Thầy cô thi giáo viên giỏi, học sinh… khổ

Ngày đăng: 22/11/2018 - 875 lượt đọc

(GDVN) - Nhiều trường liên tục tổ chức Hội thi này đến Hội thi khác gây ra áp lực vô cùng lớn cho học sinh trong trường

LTS: Phản ánh về những bất cập của Hội thi giáo viên giỏi, thầy giáo Thanh An chỉ ra sự vất vả của học sinh khi phải gồng mình giúp thầy cô hoàn thành phần thi của mình.

Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Bất kỳ giáo viên nào khi tham gia thi giáo viên giỏi cấp huyện hay tỉnh cũng phải đầu tư và chịu nhiều vất vả để trải qua các vòng thi theo quy định hiện hành. 

Song, đối tượng chịu tác động trực tiếp của Hội thi này lại là các em học sinh mà thầy cô dạy. 

Những trường được Phòng, Sở giao nhiệm vụ “đăng cai” phần thực hành của Hội thi thì trong suốt quá trình tổ chức nhiều em học sinh phải gồng mình để “chia lửa” với các thầy cô thấy thật tội nghiệp.

Địa phương chúng tôi đang diễn ra phần thi thực hành của Hội thi giáo viên giỏi do Phòng Giáo dục tổ chức. 

Làm thế nào để Hội thi giáo viên giỏi thật sự hiệu quả? Ảnh minh hoạ: http://mnthitranyl.vinhphuc.edu.vn

Vì trường được Phòng mượn để tổ chức là trường loại II nên chỉ có 21 lớp học. Tuy nhiên, số lượng giáo viên đăng ký thi lên đến 133 giáo viên tham dự. 

Thời gian diễn ra Hội thi là 2 tuần liên tục nên phải nói là đội ngũ Ban giám hiệu, Tổ trưởng chuyên môn liên tục phải sát sao với Hội thi này bởi mỗi ngày có hàng chục giáo viên đến dạy thực hành. 

Phó Hiệu trưởng nhà trường và Tổ trưởng chuyên môn sắp lịch, bố trí tiết dạy cho các giáo viên tham dự từ các trường khác đến. 

Mỗi giáo viên dạy 2 tiết thực hành, điều này cũng đồng nghĩa là lớp nào cũng có rất nhiều tiết học được bố trí cho các giáo viên tham dự Hội thi giảng dạy. 

Vì thế, không chỉ cán bộ quản lý nhà trường vất vả mà những em học sinh mới là người phải “chịu trận” và chịu nhiều vất vả nhất.

Thi giáo viên giỏi cấp thành phố, nhiều thầy cô tự…rớt

Phần giảng dạy thực hành của giáo viên là 2 tiết, trong đó có 1 tiết tự chọn và 1 tiết bốc thăm. 

Những tiết nào có nội dung mà hay, dễ dạy thì giáo viên thường lựa chọn làm tiết tự chọn cho mình. 

Tuy nhiên, trong thời gian 2 tuần diễn ra Hội thi thì việc bắt buộc là phải dạy theo Phân phối chương trình và Thời khóa biểu của nhà trường sở tại. 

Điều này cũng đồng nghĩa là sẽ có nhiều bài khó và không hay cũng được giảng dạy. 

Bởi, thực tế, đa phần giáo viên hiện nay chỉ dạy 1-2 khối lớp, trong khi cấp Trung học cơ sở có 4 khối, Trung học phổ thông có 3 khối. 

Chính vì thế, nhiều giáo viên bốc thăm phải những tiết mà khối học đó thầy cô chưa bao giờ dạy nên gặp khó khăn. 

Tất nhiên, chuyện khó khăn này sẽ phải nhờ cậy đồng nghiệp và đặc biệt là phải làm tư tưởng, động viên học sinh lớp mình dạy phải chuẩn bị ở nhà tiết học đó thật tốt để “giúp” thầy cô thực hiện tiết dạy của mình.

Việc dạy thành công hay không, dở hay tốt thì mình giáo viên chẳng thể làm nên chuyện mà phải có sự phối hợp tối đa, nhiệt tình của học sinh. 

Nếu, học sinh không hợp tác thì xem như tiết học thất bại. Tuy nhiên, phần lớn các em rất nhiệt tình hợp tác với thầy cô tham gia Hội thi bởi đây là nhiệm vụ mà học sinh đã được làm tư tưởng nhiều lần. 

Chào cờ thì Ban giám hiệu nói, sinh hoạt lớp thì giáo viên chủ nhiệm nhắc nhở, trên lớp thì được giáo viên bộ môn đã phổ biến, rồi cuối cùng là thầy cô dự thi cũng phải đến để làm quen với lớp và căn dặn trước khi bước vào tiết dạy chính thức. 

Biện minh, bênh vực thì Hội thi giáo viên chủ nhiệm giỏi vẫn chỉ hình thức

Nhiều thầy cô “cẩn thận” yêu cầu học sinh chuẩn bị từng phần, từng câu hỏi cụ thể để học sinh chuẩn bị trước.

“Thấm nhuần” những lời yêu cầu, nhắc nhở, gợi ý nhiều lần như vậy của thầy cô nên phần lớn học sinh về nhà chuẩn bị rất kỹ bài học, tất nhiên các em phải tham khảo tài liệu trước. 

Khi đến buổi dạy trên lớp thì đa phần các em hăng say xây dựng bài. Nhiều em xung phong phát biểu, xung phong đọc bài một cách nhiệt tình và những câu hỏi khó vẫn có những cánh tay của học sinh giơ lên. 

Sau mỗi tiết học, giáo viên thở phào nhẹ nhõm nhưng đa phần học sinh thì mệt nhoài vì tiết học.

Nhiều lớp vì lịch học liên tục mà thầy cô bốc thăm lại rơi vào 2 tiết liền kề thành ra học sinh luôn trong trạng thái cực kỳ căng thẳng. 

Thầy này vừa ra, thầy khác đã bước vào, vì thế mà học sinh luôn trong trạng thái căng cứng, nghiêm túc và tập trung cao độ, không có thời gian nghỉ ngơi. 

Có lớp, trong 1 buổi học phải thực hiện đến 3 tiết dạy giáo viên giỏi với 3 môn học khác nhau tạo cho học sinh vất vả vô cùng.

Có lẽ, việc giao chỉ tiêu số lượng thi giáo viên giỏi cho từng trường đã tạo ra một lượng giáo viên tham gia đông đảo với tất cả các môn học.

Vậy nên đã tạo ra sự quá tải cho các trường được Phòng, Sở mượn địa điểm tổ chức. Hoạt động giảng dạy của thầy cô càng nhiều thì càng tăng áp lực cho học sinh. 

Trong khi, mỗi thầy cô mỗi phương pháp giảng dạy khác nhau mà thi giáo viên giỏi thì các hoạt động trên lớp phải thật đa dạng mới được đánh giá cao nên giáo viên phải vận dụng tối đa các phương pháp trong khả năng của mình. 

Vì thế, học sinh phải tập trung cao độ để theo sự định hướng của thầy cô.

Thường, những trường trung tâm của địa phương lại hay được mượn làm điểm tổ chức thi thực hành cho giáo viên để tiện lợi đi lại cho giáo viên đi thi và giáo viên làm giám khảo. 

Chính vì thế, nhiều trường liên tục tổ chức Hội thi này đến Hội thi khác gây ra áp lực vô cùng lớn cho học sinh trong trường.

Vẫn biết Hội thi giáo viên giỏi sẽ là điểm nhấn cho giáo viên, cho các đơn vị và ngành giáo dục nhưng có lẽ sẽ hiệu quả và thiết thực hơn là nên chỉ lựa chọn mỗi trường vài giáo viên thật sự tiêu biểu tham dự để tăng hiệu quả chất lượng Hội thi giáo viên giỏi. 

Điều quan trọng là giảm áp lực cho học sinh. Bởi, mỗi lần tổ chức là mỗi lần nhà trường, học sinh mệt mỏi vô cùng.

Trong khi, nhiều địa phương lại cứ vận động, hô hào cho giáo viên thi càng nhiều càng tốt! Nỗi khổ này của học sinh… thầy cô có thấu chăng?   

                                                                                                                                                                        Theo Giáo dục Việt Nam

                                                                                                                                                                                  Đỗ Chiến (st)