáo tôi: Em muốn làm cái gì đó thật lớn, thật đích đáng, vượt lên hơn hẳn tầm của họ chứ không phải chỉ nhỉnh lên chút chút. Và tôi chọn làm giáo dục.

Tôi đi học Liên Xô về, là Tiến sĩ Tâm lý học, chú Sáu Búa ( ông Lê Đức Thọ - PV) đề nghị tôi làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục. Tôi từ chối.

Nhiều người nghĩ Thứ trưởng, Bộ trưởng là cao nhất. Nhưng tôi nghĩ Bộ trưởng thì cũng chỉ chịu trách nhiệm với nền giáo dục này, với đất nước này 1-2 nhiệm kỳ. Tôi muốn giúp ích đất nước này lâu hơn thế. Nên tôi nói với Thủ tướng Phạm Văn Đồng cho phép tôi đi dạy lớp 1, mở trường Thực nghiệm.

"Ở TRƯỜNG TÔI KHÔNG XẾP HẠNG, KHÔNG KHEN THƯỞNG, KHÔNG CHẤM ĐIỂM"

Vì sao tôi lại muốn dạy lớp 1? Giai đoạn phát triển quan trọng nhất của một con người là 11 năm đầu đời. Tôi muốn dạy cho trẻ con ngay từ đầu để chúng khỏi lầm lạc và mất thời gian.

Một dân tộc muốn đi lên thì cần có nền tảng. Nền tảng đó chính là giáo dục. Tôi nghĩ rằng sự phát triển của một dân tộc sẽ bắt đầu từ chính những đứa trẻ lớp 1 đó. Giấc mơ của tôi là tạo thành một dân tộc Việt Nam từ chính những đứa trẻ cấp 1 ấy.  Thế nên người ta nghĩ chức vụ là quan trọng, làm Bộ trưởng, Thứ trưởng mới là quan trọng, còn tôi, tôi nghĩ rằng dạy trẻ con mới là quan trọng.

Khoá đầu tiên của trường Thực nghiệm có rất nhiều đứa trẻ xuất thân trong những gia đình trí thức danh giá. Tôi biết ơn những ông bố, bà mẹ ấy vô cùng. Đó là những phụ huynh tuyệt vời nhất trong cuộc đời làm giáo dục của tôi.

Họ không biết tôi là ai, không hiểu về mô hình Giáo dục Thực nghiệm. Nhưng họ gửi con cho tôi. Chỉ vì họ tin tôi – một ông tiến sĩ khoa học.

Tôi luôn hình dung, tôi sẽ tạo ra những đứa trẻ mà tự chúng nó phải trở thành chính mình,  không giống một ai, vì nó là một, là riêng, là duy nhất, không giống bất cứ ai trên đời này từ ADN đến cách nghĩ. Ở trường tôi cũng không có thi đua, xếp hạng, không có khen thưởng, không có chấm điểm. Ở đó, thầy trò chúng tôi dạy và học theo một phương pháp hoàn toàn khác với những ngôi trường khác bên ngoài.

Khi trẻ con ở các nơi khác học đánh vần, học trò tôi học thơ lục bát.  Khi trẻ con ở các trường khác viết văn tả người, tả cây, thì tôi cho học trò đọc Balzac, Huygo. Tôi không ép lũ trẻ phải viết theo những bài văn mẫu. Chúng tôi ra một đề bài, và học sinh có thể trả bài theo cảm nhận: đôi khi chúng viết một bài văn, đôi khi chúng làm thơ, đôi khi chúng nộp một bức tranh chúng vẽ. Và đều được chấp nhận.

Tôi không chấm điểm học trò, vì tôi nghĩ rằng, quan trọng là tụi nhỏ thích môn học đó, chứ điểm cao hay điểm thấp không có ích gì. Nếu nó thấy đó là môn học nó thích và có ích cho nó, nó sẽ tự khắc học. Không thì ép thế nào cũng vô nghĩa.

NHỮNG NGƯỜI ĐÁNH CON VÀ "BẢN THỎA THUẬN KỲ LẠ" Ở CỔNG TRƯỜNG 

Tôi cho rằng mọi đứa trẻ đều phải được yêu thương và tôn trọng, được hạnh phúc. Nên tôi không chấp nhận mọi hành vi bạo lực của người khác dành cho học trò mình. Một lần, tôi thấy một người mẹ đánh con trong sân trường Thực nghiệm. Tôi bước lại hỏi lý do.

Người mẹ nói:

-Thằng bé lề mề nên đến muộn.

Tôi giận lắm:

-Nó đến muộn tôi vẫn cho vào lớp. Sao cô đánh nó? Cô phải xin lỗi học trò tôi ngay!

Người mẹ ngạc nhiên lắm:

-Nhưng nó là con tôi, tôi có quyền đánh nó, thưa thầy!

Tôi trả lời:

-Con của cô là ở nhà cô. Còn bước vào cổng trường này thì là học trò tôi. Cô đánh học trò của tôi thì cô phải xin lỗi. Nếu không thì cô đưa con cô về, không để thằng bé học ở đây nữa.

Và thế là người mẹ phải xin lỗi con, còn tôi tự tay dẫn thằng nhỏ vào lớp.

Sau này thằng bé lớn lên, trở thành một người rất tốt, tôi rất hài lòng.

Ở trường Thực nghiệm cũng có một ông bố rất hay đánh con. Và mỗi ngày bị bố đánh, thằng nhỏ đều đánh bạn ở trường, như một cách trút giận.

Khi tôi biết chuyện, mỗi ngày tôi đều chờ ông bố đó đến đón con và dặn dò:

-Hôm nay về đừng đánh con nhé!

Ngày hôm sau tôi lại gặp, và lại hỏi:

-Hôm nay anh có đánh con không?

Ông bố trả lời:

-Thưa thầy, không ạ!

- Tốt lắm. Thế cố gắng thêm một ngày nữa nhé. Đừng đánh nó hôm nay!

Cứ như thế trong hơn nửa tháng trời tôi liên tục thoả thuận với ông bố đó như thế, rất vui vẻ và kiên trì thì ông bố bỏ thói đánh con, còn thằng nhỏ đến trường cũng không đánh bạn nữa.

Thằng nhỏ lớn lên cũng rất tốt, rất đàng hoàng. Tôi rất vui!

Tôi không chấp nhận giáo dục trẻ con bằng bạo lực. Tôi không đánh con và cũng không dùng các phương pháp đe doạ tinh thần với học trò của mình.

Duy nhất một lần trong đời tôi phạt học trò, vì lỗi liên tục bỏ học và đi học muộn. Hội đồng Kỷ luật nhà trường yêu cầu tôi xử phạt nó.

Tôi gọi thằng bé lên, hỏi:

-Hôm qua đến muộn phải không?

-Phải ạ!

-Còn đi muộn nữa không?

-Thưa thầy, chưa biết ạ!

Thế là tôi véo tai nó một cái. Nó kêu đau, nhưng miệng vẫn đáp:

-Thầy vẫn còn khoẻ nhỉ?

Và tôi bật cười, tha cho thằng nhỏ về lớp.

Năm ngoái ngày Hội trường, gặp lại thằng nhóc đã lớn đó, nó vẫn làu bàu:

-Thầy ơi, tai em vẫn còn đau đấy!

Thằng nhỏ giờ cũng trở thành người đàng hoàng, tôi rất vui!

"PHÁT HIỆN THÚ VỊ" CỦA CẬU HỌC TRÒ NGÔ BẢO CHÂU 

Tôi quan niệm rằng, thời gian là thứ duy nhất trên đời này không lấy lại được, nên mọi khoảnh khắc trôi qua với lũ trẻ, tôi đều không muốn lãng phí. Tôi muốn để lũ trẻ cảm nhận cuộc sống theo mọi cách.

Các ông bố bà mẹ thường hay cấm con tắm mưa. Mà bọn trẻ con thì lại rất thích nên suốt ngày giấu bố mẹ đi tắm mưa trộm.  Hôm đó hết giờ học, trời mưa to, tôi bảo tụi nhỏ thích thì cứ ra sân trường mà nghịch cho thoả thích. Thế là lũ trẻ oà ra. Bố mẹ chứng kiến cũng lo con ốm. Nhưng tôi thì nghĩ một trận mưa ốm sao được, quan trọng là bọn trẻ con vui.

GS Hồ Ngọc Đại nói về học trò Ngô Bảo Châu và chuyện dạy Tiếng Việt

Ở trường Thực nghiệm, tôi chỉ treo duy nhất một khẩu hiệu – cũng là kim chỉ nam của trường Thực nghiệm: "Học tập là hạnh phúc. Mỗi ngày đến trường náo nức một ngày vui".

Hồi đó, ngày nào tôi cũng ra đứng trước cổng trường mỗi giờ tan học, gặp từng phụ huynh và hỏi: "Hôm nay con anh chị đến trường có vui không?".

Tôi cũng hay hỏi mẹ Ngô Bảo Châu như thế. Nhưng thằng bé rất đáo để. Khi mẹ nó bảo: "Thầy quan tâm đến con lắm đấy". Nó phủ nhận ngay: "Không phải thầy quan tâm đến con đâu. Tại mẹ đẹp đấy". Khi mẹ thằng bé kể lại chuyện đó cho tôi, tôi cười sung sướng, vì học trò của tôi đã có suy nghĩ riêng của chính nó và dám nói suy nghĩ đó ra. Thế là tôi mừng, không thể trách giận gì được.

"TAO BÂY GIỜ HẠNH PHÚC LẮM - VÌ NGÀY NÀO CŨNG ĐƯỢC VẶN ỐC"

Ngô Bảo Châu có lẽ là một trong những học trò nổi tiếng và thành đạt nhất của trường Thực nghiệm. Khi Ngô Bảo Châu đạt giải Fields, báo chí viết về cậu ấy, người người ca ngợi cậu ấy. Là thầy, tôi cũng rất tự hào. Nhưng Ngô Bảo Châu không phải là học sinh khiến tôi tự hào nhất, ưng ý nhất. Niềm tự hào lớn nhất của tôi là một cậu học trò giờ làm nghề sửa xe!

Cậu học trò tôi kể có một niềm đam mê kỳ lạ với máy móc và đặc biệt thích sửa xe. Cậu ấy đi du học, có hai bằng đại học ở nước ngoài. Nhưng đến khi về nước, cậu ấy không làm việc văn phòng máy lạnh, mà mở một quán sửa xe. Cậu ấy nói với con trai tôi – cũng là bạn học của cậu ấy: "Tao bây giờ hạnh phúc lắm vì ngày nào cũng được vặn ốc".

GS Hồ Ngọc Đại nói về học trò Ngô Bảo Châu và chuyện dạy Tiếng Việt - Ảnh 11.

Tôi hài lòng vô cùng, vì thế là tôi đã giáo dục thành công, để học trò của tôi trở thành chính nó chứ không phải trở thành ai khác, biết mình muốn gì, biết mình thích gì, chứ không bận tậm đến áp lực của bố mẹ hay sức ép của người đời.

Mỗi khi gặp các phụ huynh có con học ở trường Thực nghiệm ngày xưa, tôi rất vui vì họ đều nói: "Con tôi lúc đi học thì thấy lo. Nhưng càng lớn càng ổn". Không lời khen nào với tôi giá trị hơn lời khen đó.

"LÀ NHÀ KHOA HỌC, TÔI KHÔNG QUAN TÂM ĐẾN TIỀN"

Những ngày qua, dư luận lên án công nghệ giáo dục của tôi. Tôi cười, vì họ không hiểu. Nhiều người hỏi tôi bị xúc phạm, bị thoá mạ như thế tôi có buồn không? Tôi cũng cười, vì tôi không quan tâm. Tôi thấy cũng có cái tốt, là nhân chuyện này, có nhiều người chưa biết về Công nghệ giáo dục của tôi đã mày mò tìm hiểu xem đó là gì. Khi biết rồi thì họ không chửi nữa. Còn những người vẫn chửi, tôi tin vì họ vẫn chưa hiểu. Tôi mừng vì phương pháp giáo dục của mình đã được người ta quan tâm và biết đến nhiều hơn.

Dù có rất nhiều khó khăn, nhưng  tôi chưa bao giờ nản chí. Tôi vẫn nhớ, ba vợ tôi (cố TBT Lê Duẩn  – PV) từng nói khi còn sống: "Thằng Đại đúng đấy! Nhưng vài chục năm nữa người ta mới nhận ra" . Bây giờ thì tôi hiểu, có khi không phải mấy chục năm, mà nhiều lần mấy chục năm nữa mới thành công. Nhưng tôi vẫn kiên trì và sẽ có người tiếp tục thay tôi để kiên trì giấc mơ đó.

Cũng có người nói chuyện đưa sách CNGD (sách công nghệ giáo dục – pv)  vào dạy ở các tỉnh là có động cơ tiền bạc, có biểu hiện lợi ích, và ông Hồ Ngọc Đại cũng nhận kha khá tiền, tôi cũng cười.

Chứ cả gia đình tôi đều biết, tôi là một người cả đời không để ý đến tiền. Con trai tôi vẫn nói tôi "số đỏ". Hồi bé thì có bố mẹ nuôi. Đến lúc lớn thì có vợ nuôi. Về già có con nuôi. Luôn có người chăm lo cho tôi để tôi yên tâm làm khoa học. Nên cả đời mình tôi chưa từng một lần phải lo gánh nặng cơm áo, lo chuyện mang tiền về nuôi vợ nuôi con.

Tôi nhớ có duy nhất một lần tôi được lĩnh một khoản tiền lớn, tôi mang về cho vợ. Vợ tôi cười, bảo: "Thôi, anh giữ lại mời bạn uống bia". Nhà có việc gì dù bé dù lớn vợ tôi cũng không kêu ca với tôi. Ai mà nói với tôi, bà ấy lại gạt đi, bảo: "Để yên cho ông Đại làm khoa học".

GS Hồ Ngọc Đại: Ngô Bảo Châu không phải học trò tôi tự hào nhất mà là một cậu sửa xe - Ảnh 14.

Hồi đó khi Bộ trưởng Bộ Giáo dục Phạm Vũ Luận ngỏ ý muốn nhân rộng sách CNGD và trình bày rằng Bộ rất khó khăn về kinh phí, tôi đã nói tôi tặng Bộ Giáo dục công trình của tôi, không lấy tiền.

Nhưng dù không quan tâm đến tiền, tôi cũng hiểu, SGK là một lĩnh vực thu lợi nhuận khủng khiếp. Mà không chỉ có sách giáo khoa, còn có rất nhiều loại sách bổ trợ đi kèm nữa. Giống như khi có một bệnh nhân ốm, người ta kê kháng sinh và hàng chục loại thuốc bổ đi kèm.

 
GS Hồ Ngọc Đại: "Ngô Bảo Châu không phải học trò tôi tự hào nhất mà là một cậu sửa xe" - Ảnh 15.
 
 

Sách CNGD của tôi chỉ có một cuốn, không có sách bổ trợ. Năm học này có hơn 800.000 học sinh trong cả nước dùng sách của tôi. Thì hẳn sẽ có nhiều nhóm làm sách giáo khoa khác bị ảnh hưởng về lợi ích. Và tôi cho rằng cơn bão tấn công tôi xuất phát từ đó.

Nhưng tôi đã đủ già để hiểu: "Họ chỉ chấp nhận vì lợi ích của họ. Đừng hy vọng họ vì lợi ích của chúng ta". Tôi là nhà khoa học, tôi không biết chuyện sách giáo khoa được bán thế nào, không quan tâm chuyện lỗ lãi của ai đó ra sao. Tôi chỉ quan tâm một việc, sách giáo khoa của tôi đến được tay trẻ con. Việc còn lại, pháp luật sẽ có nhiệm vụ điều chỉnh!

                                                                                                                                                                                      Theo Kênh 14.vn 

                                                                                                                                                                                         Phạm Mai (st)