Đóng BHXH tự nguyện thế nào để được hưởng lương hưu?

Ngày đăng: 27/03/2020 - 2982 lượt đọc

Trong năm 2020, người tham gia BHXH tự nguyện có thể đóng hàng tháng, 3 tháng... hay 1 lần cho nhiều năm để hưởng lương hưu.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 9 Nghị định số 134/2015/NĐ-CP thì người tham gia BHXH tự nguyện được chọn một trong 6 phương thức đóng như sau để đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất:

Thứ nhất, đóng hàng tháng: Mức đóng hàng tháng bằng 22% mức thu nhập tháng do người tham gia BHXH tự nguyện lựa chọn. Mức thu nhập tháng do người tham gia BHXH tự nguyện lựa chọn thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn và cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở tại thời điểm đóng.

Thứ hai, đóng 3 tháng một lần: Mức đóng được xác định bằng mức đóng hàng tháng nhân với 3.

Thứ ba, đóng 6 tháng một lần: Mức đóng được xác định bằng mức đóng hàng tháng nhân với 6.

Thứ tư, đóng 12 tháng một lần: Mức đóng được xác định bằng mức đóng hàng tháng nhân với 12.

Thứ năm, đóng một lần cho nhiều năm về sau nhưng không quá 5 năm một lần: Mức đóng được tính bằng tổng mức đóng của các tháng đóng trước, chiết khấu theo lãi suất đầu tư Quỹ BHXH bình quân tháng, do BHXH Việt Nam công bố của năm trước liền kề với năm đóng.

Thứ sáu, đóng một lần cho những năm còn thiếu đối với người tham gia BHXH đã đủ điều kiện về tuổi để hưởng lương hưu theo quy định nhưng thời gian đóng BHXH còn thiếu không quá 10 năm (120 tháng) thì được đóng cho đủ 20 năm để hưởng lương hưu. Mức đóng được tính bằng tổng mức đóng của các tháng còn thiếu, áp dụng lãi gộp bằng lãi suất đầu tư Quỹ BHXH bình quân tháng, do BHXH Việt Nam công bố của năm trước liền kề với năm đóng.


Trong trường hợp người tham gia BHXH tự nguyện đã đóng theo phương thức đóng từ 3 tháng trở lên nhưng thời gian sau đó dừng tham gia BHXH tự nguyện và chuyển sang tham gia BHXH bắt buộc, hưởng BHXH một lần hay bị chết hoặc Tòa án tuyên bố là đã chết sẽ được hoàn trả một phần số tiền đã đóng trước đó.

Số tiền hoàn trả cho người tham gia BHXH tự nguyện hoặc hoàn trả cho thân nhân người lao động được tính bằng số tiền đã đóng tương ứng với thời gian còn lại so với thời gian đóng theo phương thức đóng nêu trên và không bao gồm tiền hỗ trợ đóng của Nhà nước (nếu có).

BHXH tự nguyện là loại hình bảo hiểm được lựa chọn mức đóng và phương thức đóng, được các chuyên gia đánh giá là mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, dù với mức thu nhập nào thì người tham gia cũng có thể lựa chọn cho mình mức đóng phù hợp. BHXH tự nguyện là loại hình bảo hiểm do Nhà nước tổ chức mà người tham gia được lựa chọn mức đóng, phương thức đóng phù hợp với thu nhập của mình.

Theo khoản 4 Điều 2 Luật BHXH năm 2014, công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc thì đều có thể tham gia BHXH tự nguyện.

Người tham gia BHXH tự nguyện sẽ được hưởng 2 chế độ: Hưu trí và tử tuất (khoản 2 Điều 4 Luật BHXH 2014). Với các chế độ này, người tham gia có thể đảm bảo cuộc sống cho mình khi không thể tiếp tục làm việc.

Có thể thấy, so với chế độ BHXH bắt buộc, người tham gia BHXH tự nguyện được hưởng ít quyền lợi (không có chế độ ốm đau, thai sản, bệnh nghề nghiệp, tai nạn lao động). Tuy nhiên, với những lợi ích to lớn mà loại hình bảo hiểm này đem lại thì mọi người vẫn nên tham gia BHXH tự nguyện, nếu không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc.

Nguồn: nld.com.vn
Sưu tầm: Ngọc Song