Xã hội biết chuyện lãng phí lớn từ sách giáo khoa, sao nhà quản lý không biết? Chia sẻ

Ngày đăng: 15/10/2018 - 896 lượt đọc

Dân trí Trưởng Ban Dân nguyện của UB Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thanh Hải đặt vấn đề như vậy khi nêu ý kiến tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế xã hội chiều 15/10. Bà Hải cho biết, việc sách giáo khoa không thể tái sử dụng vì có phần bài tập viết trực tiếp lên đã được đề cập từ 16 năm trước…

Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải

Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải

Bà Nguyễn Thanh Hải nhấn mạnh, con số 1.000 tỷ đồng xã hội phải chi cho việc in sách giáo khoa mỗi năm mà nhiều uỷ viên UB Thường vụ Quốc hội đề cập đã được tái khẳng định trong phiên họp thẩm tra các vấn đề liên quan lĩnh vực giáo dục của UB Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng diễn ra 1 tuần trước. Con số này tương ứng với 127,8 bản phải in mỗi năm mà năm sau không thể tái sử dụng.

Con số này, so với mức chi để xây nhà cho người có công (50 triệu đồng/căn nhà xây mới, 20 triệu đồng/căn nhà cần sửa chữa), theo bà Hải, 1.000 tỷ nếu tiết kiệm được sẽ giúp làm được 20.000 căn nhà mới, sửa được 40.000 căn nhà cho các đối tượng cần hỗ trợ.

Bà Hải không hài lòng vì sau khi thông tin về con số 1.000 tỷ đồng lãng phí của xã hội được nêu ra, Bộ GD-ĐT có văn bản truyền đi nói, thực hiện Nghị quyết 40 (ban hành năm 2000) của Quốc hội, từ những năm đầu tiên khi tiến hành thí điểm bộ sách giáo khoa mới (từ năm 2002), Bộ đã ban hành công văn nói giáo viên cần hướng dẫn học sinh không viết lên sách giáo khoa. Giáo viên và học sinh có trách nhiệm bảo quản sách giáo khoa…

“Nhưng với những mệnh đề, bài tập in sẵn trên sách mà yêu cầu làm thế thì rất khó” – bà Hải bình luận.

Theo Trưởng Ban Dân nguyện, vấn đề này đã được cử tri đề cập từ những năm đầu thực hiện chương trình, sử dụng bộ sách mới nhưng 16 năm đã qua, tình trạng sách giáo khoa có in bài tập vẫn không giảm. Có đại biểu Quốc hội cũng đã nêu vấn đề lãng phí này từ năm 2005-2006 nhưng chưa được quan tâm, giải quyết.

“Sao phụ huynh biết, học sinh biết, giáo viên cũng đều biết về việc lãng phí này mà nhà quản lý lại không biết đó là lãng phí lớn? Giá 5 năm trước chúng tôi quyết liệt hơn, các đại biểu Quốc hội quyết liệt hơn thì trong thời gian 5 năm, cả nước đã có được thêm bao nhiêu căn nhà chính sách” – bà Hải thở dài.

Vạch mặt tham nhũng, bất kể là ai

le thi nga

Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Nga

Phát biểu ý kiến, nhấn mạnh kết quả phòng chống tham nhũng, Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng, báo cáo của Chính phủ cần làm rõ những kết quả nổi bật đạt được thời gian qua.

Dưới sự chỉ đạo của Tổng bí thư, các cơ quan tư pháp, Chính phủ đã đẩy mạnh được công tác Phòng chống tham nhũng. Đây là giai đoạn được đẩy mạnh với phương châm nói đi đôi với làm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai, ở cương vị công tác nào, kể cả cán bộ đã nghỉ hưu, bà Nga phát biểu.

Chủ nhiệm Nga nhận xét, với Chính phủ mảng công tác này đã được đẩy mạnh thể hiện ở 2 lĩnh vực.

“Cụ thể, lĩnh vực thanh tra đã đẩy nhanh kết luận thanh tra các vụ được dư luận xã hội quan tâm như vụ AVG, hãng phim truyện Việt Nam, Thủ thiêm... Đặc biệt là đôn đốc thực hiện các kết luận sau thanh tra. Điểm thứ hai, là đã điều tra các vụ án phức tạp như đánh bạc trên mạng, sai phạm của một số ngân hàng hay vụ Đinh Ngọc Hệ, Phan Văn Anh Vũ…” - bà Nga điểm lại.

Tuy nhiên, Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Nga cũng nêu một loạt vấn đề mà cử tri bức xúc đề cập trong các hội nghị tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 6.

Trước hết, cử tri muốn làm rõ chất lượng công trình hạ tầng nói chung, công trình đầu tư công nói riêng, trong đó có đường giao thông… xuống cấp nhanh. Đây là vấn đề cử tri đã phản ánh, thắc mắc nhiều lần rồi. Mới đây nhất, cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi với mức đầu tư 34.500 tỷ mới thông xe ít tháng đã bộc lộ nhiều điểm xuống cấp trên toàn tuyến.

“Đề nghị làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan trong vụ việc này chứ tránh để như Giám đốc Ban quản lý dự án giải thích là đường xuất hiện ổ gà, ổ trâu là do… trời mưa, rồi do các phương tiện làm rơi vãi dầu diezel - thứ kị với nhựa đường trong quá trình lưu thông” – bà Nga nói.

Chủ nhiệm UB Tư pháp cũng đề cập tình trạng tội phạm ma tuý là vấn đề đáng quan ngại. Bên cạnh việc tập trung phá những vụ án lớn, bắt hàng kg ma tuý, bà Nga cho rằng, cần kiểm soát chặt các quán bar, vũ trường, các lễ hội âm nhạc như lễ hội tại công viên nước Hồ Tây, có 7 người chết do sử dụng ma tuý vừa qua. Bà Nga cho rằng cần siết chặt quản lý hoạt động kinh doanh các loại chất kích thích mới du nhập như bóng cười, tem lưỡi, shisa… tại các thành phố lớn.

Ngoài ra, Chủ nhiệm UB Tư pháp bày tỏ lo ngại về việc quản lý nhà đất, tài sản công với nhiều vụ sai phạm diễn ra trong thời gian dài, từ giai đoạn trước, có sự tiếp tay, có biểu hiện lợi ích nhóm, “sân sau”, công ty gia đình… bộc lộ thời gian qua.

Bà Nga cũng muốn các cơ quan Chính phủ tập trung chống nạn bạo hành trẻ em. Gần đây nhất, dư luận lại dậy sóng vì vụ xâm hại trẻ em tại Thái Bình, nạn nhân bị 4 đối tượng xâm hại tập thể, một đối tượng trong đó là Phó phòng cảnh sát kinh tế, công an tỉnh. Những vụ xảy ra liên tiếp, chưa có dấu hiệu dừng lại cho thấy đòi hỏi từ thực tế sự quyết tâm tập trung xử lý của các cơ quan chức năng.

Cũng liên quan đến tình hình tội phạm, bà Nga đề cập tình trạng đánh bạc trên mạng, tín dụng đen kéo theo nạn cưỡng đoạt tài sản, bắt giữ người trái pháp luật đang diễn ra rất phức tạp.

Công tác phòng chống cháy nổ chưa được quan tâm đầy đủ khi trong năm, hàng loạt vụ cháy để lại hậu quả nghiêm trọng xảy ra. Bà Nga điểm lại, vụ cháy chung cư Carina ở TPHCM, vụ cháy khu nhà trọ cạnh viện Nhi TƯ… đều dẫn đến thiệt hại đau xót về tính mạng con người. Mà các vụ cháy nổ ngày nào cũng thấy có tin, từ cháy chung cư, cháy xóm trọ tới cháy nhà xưởng, hàng quán…

                                                                                                                                                                                         Theo Dân Trí

                                                                                                                                                                                      Nguyễn Triệu (st)