Cảm động nhóm bạn khuyết tật vượt khó bằng việc làm tai nghe, xâu vòng tay

Ngày đăng: 28/02/2020 - 748 lượt đọc

Một căn nhà của người khuyết tật ở xã Bắc Lý (huyện Hiệp Hòa, Bắc Giang) đã trở thành mái ấm thứ hai giúp những người yếu thế này tự tin vượt qua mặc cảm khiếm khuyết cơ thể và lạc quan vươn lên trong cuộc sống.


Các thành viên của tổ nghề người khuyết tật vui vẻ làm việc

Ngôi nhà thứ hai của người khuyết tật

Một buổi chiều giữa tháng 2, nắng vàng như mật ong chiếu xuống những chùm hoa bưởi thơm ngào ngạt bên sân nhà anh Nguyễn Đức Anh ở thôn Trung, xã Bắc Lý. Bên gốc bưởi đó, những người khuyết tật bàn tính rôm rả về kế hoạch sản xuất trong năm mới của tổ nghề. Nguyễn Đức Anh đôi tay run rẩy rót nước mời khách, rồi mở đầu câu chuyện: “Tổ sản xuất đặt tại nhà tôi đã trở thành ngôi nhà thứ hai của những người khuyết tật trong và ngoài huyện quy tụ về đây để động viên nhau vượt qua khó khăn và vươn lên trong cuộc sống”.

Chàng trai sinh năm 1984 này cho biết, từ sự kết nối của huyện Đoàn Hiệp Hòa, tháng 4/2019, Câu lạc bộ người khuyết tật huyện Hiệp Hòa ra đời. Sau đó, những thành viên trong câu lạc bộ này đã ngồi lại với nhau để bàn bạc và nhất trí thành lập một tổ sản xuất gồm 8 người khuyết tật.

Ngồi cạnh bên, anh Nguyễn Văn Lâm, Chủ nhiệm câu lạc bộ người khuyết tật huyện Hiệp Hòa chia sẻ, mới đầu, tổ cũng gặp không ít khó khăn để có thể duy trì hoạt động. Bởi lẽ, mô hình này mới ra đời trong tỉnh Bắc Giang, mọi người đều là người khuyết tật nên không dễ tìm được nghề phù hợp và đầu ra cho sản phẩm làm ra. Từ nỗ lực của người đứng đầu tổ nghề và giúp đỡ của Đoàn thanh niên, cùng các cá nhân trong huyện đã chấp nối với các đầu mối làm tai nghe điện thoại để các thành viên trong tổ nhận làm gia công sản phẩm.


Các thành viên của tổ nghề lắp ráp tai nghe điện thoại

 

 Sau một thời gian được hướng dẫn cách làm, các thành viên trong tổ quyết định đặt “đại bản doanh” ở tại nhà anh Nguyễn Đức Anh ở xã Bắc Lý làm nơi lắp ráp tai nghe điện thoại thuê cho các đầu mối thu gom. Tùy vào thể trạng mỗi người mà tổ giao công đoạn làm việc cho phù hợp. Đối với những bạn có tay lành lặn nhưng đôi chận bị tật thì nhận làm khâu xỏ dây vào ống tai nghe điện thoại. Các bạn bị khuyết tật khác làm công đoạn hỗ trợ, như cắt và luồn mảnh nhựa nhỏ hình chữ Y để cố định hai dây tai nghe điện thoại. Đầu mối thu gom trả cho các thành viên của tổ 6000 đồng/50 dây tai nghe điện thoại được lắp ráp hoàn thiện.

Ngoài làm tai nghe điện thoại, tổ nghề còn nhận làm hàng thủ công khác như vòng đeo tay. Những người khuyết tật ở xa ăn ở luôn tổ để thuận lợi cho công việc. Đến nay, tổ nghề hoạt động thường xuyên, tạo thu nhập cho các thành viên. “Tính ra, mỗi người trong tổ nghề có thu nhập hơn 1 triệu đồng/tháng, đáp ứng khoảng 80% nhu cầu chi tiêu của bản thân. Các bạn khuyết tật trong tổ nghề rất phấn khởi, vì có việc làm để nuôi sống bản thân mình và bớt gánh nặng cho người thân”, anh Lâm tâm sự.

Anh Lâm cho biết thêm, tổ sản xuất này không chỉ giúp các bạn khuyết tật trong huyện, nhiều bạn khuyết tật trong tỉnh Bắc Giang và một số tỉnh khác, như Lạng Sơn, Vĩnh Phúc cũng đến học nghề và làm việc.

Vượt qua mặc cảm
Anh Nguyễn Đức Anh chia sẻ, từ khi có sản xuất ra đời và hoạt động thường xuyên đã mang lại “sức sống mới” cho nhiều người khuyết tật. Bản thân anh cũng được “hồi sinh” cuộc sống từ khi giao lưu với những người có hoàn cảnh như mình trong tổ nghề. Anh kể, lúc 3 tuổi, anh bị sốt cao, rồi biến chứng khiến nửa người bên trái gần như bị liệt, đôi tay luôn run rẩy. Tuổi thơ của anh là những ngày tháng vật lộn với bệnh tật và tập luyện để có thể đi được từng bước nặng nề. Năm 2014, tai họa ấp đến khi vợi anh đột ngột qua đời vì bạo bệnh để lại cho anh 2 đứa con thơ. Vợ mất quá bất ngờ khiến anh suy sụp, không muốn giao tiếp với bất kỳ ai. Người thân ngỡ như anh bị trầm cảm.

Khi tổ sản xuất ra đời, anh tham gia và dần hòa nhập với các thành viên. “Gặp gỡ những người khuyết tật, tôi thấy có người còn thiệt thòi hơn mình nhưng vẫn nỗ lực trong cuộc sống khiến tôi dần vơi bớt nỗi đau và thấy cuộc đời vẫn còn nhiều điều tốt đẹp để mình vươn lên”, anh Anh thổ lộ.

Cùng tâm trạng trên, anh Phạm Văn Nam, 26 tuổi ở xã Hương Lâm (huyện Hiệp Hòa, Bắc Giang) chia sẻ, mới 1 tuổi, anh bị sốt cao, rồi di chứng khiến anh trở thành một người khuyết tật. Một tay của anh bị khoèo rất khó cử động, giọng nói lắp bắp. Ấu thơ của anh là những ngày tháng mặc cảm về cơ thể không lành lặn, anh rất ít khi đi ra ngoài và ngại tiếp xúc với nhiều người.
Từ khi tham gia tổ sản xuất này, anh đã có cuộc sống khác. Anh bộc bạch: “Tôi nhận được sự đồng cảm, động viên của các bạn cùng hoàn cảnh và nhiều người khác khi đến thăm chúng tôi. Điều đó giúp tôi cởi mở hơn, không còn cảm thấy mặc cảm về bản thân và tự tin khi tiếp xúc với mọi người”.

Anh Ngụy Văn Tuyên, Bí thư tỉnh Đoàn Bắc Giang cho biết, đồng hành cùng thanh niên khuyết tật là một trọng tâm hoạt động của các cấp Đoàn trong tỉnh để tập hợp và có hình thức giúp đỡ phù hợp với các bạn yếu thế này. Trong đó, tỉnh Đoàn chú trọng giúp các bạn khuyết tật có nghề ổn định để tự nuôi sống mình, xóa mặc cảm về bản thân. Thời gian tới, tỉnh Đoàn Bắc Giang dự kiến hỗ trợ các bạn khuyết tật vay vốn ưa đãi khi có mô hình sản xuất thiết thực.

Nguồn: tienphong.vn
Sưu tầm: Ngọc Song