Báo động chất lượng không khí tại Hà Nội đi xuống

Ngày đăng: 29/03/2019 - 791 lượt đọc

Bụi bẩn khiến chất lượng không khí tại Hà Nội những tháng đầu năm 2019 đi xuống rõ rệt. Tình trạng này tác động xấu đến sức khỏe của người dân.

Tác động đến sức khỏe

Theo báo cáo “Chất lượng không khí toàn cầu 2018” do IQAir AirVisual hợp tác với Tổ chức Hòa Bình Xanh (Greenpeace) Đông Nam Á vừa công bố, Hà Nội là thành phố ô nhiễm thứ 2 ở khu vực Đông Nam Á, sau Jakarta (Indonesia). Cuối tháng 1/2019, thành phố trải qua một đợt ô nhiễm không khí nghiêm trọng khi chỉ số AQI thường xuyên ở mức xấu, thậm chí lên ngưỡng nguy hại - mức ô nhiễm nhất trong bảng đánh giá chất lượng không khí.

Báo động chất lượng không khí tại Hà Nội đi xuống - 1
Đường Võ Chí Công sau mỗi trận mưa lại rơi vào tình trạng bụi bẩn mù mịt. Ảnh: X.C

Người dân cũng cảm nhận ngày càng rõ tác động của ô nhiễm không khí tới cuộc sống. Bà Hoàng Lan Anh (Xuân La, Tây Hồ, Hà Nội) hàng ngày đi làm qua đường Võ Chí Công phàn nàn về tình trạng bụi bẩn dọc tuyến đường này do các xe kéo đất cát từ các công trình, dự án xây dựng đang triển khai trong khu vực. “Cứ sau mỗi đợt mưa phùn, tuyến đường này lại bụi mù mịt. Ai đi qua tuyến đường này không đeo khẩu trang sẽ không thở nổi”, bà Hoàng Lan Anh nhận xét.

Trong khi đó, anh Đỗ Việt Cường (khu Trung Hòa - Nhân Chính) cho biết: “Khu vực này toàn nhà cao tầng nên mật độ người tham gia giao thông đông. Các tuyến đường Trung Kính - Trần Duy Hưng luôn trong tình trạng quá tải. Vào giờ cao điểm, khói xe kết hợp với bụi xây dựng khiến bầu không khí cứ mờ mờ”.

Ông Mai Trọng Thái, Chi cục trưởng Chi cục bảo vệ môi trường Hà Nội cho biết: Chất lượng không khí 3 tháng đầu năm 2019 so với các năm trước có xu hướng giảm xuống. Nguyên nhân là thời tiết và ô nhiễm do khói bụi giao thông, phá dỡ công trình xây dựng. Trong 3 tháng đầu năm, thành phố Hà Nội vẫn còn chịu tác động mạnh của gió mùa Đông Bắc. Gió mùa có thể mang bụi từ các nguồn ở xa tới, cùng khí hậu khô, lạnh, áp suất cao làm nồng độ bụi PM trong không khí tăng cao.

“Bên cạnh đó, bụi PM2.5 (bụi siêu vi là những hạt dạng lỏng hoặc rắn trôi nổi trong không khí) có nhiều ngày vượt chuẩn, nhất là tại các trạm quan trắc chất lượng không khí giao thông”, ông Mai Trọng Thái cho biết.

Cùng với khí thải từ giao thông, xây dựng, nguồn thải từ khu cụm công nghiệp, làng nghề… đã làm bầu không khí Hà Nội luôn bị tích tụ thêm chất ô nhiễm mà khó có thể pha loãng, khiến chất lượng không khí trong giai đoạn này kém đi.

Cần kế hoạch đồng bộ

Tiến sĩ Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam cho biết: Chỉ số ô nhiễm bụi PM 2.5 lên cao như vậy là một điều rất đáng ngại. Bụi PM­ 2.5 là các hạt bụi có kích thước bằng khoảng 1/30 sợi tóc con người. PM 2.5 có khả năng luồn lách vào các túi phổi và tĩnh mạch phổi, gây nên nhiều căn bệnh chết người như bệnh về hô hấp, ung thư, tim mạch. Cơ quan bảo vệ môi sinh Mỹ nhận định, bụi PM 2.5 chứa nhiều hạt kim loại có khả năng gây ung thư và đột biến gene. Trong khi đó, các khẩu trang thông thường không thể ngăn loại bụi này.

 

Báo động chất lượng không khí tại Hà Nội đi xuống - 2
Bầu không khí Hà Nội mờ mờ vì khói bụi. Ảnh: Lê Phú

Để phòng tránh những tác hại xấu đến sức khỏe mà bụi mịn mang đến, những người mắc các căn bệnh mạn tính cần hạn chế ra đường. Nếu phải lưu thông trên đường, người dân nên trang bị các phương tiện bảo vệ như khẩu trang, kính... Nên chọn thời điểm ít phương tiện lưu thông khi ra đường, không nên để trẻ em ra đường vào những khung giờ cao điểm.

Để cải thiện chất lượng không khí, thành phố Hà Nội đang đẩy nhanh kế hoạch trồng mới 1 triệu cây xanh, triển khai các giải pháp nhằm hạn chế phương tiện cá nhân… Hà Nội cũng đẩy nhanh công tác đầu tư các bãi phế thải xây dựng; đẩy nhanh tiến độ xây dựng các nhà máy đốt rác công nghệ hiện đại…

“Thành phố cũng triển khai đồng bộ các Đề án nhằm cải thiện chất lượng không khí như: Đề án chống ồn, chống bụi; Đề án thu gom, xử lý chất thải nguy hại…”, ông Mai Trọng Thái cho biết.

BS Nguyễn Ngọc Hồng, Bệnh viện Phổi Trung ương cho biết: Bụi trong không khí có nhiều loại, bao gồm cả bụi vô cơ và bụi hữu cơ. Ở Hà Nội, nguồn bụi xuất phát chủ yếu từ mật độ giao thông lớn, nên bụi hữu cơ nhiều lại lẫn với nhiều tạp chất khác như nito, lưu huỳnh, kim loại… rất độc hại. Đặc biệt, theo cảnh báo, hạt bụi PM2.5 rất nhỏ, có thể đi thẳng vào phế nang phổi hoặc máu, gây độc cho cơ thể. Các loại bụi trong không khí, nhất là loại có chứa nhiều hợp chất hoá học có thể gây ảnh hưởng tới hệ hô hấp như: Hắt hơi, sổ mũi, ho, khó thở… Về lâu dài, nó có thể gây ra tình trạng rối loạn đường thở.

                                                                                                                                                                                    Theo Dân Trí

                                                                                                                                                                                    Phạm Mai (st)