Sách giáo khoa: Lãng phí và độc quyền

Ngày đăng: 19/09/2018 - 1387 lượt đọc

Cứ vào năm học mới, nhiều gia đình phải tất bật lo cho con, nào là đóng góp tiền trường, mua sách, vở, đồ dùng học tập với số tiền không nhỏ. Đặc biệt, với những gia đình đông con, muốn tận dụng sách của con lớn để cho con nhỏ học lại cũng khó thực hiện?

Sách giáo khoa: Lãng phí và độc quyền

Thiếu tính đồng bộ

Chị T.B (Thanh Xuân, Hà Nội) phản ảnh: “Năm nay con tôi vào lớp 4, tôi không đăng ký mua sách tại trường, mà mua một bộ SGK đầy đủ tại siêu thị sách, nhưng khi học đến tiết Mỹ thuật, cháu về nói với tôi “Mẹ ơi cô giáo bảo, mẹ mua nhầm sách rồi, mẹ phải mua sách khác cho con".

Tôi giật mình, rõ ràng cuốn sách Mỹ thuật lớp 4 được in bởi NXB Giáo dục Việt Nam, có giá 6.500 đồng mà lại không học được. Tôi tá hỏa gặp bạn học cùng lớp với con để kiểm tra thì được biết, cuốn sách các con học năm nay là sách Mỹ thuật lớp 4 (theo định hướng phát triển năng lực), cũng do NXB Giáo dục Việt Nam phát hành, nhưng có kích thước to hơn và giá bán 25.000 đồng. Vậy là, tôi lại phải mua cuốn sách đó cho con học, còn cuốn đã mua rồi đành phải bỏ. Tìm hiểu một trường ở quận khác, thì biết mỗi quận có một vài đầu sách sẽ học chương trình khác nhau"…

Một phụ huynh có con năm nay vào lớp 1 cho biết, khi đến nhập học cho con, nhà trường đưa ra danh mục những đầu sách, đồ dùng học tập cần mua. Dù mới học lớp 1, các cháu phải học nhiều loại sách khác nhau, đến phụ huynh cũng không nhớ hết tên.

Đơn cử như, SGK đã có cuốn Tập bài hát nhưng trường vẫn yêu cầu mua thêm cuốn Âm nhạc Hà Nội. Không cần biết sách có cần thiết cho học sinh không, nhưng nhà trường đã đưa ra thì phụ huynh không thể không mua.

Tình trạng "loạn" sách tham khảo, sách bổ trợ thể hiện rất rõ ngay với học sinh lớp 1. Danh mục sách của học sinh lớp 1 tại Hà Nội lên đến 24 cuốn. Trong đó, có đến 7 cuốn sách bổ trợ như vở luyện chữ đẹp, luyện đọc hỗ trợ học vần, thực hành mỹ thuật (theo định hướng phát triển năng lực), thực hành Tiếng Việt và Toán, ôn tập kiểm tra đánh giá năng lực học sinh môn Tiếng Việt… Riêng đối với môn tiếng Anh, Tin học thì mỗi trường một kiểu, mỗi năm một chương trình khác nhau, giá bán những cuốn sách tiếng Anh thường cao hơn nhiều so với sách khác.

Có thể thấy, nếu phụ huynh nào không mua đủ bộ sách tại trường học cho con, thì rất rễ rơi vào tình trạng toát mồ hôi, vì phải chạy khắp nơi để tìm mua dù chỉ 1 cuốn sách theo đúng chương trình học của trường đó.

Vô cùng lãng phí

Nhiều ý kiến cho rằng, việc bắt buộc học sinh phải thay mới SGK hàng năm là một sự vô lý, một sự lãng phí không thể chấp nhận được. Bởi, nhiều bậc phụ huynh lo cho con học hành vẫn là một gánh nặng lớn, đầu năm phải đóng góp rất nhiều, thậm chí có nhiều khoản mà các trường đang “lạm thu" vô tội vạ, lại cộng thêm tiền SGK, đồ dùng học tập đã tạo thêm nhiều áp lực về tài chính cho các gia đình.

Trước đây, đối với những gia đình có điều kiện, việc thu gom sách cũ tặng lại cho học sinh vùng khó khăn là một nghĩa cử cao đẹp, giàu tính nhân văn, giáo dục cho các con tinh thần tương thân tương ái, nhưng bây giờ việc này khó thực hiện. Nên mỗi năm có hàng ngàn tấn SGK bị bỏ đi làm phế liệu, trong khi đó, những nơi cần sách, những gia đình nghèo vẫn không thể tái sử dụng sách cho con đến trường.

Một lãnh đạo trong ngành giáo dục cho biết, sở dĩ "loạn" SGK, sách bổ trợ là do lợi ích đằng sau việc đưa những sách này vào nhà trường. Bởi, khi lãnh đạo các phòng, ban liên quan đề xuất mua sách bổ trợ (đối với học sinh), hoặc tài liệu nâng cao kiến thức chuyên môn (đối với giáo viên) sẽ được nhà xuất bản chi hoa hồng từ 30 - 45% giá mỗi đầu sách.

Được biết, hàng năm, ngân sách cho ngành giáo dục của mỗi tỉnh luôn có một phần nhất định dành cho mua sách nâng cao kiến thức chuyên môn, kỹ năng cho giáo viên, học sinh nói chung. Số tiền đó lên đến vài tỷ đồng mỗi năm và 30 - 45% tiền hoa hồng là con số không nhỏ.

Thông thường, lãnh đạo phòng chuyên môn tiểu học, trung học, giáo dục thường xuyên của sở GD&ĐT chịu trách nhiệm đề xuất mua sách, tài liệu bổ trợ dành cho học sinh, giáo viên. Do đó, số tiền hoa hồng từ các nhà xuất bản cũng sẽ vào túi những người này, đáng nói nhiều cuốn sách không cần thiết, mua về cũng chỉ xếp xó. Ngoài ra, một "chiêu" được Sở GD&ĐT các tỉnh áp dụng là đặt hàng nhà xuất bản viết riêng một cuốn sách cho tỉnh mình, sau đó tìm cách đưa vào trường học và hưởng lợi từ phần tiền hoa hồng của nhà xuất bản.

Trước hàng loạt bất cập liên quan đến SGK và sự lãng phí vô cùng lớn, thiết nghĩ, các đơn vị liên quan cần tăng cường giám sát trong phạm vi trách nhiệm của mình và có ý kiến về sự độc quyền trong xuất bản SGK.

                                                                                                                                                                                Theo Đocbao.vn

                                                                                                                                                                                Nguyễn Triệu (st)