So với thế giới, chuyển mạng giữ số ở Việt Nam đã rẻ và nhanh gọn chưa?

Ngày đăng: 01/04/2019 - 783 lượt đọc

Việc chuyển mạng giữ số (MNP) đã được các quốc gia trên thế giới thực hiện cách đây hai thập kỷ, bắt đầu từ: Anh, Hà Lan,… sau đó lan rộng ra toàn thế giới đến tận ngày nay.

Chuyển mạng giữ số là quá trình rất quan trọng đối với các thị trường viễn thông. Chuyển mạng giữ số là một xu thế tất yếu, thúc đẩy cạnh tranh về chất lượng dịch vụ, đang được thực thi ngày càng nhanh và mạnh ở khắp nơi trên thế giới.

Hầu hết các quốc gia trên thế giới đều không tính phí cho việc chuyển mạng giữ số, chỉ có một số trường hợp đặc biệt là tính phí, nhưng mức phí cũng không đáng kể. Mức phí chuyển mạng giữ số ở Argentina là 5 ARS (khoảng 2.700 VND), ở Bangladesh là 50 BDT (khoảng 10.000 VND), ở Ấn Độ là 4 INR (khoảng 1.300 VND). Cá biệt, Đức là quốc gia tính phí chuyển mạng giữ số cao nhất, lên tới 25 EUR (khoảng 650.000 VND), trong khi các quốc gia châu Âu khác chỉ giao động từ 1 đến 5 EUR.

Thủ tục MNP cũng được thực hiện tương đối nhanh chóng ở các quốc gia phát triển. Ở Úc và Canada, quá trình này cực kỳ nhanh gọn, chỉ mất từ 10 đến 20 phút. Ở Mỹ thì lâu hơn một chút, mất khoảng 1 giờ đồng hồ. Các quốc gia châu Âu thường mất từ 1 đến 3 ngày cho quá trình này, các quốc gia EU thực hiện chậm nhất cũng chỉ thường trong vòng khoảng 10 ngày.

So với thế giới, chuyển mạng giữ số ở Việt Nam đã rẻ và nhanh gọn chưa? - Ảnh 1.

Khu vực châu Á cũng đang có xu hướng thực hiện MNP tương đối tốt. Từ  Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Hong Kong, Singapore đến Malaysia, Thái Lan, Ấn Độ,… Singapore và Malaysia là hai quốc gia đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á thực hiện chuyển mạng giữ số.

Ở Singapore, khách hàng không được phép thay đổi giữa hình thức trả trước và trả sau, chuyển đổi mất 1 ngày làm việc, Malaysia cũng chỉ mất 1 ngày, Thái Lan mất 2 ngày. Trong năm nay, Philippines, cũng đã ban hành luật cho phép chuyển mạng giữ số hồi tháng 2.

Việt Nam cũng đã gia nhập xu hướng thực hiện MNP. Các thuê bao được phép chuyển mạng giữ số phải đảm bảo 4 yêu cầu: Vẫn đang hoạt động 2 chiều; không nợ cước; thông tin chủ thuê bao minh bạch, không bị blacklist của nhà mạng; thuê bao trả sau đã hòa mạng ít nhất 6 tháng.

Thời gian thực hiện giao dịch từ 2 đến 3 ngày và thời gian gián đoạn dịch vụ khi thực hiện chuyển đổi giữa hai nhà mạng tối đa là 1 giờ. Theo đại diện Cục Viễn thông, những giao dịch kiểu này thông thường chỉ diễn ra trong vòng vài giây. Thời gian này so với các quốc gia khác là ở mức trung bình, chưa phải quá nhanh gọn nhưng cũng không mất quá nhiều thời gian.

So với thế giới, chuyển mạng giữ số ở Việt Nam đã rẻ và nhanh gọn chưa? - Ảnh 2.

Mức phí mới nhất đối với MNP của thuê bao trả trước là 50.000 VND, trả sau là 60.000 VND, như vậy là đắt hơn tương đối so với các quốc gia trong khu vực cũng như một số quốc gia trên thế giới. Nhưng về lâu dài, Thứ trưởng Bộ Truyền thông Thông tin Phạm Hồng Hải cho rằng phí chuyển mạng sẽ về 0, người dùng không mất gì cả khi chuyển mạng, bởi vì nhà mạng nhận được thuê bao chuyển đến sẽ có lợi nên có thể bỏ ra chi phí để thực hiện chuyển mạng cho khách hàng.

Tuy nhiên, theo phản ánh của người dùng di động, nhiều thuê bao gặp phải khó khăn, cản trở từ phía nhà mạng trong việc đăng ký dịch vụ chuyển mạng. Thống kê của Cục Viễn thông (Bộ Truyền thông Thông tin) cho thấy, tỷ lệ chuyển mạng giữ số thành công chưa cao. Vietnamobile có tỷ lệ chuyển mạng thành công chỉ 6,51%, MobiFone là 23,09%, VinaPhone 68,28% và Viettel đạt tỷ lệ cao nhất là 83,56%.

Trong cuộc chiến chuyển mạng giữ số, nhà mạng nào tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng chuyển đi đang gặp thiệt hại trước mắt bởi số lượng thuê bao đi nhiều hơn. Với các nhà mạng cố tình không cho khách chuyển đi, họ gây ra các phiền phức, gây bực mình cho khách hàng trong quá trình chuyển đổi hiện có lợi thế về số thuê bao rời mạng thấp hơn. Tuy nhiên, về lâu dài, việc cung cấp dịch vụ kém, đi kèm với hạ tầng không được cải thiện sẽ không khiến việc giữ chân khách hàng bằng thủ thuật có hiệu quả.

                                                                                                                                                                      Theo Tinmoi24h.vn

                                                                                                                                                                Nguyễn Trường Thanh (st)