Người khuyết tật gặp khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn vay

Ngày đăng: 14/04/2021 - 771 lượt đọc

Nhiều người khuyết tật bị khiếm khuyết một phần cơ thể nhưng vẫn nghị lực, vượt khó vươn lên tạo việc làm cho mình và nhiều người khác. Nhưng trong hoạt động sản xuất kinh doanh của họ gặp nhiều khó khăn, trong đó có nguồn vốn vay.

Tại buổi tọa đàm Đối thoại chính sách về hướng nghiệp, đào tạo nghề, việc làm và vay vốn cho người khuyết tật (NKT), ngày 13/4, Phó Chủ tịch Hội NKT TP Hà Nội Nguyễn Hồng Hà cho biết: Việc làm cho NKT chính là con đường bền vững để họ thực sự là một phần của xã hội.

Mặc dù chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, trăn trở với những khó khăn của NKT làm sao có thể tự lập và tham gia hoạt động Hội, Hội NKT Hà Nội đã khuyến khích những NKT tham gia vào thị trường lao động chung.

Đồng thời, tổ chức dạy nghề cho hội viên thông qua sự phối hợp với trung tâm dạy nghề và các DN. Hội NKT cấp quận, huyện và các tổ chức thành viên đã chủ động phối hợp với các DN địa phương, trung tâm dạy nghề đào tạo nghề và giới thiệu việc làm tại chỗ cho hàng trăm NKT.

 Hội Người khuyết tật Hà Nội tặng quà cho những người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: Quang Hoàn Kiếm.

 

Có thể kể đến là lớp dạy nghề may công nghiệp tại huyện Hoài Đức, ba Vì, Phú Xuyên; những lớp làm đồ thủ công mỹ nghệ, pha chế đồ uống, tin học cơ bản, đồ họa, bán hàng trực tuyến tại quận Thanh Xuân, Hoàng Mai, Hoàn Kiếm, Ba Đình, huyện Đông Anh, Mỹ Đức, Sóc Sơn,... Các lớp nấu ăn cho chị em phụ nữ khuyết tật tại hội NKT huyện Mê Linh...

Đến nay, nhiều câu lạc bộ phụ nữ khuyết tật của các quận, huyện hình thành các tổ chức, nhóm dạy nghề làm hoa lụa, đồ thủ công và tạo việc làm cho hội viên nữ tại quận Thanh Xuân, Ba Đình,...

Đặc biệt, tại Hà Nội đã có những cơ sở sản xuất kinh doanh do NKT làm chủ và nhiều cơ sở nhận lao động là NKT. Đó là những mô hình tiêu biểu như Hợp tác xã (HTX) Trái Tim Hồng, HTX Tâm Ngọc, HTX Sức Sống Xanh (huyện Sóc Sơn); HTX Vụn Art (quận Hà Đông); Cơ sở May cờ 3/12 (quận Bắc Từ Liêm)....

Nhờ NKT được tạo việc làm nên cuộc sống của bản thân và gia đình đã bớt khó khăn, một số gia đình thoát nghèo bền vững. Thậm chí không ít NKT có thu nhập tháng đảm bảo cuộc sống. Chị Trần Thị Thuần – Chủ tịch HĐQT kiếm Giám đốc HTX Tâm Ngọc (huyện Sóc Sơn) cho hay: HTX Tâm Ngọc có 30 thành viên trong đó 26 NKT làm các công việc như trồng cây dược liệu, chế biến trà thảo dược, đóng gói... thu nhập ở mức từ 2,5 -  6,5 triệu đồng/người/tháng tùy theo khả năng của từng người.

Ông Phạm Quang Khôi - Giám đốc Công ty TNHH 3/12 (phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm) cho biết DN của ông có 18 công nhân là NKT, trong đó 6 NKT nặng làm các công đoạn về may các loại cờ có mức thu nhập từ 2 – 7 triệu đồng/người/tháng. Bản thân là NKT và mong muốn tạo việc làm cho những NKT nên ông Kim Khôi đã bố trí việc làm tùy theo mức độ khuyết tật và khả năng của từng người. Anh Trần Nam Thắng - NKT trí tuệ chuyên may đường thẳng mỗi ngày được từ 60.000 – 80.000 đồng. “Công việc ở đây đều và ổn định, giúp tôi có nguồn thu để cùng vợ lo cho con gái và gia đình”- anh Nam Thắng chia sẻ.

Mặc dù đã có hướng dẫn liên tịch 1914/HNM-HNKT-NHCSXH TP ngày 26/10/2017 về việc vay vốn đối với đối tượng là hội viên của hội NKT, hội người mù từ nguồn ngân sách TP ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH); tuy nhiên việc tiếp cận nguồn vốn vay của NKT vẫn gặp khó khăn. Về việc này, Phó Chủ tịch Hội NKT TP Hà Nội Trịnh Xuân Dũng nêu rõ: Đến nay vẫn còn trên 70% xã, phường chưa thành lập hội và chi hội NKT, vì vậy NKT gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận vốn vay tại các đoàn thể xã phường.

Trong khi đó, một số hội đoàn thể tại địa phương rất e ngại NKT không có khả năng trả gốc khi đáo hạn. Về phía các hội đoàn thể tại địa phương không được phân bổ nguồn vốn ưu tiên cho NKT nên NKT càng khó khăn hơn trong tiếp cận vốn vay. “Năm 2020, tôi đã lên phường để hỏi vay 50 triệu đồng nhưng đến nay vẫn chưa có để đầu tư cho phát triển sản xuất” – ông Phạm Quang Khôi bộc bạch.

Để tạo việc làm cho NKT có thu nhập ổn định cuộc sống, tại buổi tọa đàm này, Hội NKT Hà Nội đề nghị Sở LĐTB&XH, Ngân hàng CSXH, UBND quận, huyện và các hội đoàn thể quan tâm nhiều hơn nữa để NKT được tiếp cận nguồn vốn vay thuận lợi hơn. Cũng như có chỉ tiêu phân bổ nguồn vốn vay hàng năm từ Ngân hàng CSXH đến đoàn thể địa phương dành riêng cho NKT.

Nguồn: kinhtedothi.vn

Sưu tầm: Ngọc Song