Giật mình và lo lắng về giáo dục nước nhà

Ngày đăng: 21/11/2018 - 845 lượt đọc

Đi chậm hơn người ta, thôi thì kiên trì lẽo đẽo đi mãi cũng còn có thể đến đích, còn đã đi sai hướng thì nỗ lực đến đâu cũng bằng thừa.

Trước tình cảnh của giáo dục nước ta hiện nay, chúng ta không khỏi giật mình nhớ đến vai trò của giáo dục đối với một đất nước trong câu chuyện về Khổng Tử; (sinh 28 tháng 9, 551 trước công nguyên, mất ngày 11 tháng 4, 479 trước công nguyên) là thầy giáo và là triết gia Á Đông, năm ba mươi tuổi mở trường dạy học trò.

Chuyện kể rằng Khổng Tử có học trò tên Mỗ, người nước Đằng. Mỗ học vào loại trung bình, song luôn luôn tự cho mình là giỏi nhất. Học được vài năm, Mỗ xin về nước vì tưởng rằng đã học hết đạo của thầy. Học trò Tử Cống thấy vậy hỏi:

- Người ấy về nước rồi làm quan có sao không?

Khổng Tử rung đùi đáp:

- Không sao.

Lại hỏi tiếp:

- Làm tướng có được không?

Khổng Tử vuốt râu đáp:

- Được.

Lại hỏi tiếp:

- Thế nhỡ về làm giặc?

Khổng Tử vừa ngáp vừa trả lời:

- Cũng không hại gì.

Bấy giờ Tử Cống mới yên tâm, thưa:

- Nghe nói Mỗ xin về nước chỉ để làm thầy!

Khổng Tử vừa nghe câu đó, giật mình hoảng hốt, chân không kịp xỏ giày, áo không kịp cài khuy, vội lao ra cổng, chạy hớt hơ hớt hải. Học trò đuổi theo, hỏi: “thầy chạy đi đâu?”. Khổng Tử vừa chạy vừa đáp:

- Sang ngay nước Đằng.

Học trò lại hỏi: “sang nước Đằng làm gì?”.

Khổng Tử vẫn vừa chạy vừa trả lời:

- Sang ngăn không cho tên Mỗ làm thầy. Hắn có làm quan thì cùng lắm chỉ hại đến một ấp. Làm tướng cũng chỉ hại đến một thành. Thậm chí có làm giặc cũng chưa chắc đã hại nổi ai. Nhưng nếu hắn làm thầy thì sẽ hại đến muôn đời. Ngay cả ta cũng khó mà tránh khỏi liên luỵ…".

Vai trò của giáo dục đối với thịnh suy của một đất nước, môt dân tộc là như vậy, như một chân lý bất biến, chả thế mà 2469 năm sau, ở châu Phi xa xôi cách xa Trung Quốc ngàn vạn dặm, Nelson Rolihlahla (sinh 18 tháng 7 năm 1918 – mất 5 tháng 12 năm 2013) là nhà hoạt động chống tệ nạn phân biệt chủng tộc apartheid, đã nhận Giải Nobel Hòa bình năm 1993 trở thành Tổng thống Nam Phi từ năm 1994 đến 1999 được nhân dân đặc biệt kính trọng coi như là Người cha của nhân dân, cũng đã nói nếu chất lượng giáo dục thấp kém sẽ dẫn đến hậu quả liên quan đến sự tồn vong của quốc gia và dân tộc như sau:

- Bệnh nhân chết dưới bàn tay của các bác sĩ của nền giáo dục đấy.

- Các tòa nhà sụp đổ dưới bàn tay của các kỹ sư của nền giáo dục đấy.

- Tiền bị mất trong tay của các nhà kinh tế và kế toán của nền giáo dục đấy.

- Đồng loại chết dưới bàn tay của các học giả tôn giáo của nền giáo dục đấy.

- Công lý bị mất trong tay các thẩm phán của nền giáo dục đấy.

- Sự sụp đổ của giáo dục là sự sụp đổ của một quốc gia.

Và câu nói sau đây của Nelson Mandela được khắc trên bảng vàng, treo tại cổng trường Đại học Nam Phi: "Giáo dục là thứ vũ khí mạnh nhất mà bạn có thể dùng để thay đổi thế giới" (Education is the most powerful weapon that you can use to change the world)


Ảnh tư liệu

Ảnh tư liệu

Khổng Tử và Nelson Mandela là hai con người cách xa nhau về thời gian hơn hai ngàn năm (1918 + 551 trước công nguyên) và cách xa nhau về không gian hàng ngàn vạn dặm, nhưng đều tương đồng ở điểm là có trách nhiệm với nhân dân, đất nước và có tầm nhìn vĩ mô đối với giáo dục. Nghe chuyện trên của Khổng Tử, đọc câu nói bất hủ về giáo dục của Nelson Mandela, chúng ta không thể không giật mình về vận mệnh dân tộc trước hiện trạng của giáo dục Việt Nam ngày nay - một nền giáo dục không chỉ đi chậm so với nhiều nước trên thế giới, thậm chí chậm hơn so với ngay cả không ít nước trong khu vực, mà tệ hại hơn là còn đi sai hướng. Đi chậm hơn người ta, thôi thì kiên trì lẽo đẽo đi mãi cũng còn có thể đến đích, còn đã đi sai hướng thì nỗ lực đến đâu cũng bằng thừa.

Vì vậy mà lo lắm thay !

                                                                                                                                                                                        Theo Dân Trí

                                                                                                                                                                                     Nguyễn Triệu (st)