Công bố việc gia nhập Công ước số 88 và Công ước số 159 của ILO

Ngày đăng: 07/09/2019 - 643 lượt đọc

Việc gia nhập và thực hiện hai Công ước sẽ góp phần thể hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam, giúp tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về lao động, việc làm nói chung, thúc đẩy phát triển hệ thống dịch vụ việc làm theo hướng chuyên nghiệp, bảo đảm quyền lao động khả năng có và duy trì việc làm của người khuyết tật trong thị trường lao động.

Ngày 13/9, tại Hà Nội, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TBXH) phối hợp với Tổ chức Lao động Quốc tế ILO tổ chức Lễ công bố việc Việt Nam gia nhập Công ước số 88 về tổ chức dịch vụ việc làm và Công ước số 159 về tái thích ứng nghề nghiệp và việc làm cho người khuyết tật của ILO.


Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà phát biểu tại buổi lễ.
 

Tại buổi lễ, các chuyên gia của ILO đã giới thiệu về nội dung chính của Công ước số 88 về tổ chức dịch vụ việc làm và Công ước số 159 về tái thích ứng nghề nghiệp và việc làm cho người khuyết tật. Các đại biểu tập trung thảo luận báo cáo rà soát pháp luật Việt Nam với quy định về tổ chức dịch vụ việc làm của 02 Công ước; báo cáo đánh giá hệ thống dịch vu việc làm công của Việt Nam và dự kiến kế hoạch triển khai thực hiện các Công ước này.
Phát biểu tại buổi lễ, Giám đốc Văn phòng ILO tại Việt Nam Chang- Hee Lee cho biết, Công ước số 88 với mục đích kết nối cung cầu lao động, giúp người sử dụng lao động tìm kiếm các ứng viên tiềm năng, người lao động; người khuyết tật có cơ hội tìm kiếm việc làm. Việc gia nhập công ước sẽ thúc đẩy việc phát triển và sử dụng nguồn nhân lực hiệu quả tại Việt Nam.
Việc gia nhập Công ước số 159 của ILO góp phần tiếp tục hoàn thiện các chính sách và thể thế của thị trường lao động Việt Nam theo hướng hiện đại, đảm bảo quyền của các nhóm yếu thế trong thị trường lao động, khẳng định và triển khai thực hiện chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước Việt Nam đối với người khuyết tật.
Giám đốc Văn phòng ILO tại Việt Nam Chang- Hee Lee khẳng định, việc gia nhập hai Công ước số 88 và 159 của ILO thể hiện sự cam kết mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam trong việc phát triển thị trường lao động hài hòa, công bằng cho tất cả mọi người, phù hợp với bối cảnh hiện nay của Việt Nam. ILO cam kết đồng hành cùng Việt Nam trong việc triển khai và thực hiện hai công ước nêu trên.
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà khẳng định sự cần thiết của hội nhập kinh tế quốc tế, trong đó có việc tham gia và thực hiện các cam kết quốc tế về lao động mà Đảng, Nhà nước Việt Nam đã nhất quán thực hiện trong suốt hơn 30 năm đổi mới nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả, năng lực cạnh tranh và hướng tới phát triển bền vững. Việt Nam đã thể hiện cam kết của mình trong việc tiếp tục gia nhập và thực hiện các tiêu chuẩn lao động của ILO thông qua nhiều văn kiện, kế hoạch, chương trình hành động quốc gia, của các ngành và các địa phương.
Theo Kế hoạch thực hiện và đề xuất gia nhập các công ước của ILO, Bộ LĐ-TB&XH đã phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu trình Chính phủ, báo cáo Chủ tịch nước để thông qua việc gia nhập 02 Công ước của ILO. Việt Nam chính thức gia nhập Công ước số 88 về Tổ chức dịch vụ việc làm vào ngày 23/01/2019 và Công ước số 159 về Tái thích ứng nghề nghiệp và việc làm cho người khuyết tật vào ngày 25/3/2019. Hai Công ước sẽ có hiệu lực đối với Việt Nam kể từ 1 năm sau ngày chính thức gia nhập. Việc gia nhập và thực hiện hai Công ước sẽ góp phần thể hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam, giúp tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về lao động, việc làm nói chung, thúc đẩy phát triển hệ thống dịch vụ việc làm theo hướng chuyên nghiệp, bảo đảm quyền lao động khả năng có và duy trì việc làm của người khuyết tật trong thị trường lao động.
Trong thời gian tới, nhằm đảm bảo việc thực thi hai Công ước, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà đề nghị các bộ, ngành, địa phương tuyên truyền, phổ biến các quy định của hai Công ước đến cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân.
Xây dựng cơ chế phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan có liên quan để giám sát việc triển khai thực hiện hai Công ước trên thực tế. Hình thành và cập nhật cơ sở dữ liệu về người khuyết tật thông qua hệ thống từ cơ sở đến Trung ương của các ngành hoặc thông qua phân tích số liệu từ các cuộc Tổng điều tra dân số, các cuộc khảo sát của Tổng cục Thống kê.
Mặt khác, từng bước tổ chức lại hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm, bảo đảm sự tập trung, thống nhất từ trung ương đến địa phương và kết nối giữa các địa phương, ngành. Đánh giá định kỳ chất lượng các trung tâm dịch vụ việc làm, hướng nghiệp, đào tạo nghề, tuyển dụng cho người lao động, đặc biệt cho người lao động là người khuyết tật.
Bên cạnh đó có cơ chế tạo nguồn lực để xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị của hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm phục vụ cho việc thực hiện các chức năng của thị trường lao động chủ động và sáng tạo; đăng ký và chi trả bảo hiểm thất nghiệp, duy trì và phát triển sàn giao dịch việc làm.../.

Nguồn: dangcongsan.vn
Sưu tầm: Bùi Ngọc Song