Để người khiếm thị hòa nhập cộng đồng

Ngày đăng: 08/01/2020 - 1149 lượt đọc

Với tinh thần đoàn kết và nghị lực vượt qua mọi khó khăn, từ khi thành lập đến nay, Hội Người mù tỉnh đã trở thành “mái nhà chung” của người khiếm thị trên địa bàn, giúp hội viên được tiếp xúc với xã hội, có điều kiện học tập, nâng cao hiểu biết, học nghề, dần xóa bỏ mặc cảm, tự ti trong cuộc sống. Nhưng với nguồn kinh phí hoạt động hạn hẹp nên việc chăm lo, nâng cao đời sống, tạo việc làm cho hội viên Hội Người mù hiện đang gặp nhiều khó khăn.

Phóng viên trao đổi với bà Vũ Thị Hằng, Chủ tịch Hội Người mù tỉnh.

“Mái nhà chung” của người khiếm thị

Hội Người mù tỉnh được thành lập năm 2015 theo quyết định của UBND tỉnh. Từ khi thành lập đến nay, Hội đã phát huy tốt vai trò tập hợp hội viên, tích cực phối hợp với chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể để phổ biến Điều lệ Hội và các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến với người mù trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, Hội có 200 hội viên; trong đó, hội viên nữ chiếm khoảng 40%. Trong quá trình hoạt động, Hội đã hưởng ứng tích cực các phong trào thi đua, các cuộc vận động do Trung ương Hội phát động, như: Cuộc vận động “Tăng cường đoàn kết, chủ động vươn lên, bình đẳng hòa nhập cộng đồng”; chương trình hành động “Việc làm, xóa đói, giảm nghèo”; hưởng ứng cuộc thi “Tiếng hát từ trái tim”… Người mù là đối tượng thiệt thòi, ít được giao tiếp với xã hội nên hiểu biết về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, về chuyển biến của xã hội còn nhiều hạn chế. Vì vậy, những năm qua, Hội đặc biệt chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giúp hội viên nắm bắt, cập nhật thông tin về tình hình KT – XH của đất nước, của tỉnh.

Xác định việc chăm lo và nâng cao chất lượng cuộc sống cho hội viên là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, hàng năm, Hội Người mù tỉnh đều cử hội viên tham gia học nghề tại Trung tâm Phục hồi chức năng cho người mù ở Hà Nội. Từ năm 2015 đến nay, đã có trên 30 hội viên được học nghề xoa bóp, bấm huyệt, làm tăm tre, chổi chít... với mức thu nhập bình quân từ 1,5 triệu – 3 triệu đồng/tháng. Anh Lù Tờ Tăng, xã Pờ Ly Ngài (Hoàng Su Phì), hội viên Hội Người mù tỉnh cho biết: Từ khi có tổ chức Hội, chúng tôi được nắm bắt kịp thời các thông tin, tình hình KT – XH của địa phương cũng như chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Nhiều người đã được tham gia học nghề, có thu nhập ổn định, giảm bớt được gánh nặng cho gia đình.

Được hỗ trợ học nghề xoa bóp, bấm huyệt, sau khi hoàn thành khóa học, anh Hoàng Văn Thịnh, xã Yên Hà (Quang Bình) đã may mắn được một chủ cơ sở bấm huyệt chữa bệnh ở Hà Nội nhận vào làm việc với mức thu nhập 3 triệu/tháng. Gặp gỡ anh trong một dịp về thăm gia đình, anh Thịnh phấn khởi chia sẻ: Tôi bị mù bẩm sinh, từ bé đến lớn chỉ biết quanh quẩn ở nhà, sinh hoạt cá nhân còn khó khăn nói gì đến việc đi làm phụ giúp gia đình. Sau khi tham gia tổ chức Hội, được cán bộ hội tạo điều kiện cho đi học nghề ở Hà Nội, sau 3 tháng hoàn thành khóa học, tôi đã tìm được việc làm tại một cơ sở bấm huyệt chữa bệnh. Sau khi trừ chi phí sinh hoạt, tôi cố gắng tích cóp gửi tiền về giúp gia đình cải thiện đời sống. Tôi đã dần xóa bỏ sự tự ti, mặc cảm để hòa nhập với xã hội và cảm thấy mình sống có ích hơn.

Với tinh thần đoàn kết và nghị lực vượt khó, Hội Người mù tỉnh đã thực sự trở thành “mái nhà chung”, giúp đỡ người khiếm thị trong toàn tỉnh xóa bỏ tự ti, mặc cảm, vươn lên tiến tới sự bình đẳng, hòa nhập.

Còn đó những trăn trở…

Mặc dù đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ trong hoạt động công tác Hội, nhưng do “sinh sau đẻ muộn”, thành lập sau Nghị định 45/2010/NĐ-CP của Chính phủ (Nghị định quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội) nên Hội Người mù không được công nhận là Hội đặc thù của tỉnh. Theo nguyên tắc, Hội phải tự đảm bảo kinh phí hoạt động. Nhưng vì là Hội mang tính chất đặc biệt, cán bộ, hội viên đều không nhìn thấy, hoạt động đi lại, làm việc vô cùng khó khăn nên việc tự đảm bảo kinh phí hoạt động đã trở thành một “bài toán” nan giải đối với tổ chức Hội.

Từ năm 2017 đến nay, UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí hoạt động cho Hội mỗi năm là 100 triệu đồng. Trong đó, cán bộ chuyên trách là Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đều không nhìn thấy nên Hội phải hợp đồng 1 cán bộ sáng mắt với mức lương chi trả 3 triệu đồng/tháng. Như vậy, trong tổng số 100 triệu đồng được hỗ trợ một năm, Hội đã chi 36 triệu đồng để trả lương cho cán bộ sáng mắt, trả tiền thuê trụ sở làm việc 2,5 triệu đồng/tháng. Như vậy chỉ còn 34 triệu đồng/năm để chi cho công tác Hội bao gồm rất nhiều hoạt động như: Tiến hành rà soát số lượng người mù trên địa bàn; vận động hội viên trong độ tuổi lao động có nhu cầu đi học nghề và tổ chức đưa hội viên tham gia các khóa học nghề ngắn hạn tại Trung tâm Phục hồi chức năng cho người mù ở Hà Nội; tặng quà nhân dịp Tết Nguyên đán và thăm hỏi hội viên; tham gia các hội nghị, cuộc thi do Trung ương Hội tổ chức; họp Ban Chấp hành Hội và sơ, tổng kết hàng năm…

Sau nhiều lần đề nghị, đến tháng 3.2019, Hội được cấp cho 1 phòng làm việc chung với trụ sở Liên hiệp các hội Khoa học và kỹ thuật tỉnh. Tuy nhiên, phòng làm việc cũng hết sức đơn sơ, chỉ có 1 máy tính để cán bộ sáng mắt làm việc, 1 tủ đựng tài liệu và 1 bộ bàn ghế do chính các đồng chí Ủy viên BCH Hội đóng góp tiền để mua. Bà Vũ Thị Hằng, Chủ tịch Hội Người mù tỉnh cho biết: “Do nguồn kinh phí hỗ trợ hoạt động rất hạn hẹp, trong khi người mù hầu hết đều là hộ nghèo kể cả cán bộ Hội, vì vậy hoạt động của Hội gặp rất nhiều khó khăn. 2 cán bộ Hội chuyên trách là Chủ tịch và Phó Chủ tịch Hội cũng không được hỗ trợ phụ cấp hàng tháng, rất nhiều hoạt động, chúng tôi phải tự bỏ tiền túi để hoàn thành nhiệm vụ công tác Hội”.

Trong khi việc tự đảm bảo cuộc sống của người mù vốn dĩ đã gặp vô vàn khó khăn. Bản thân bà Hằng, hiện vừa tham gia công tác Hội vừa tự nỗ lực mưu sinh bằng hoạt động xoa bóp bấm huyệt. Với mức thu nhập hàng tháng chỉ khoảng 3 – 4 triệu đồng, vừa trang trải sinh hoạt phí lại nuôi con đang học cấp 2, cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn. “4 năm tham gia công tác Hội, tôi chưa nhận được 1 đồng phụ cấp nào, thậm chí nhiều khi phải bỏ tiền túi ra để hỗ trợ hội viên mỗi khi họ ốm đau hoặc tổ chức hội họp. Mặc dù biết, chiếu theo luật là Hội phải tự đảm bảo kinh phí hoạt động nhưng người mù là những đối tượng đặc biệt yếu thế trong xã hội, sinh hoạt cá nhân còn khó khăn nói gì đến việc đóng góp hội phí hàng tháng để đảm bảo hoạt động Hội. Vì vậy, chúng tôi rất mong muốn các cấp, ngành hữu quan xem xét, hỗ trợ thêm kinh phí hoạt động và hỗ trợ phụ cấp cho 2 cán bộ Hội chuyên trách gồm Chủ tịch và Phó Chủ tịch Hội để giảm bớt khó khăn trong cuộc sống và hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ công tác hội trong thời gian tiếp theo” – Bà Hằng tâm sự.

Nguồn: Báo Hà Giang
Sưu tầm: Bùi Ngọc Song