Cần đổi mới nội dung, phương pháp tuyên truyền cho đối tượng đặc thù

Ngày đăng: 29/04/2021 - 1044 lượt đọc

Thời gian qua, nhiều địa phương đã chú trọng việc phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) cho nhóm đối tượng đặc thù và đã tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức và chấp hành pháp luật. Tuy nhiên, vẫn còn những khó khăn trong công tác này.

Luật phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012 đã xác định 6 nhóm đối tượng đặc thù đó là: người dân ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, ven biển, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và ngư dân; người lao động trong các doanh nghiệp; nạn nhân bạo lực gia đình; người khuyết tật; người đang chấp hành hình phạt tù, người đang bị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc; người đang bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, người bị phạt tù được hưởng án treo. Đồng thời, Luật quy định những nội dung pháp luật liên quan trực tiếp đến đối tượng được phổ biến, giáo dục pháp luật; các hình hình thức PBGDPL với từng nhóm đối tượng; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân về phổ biến, giáo dục pháp luật cho các đối tượng đặc thù.

Thực tế, nhiều địa phương đã có những hình thức PBGDPL sáng tạo. Như tại  TP. Hồ Chí Minh, mô hình "Sách nói pháp luật" được thí điểm từ cuối năm 2016. Từ năm 2017 đến nay, Sở Tư pháp đã phối hợp với Thư viện sách nói Hướng Dương dành cho người mù tổ chức ghi âm, biên tập, đăng tải được 11 chương trình sách nói pháp luật trên website (sachnoionline.com), góp phần tuyên truyền 35 luật, pháp lệnh và phát hành 2.700 CD đến với các cơ quan, tổ chức, cá nhân, trong đó có các trường đặc biệt dành cho người khuyết tật. Thông qua đó góp phần đưa các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với người khuyết tật, giúp họ chủ động, tự tin, vươn lên làm chủ cuộc sống, hòa nhập cộng đồng.

Đối với Thủ đô Hà Nội, thành phố luôn chú trọng đổi mới công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm đáp ứng nhu cầu tiếp cận thông tin của người dân. Từ cuối năm 2014, thành phố đã xây dựng trang thông tin điện tử phổ biến, giáo dục pháp luật với nhiều chuyên mục, thông tin về các lĩnh vực như hình sự, dân sự, hôn nhân và gia đình, đất đai... Thành phố còn xây dựng nhiều ứng dụng lồng ghép tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật như: Hà Nội smartcity, Hà Nội Media Box, mạng xã hội Lotus...Ngoài ra, thành phố thường xuyên tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật dưới nhiều hình thức đa dạng như thi viết trên giấy, thi sân khấu hóa, thi trực tuyến thu hút đông đảo đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân tham gia. 

Còn tại Khánh Hòa, Đề án tăng cường PBGDPL cho người đang chấp hành hình phạt tù, người bị áp dụng các biện pháp tư pháp hoặc các biện pháp xử lý hành chính, người mới ra tù tái hòa nhập cộng đồng, thanh thiếu niên vi phạm pháp luật, lang thang cơ nhỡ đã xác định trách nhiệm của các ngành trong thực hiện; tăng cường đổi mới, đa dạng hóa các hình thức PBGDPL phù hợp với từng nhóm đối tượng, từng thời điểm, địa bàn; xây dựng, nhân rộng các mô hình điểm về PBGDPL cho các đối tượng của đề án. Đồng thời, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật cho các đối tượng của đề án bằng nhiều hình thức phù hợp, bảo đảm thiết thực, sinh động, sáng tạo, thu hút đông người tham gia và tiết kiệm, khoa học.

Tại Quảng Ninh, thực hiện Ðề án “Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật cho người đang chấp hành hình phạt tù; người bị áp dụng các biện pháp tư pháp hoặc các biện pháp xử lý hành chính, người mới ra tù, tái hòa nhập cộng đồng, thanh thiếu niên vi phạm pháp luật, lang thang cơ nhỡ giai đoạn 2018-2021” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ cuối năm 2017. Qua thời gian thực hiện, nhiều hình thức PBGDPL có hiệu quả đã được đưa vào triển khai như các mô hình: Quản lý, giáp dục người thân trong gia đình không phạm tội và tệ nạn xã hội; quản lý giáo dục thanh thiếu niên có nguy cơ làm trái pháp luật; chi hội phụ nữ nòng cốt không có chồng, con em vi phạm pháp luật và mắc các tệ nạn xã hội; cựu chiến binh tham gia quản lý, giáo dục, giúp đỡ, cảm hóa người lầm lỗi...

Mặc dù vậy, PBGDPL cho các đối tượng đặc thù vẫn còn nhiều khó khăn, công tác này ở một số nơi vẫn còn thực hiện hình thức, hiệu quả chưa cao, nguồn lực (kinh phí, con người) còn hạn chế; việc phối hợp giữa các ngành một số nơi còn chưa chặt chẽ…

Để nâng cao hiệu quả công tác PBGDPL cho đối tượng đặc thù, ngoài việc đầu tư nguồn lực, cần tiếp tục đổi mới nội dung, phương pháp tuyên truyền theo hướng sinh động, thiết thực, hiệu quả. Cần phát huy thế mạnh của các ngành, tăng cường sự phối hợp cũng như tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực này. 

Nguồn: baophapluat.vn

Sưu tầm: Ngọc Song