Hiến kế 'TP.HCM nâng tầm quốc tế: Không bỏ quên người khuyết tật

Ngày đăng: 01/07/2021 - 764 lượt đọc

Người khuyết tật cũng tham gia mọi hoạt động của xã hội như học tập, làm việc, du lịch, thể thao, vui chơi, giải trí… nhưng không phải nơi nào người khuyết tật đến cũng được tiếp cận.

Trải nghiệm taxi ở Hàn Quốc - Ảnh: Tác giả cung cấp

TP.HCM là một thành phố lớn với nhịp sống sôi động để bất kỳ ai cũng muốn sống và làm việc tại đây. Để nâng tầm là thành phố quốc tế, đáng đến và phát triển thì phải lấy con người làm trọng tâm, đảm bảo sự phát triển đồng bộ cho tất cả mọi đối tượng trong đó có người khuyết tật.

Sở dĩ tôi nhắc tới người khuyết tật bởi bản thân cũng là người khuyết tật đặc biệt nặng, phải dùng xe lăn. Tôi đi khá nhiều nơi, trải nghiệm nhiều hoạt động nhưng ở bài viết này xin đề cập tới một khía cạnh nhỏ, đó là "sự tiếp cận" các công trình công cộng với người khuyết tật.

Đừng để chúng tôi bị "bỏ lại"

Hiện nay, hơn 7% dân số Việt Nam là người khuyết tật và trên thế giới con số đó cũng không nhỏ. Người khuyết tật cũng tham gia mọi hoạt động của xã hội như học tập, làm việc, du lịch, thể thao, vui chơi, giải trí… nhưng không phải nơi nào người khuyết tật đến cũng được tiếp cận.

Chúng tôi muốn tới rạp chiếu phim nhưng cửa vào có bậc, dù bậc rất thấp cũng khiến chúng tôi phải nhờ tới sự trợ giúp (bê lên). Có thể các bạn phục vụ rất nhiệt tình nhưng điều đó làm chúng tôi ngại khi mỗi lần tới là một lần nhờ vả.

Vào trong rạp, những người ngồi xe lăn như chúng tôi chắc chắn sẽ phải ngồi trên cùng, sát màn hình bởi không còn chỗ nào khác phù hợp với xe lăn. Giá như khi xây dựng, chủ đầu tư để ý cửa vào không bậc, có lối đi riêng cho xe lăn bên cạnh lối lên các hàng ghế thì có lẽ cơ hội được thưởng thức những bộ phim của người khuyết tật chúng tôi sẽ nhiều hơn.

Người khuyết tật vốn có thu nhập không cao, các phương tiện giao thông công cộng để chúng tôi tiếp cận được không nhiều. Không phải tuyến xe buýt nào cũng có ramp lên xuống giúp chúng tôi dễ dàng di chuyển mà vẫn phải nhờ tới "sức người". Đôi khi chỉ vì sự bất tiện đó mà chúng tôi "bị bỏ lại".

Hoặc như lên nhà chờ xe buýt, rất nhiều nhà chờ có đường dốc để chúng tôi có thể di chuyển từ mặt đường lên thuận tiện nhưng bên cạnh đó vẫn có nhà chờ dốc lên chưa đúng quy chuẩn. Hay khi di chuyển trên vỉa hè nhưng có nhiều vật cản, người khuyết tật chúng tôi phải lăn xe dưới lòng đường, vừa nguy hiểm vừa vi phạm luật giao thông.

Người khuyết tật, cũng như bao người khác, có nhu cầu tới các tòa nhà lớn hay trung tâm thương mại. Ở đó phần lớn đã có đường dốc tiếp cận với người đi xe lăn, nhưng đâu đó vẫn tồn tại những đường dốc quá cao.

Một người đi xe lăn với đôi tay yếu thì chắc chắn phải cần trợ giúp, nếu không sẽ rất nguy hiểm khi di chuyển. Đi đâu cũng phải nhờ, phải phiền hà người khác như thế khiến chúng tôi rất ngại, dần dần sự tự ti ngày càng lớn và chỉ biết ở nhà.

Tôi ước thành phố mình cũng có...

Nếu một ngày nào đó TP.HCM tổ chức paragames, sẽ có rất nhiều bạn khuyết tật các nước tới tham dự. Ngoài thời gian thi đấu, nếu các bạn ấy muốn tự mình khám phá thành phố, muốn trải nghiệm các dịch vụ nhưng gặp phải khó khăn như chúng tôi thì các bạn ấy sẽ nghĩ gì?

Khó tiếp cận với giao thông công cộng, khi di chuyển xa chúng tôi phải dùng taxi nhưng cũng phải nhờ người bế lên xe bởi xe không có ramp lên xuống.

Tôi chưa được đi nhiều nơi trên thế giới, nhưng một lần tới Hàn Quốc, taxi có loại xe riêng dành cho người khuyết tật, di chuyển lên xuống có ramp khiến chúng tôi rất tự tin, chưa kể hệ thống tàu điện ngầm tiếp cận triệt để. Tôi ước giá như ở thành phố mình cũng như thế.

Được đi du lịch cũng là mong ước của nhiều người khuyết tật, nhưng đến nơi gặp những bậc cao mà không đường dốc cho xe lăn, hay nói đơn giản công trình vệ sinh công cộng nơi đó không tiếp cận, thì sẽ thế nào? Thậm chí khách sạn, thường phải khách sạn 4 sao trở lên thì cửa thang máy, cửa nhà vệ sinh mới vừa cho xe lăn di chuyển, còn những khách sạn thấp sao hơn thì rất khó.

Mọi quy chuẩn xây dựng đều quan tâm và "để ý" tới người khuyết tật nhưng không phải nơi nào cũng thực hiện đúng. Giá mà bất kỳ người khuyết tật nào cũng tham gia được mọi hoạt động thì sẽ rất tuyệt.

TP.HCM vốn là thành phố thân thiện đầy tình người, điều đó đã để lại ấn tượng với biết bao du khách. Nếu như trong tương lai TP.HCM trở thành một thành phố xanh, sạch, thân thiện và đặc biệt "tiếp cận" với mọi đối tượng thì chắc chắn trong mắt bạn bè quốc tế, thành phố đủ tiêu chuẩn và đáng để đến ít nhất một lần trong đời.

Và khi đó, chúng tôi cũng rất tự hào với bạn bè năm châu về thành phố mang tên Bác này.

Cùng hiến kế TP.HCM nâng tầm quốc tế

Cuộc thi hiến kế "TP.HCM nâng tầm quốc tế" như một diễn đàn mở dành cho bạn đọc đóng góp ý tưởng và giải pháp nâng cao vị thế quốc tế của Sài Gòn - TP.HCM thông qua việc nhận diện thương hiệu quốc tế nào cho thành phố, biểu tượng nào mang tầm quốc tế?

Báo Tuổi Trẻ cùng Sở Ngoại vụ TP.HCM, với sự đồng hành của Vietnam Signature và Global Embassy, tổ chức. Thời gian nhận bài dự thi: từ 16-6 đến hết ngày 16-8-2021.

Bài dự thi gửi về email: [email protected] hoặc gửi về địa chỉ báo Tuổi Trẻ - 60A Hoàng Văn Thụ, phường 9, quận Phú Nhuận, TP.HCM; ngoài bì thư ghi tham gia cuộc thi hiến kế "TP.HCM nâng tầm quốc tế".

Tính đến 15h ngày 29-6, hộp thư [email protected] đã nhận được 115 ý tưởng hiến kế. Báo Tuổi Trẻ cảm ơn các bạn đọc đã gửi bài:

- 16-6: Đinh Thành Trung, Chung Thanh Huy, Tương Quan, Tanthoi Le

- 17-6: Bình Nguyễn, Chương Nguyễn Hoàng, Tho Ton, Ha Mai, phat thinh nguyen, Đình Tuấn Đào, NB ngobinhparis1

- 18-6: thai hoang, Tanthoi Le, Đình Tuấn Đào, Diễm Ngọc, Tương Quan, Quỳnh Iris Prelle, kien vutrungkien, Phong Châu Nguyễn, Anh Tú Lê

- 19-6: tam tranvan, Trang Nguyễn Thị Thùy Trang, Minh Út Nguyễn, Nguyễn Hà Tiên, hung hai, Đình Tuấn Đào, Nguyễn Minh Tâm, Văn Lực Nguyễn.

- 20-6: Diễm Ngọc, Tương Quan, Hiển Bùi, Nguyễn Tuấn Anh, Pham Cao Cuong, Đô Lê Văn, Long Trieu.

- 21-6: Chung Thanh Huy, Aron Schuftan, Hiển Bùi, Văn Lực Nguyễn, Minh Tuan Nguyen.

- 22-6: Hong Nhung Bui, Bình Nguyễn, Ha Le, Chương Nguyễn Hoàng, Hoài Khiêm, Nhuận Nguyễn Văn, lê cải.

- 23-6: tam tranvan, Đinh Thành Trung, Minh Út Nguyễn, Minh Trang Kieu, Cuong Dang, Thu Vũ, Tanthoi le, Triết Nguyễn minh, Phan Anh.

- 24-6: Văn Lực Nguyễn, Thu Vũ, Tho Ton, Truongnam Thuan, TUAN NGUYENANH, Tran Quoc Lan, trãi trần.

- 25-6: Truongnam Thuan, Tho Le, Le Hieu Phong, Toàn Nguyễn, NB ngobinhparis1.

- 26-6: vietlam le, Minh Út Nguyễn, Nguyễn Hà Tiên, Lê Hữu Quí, Hữu Tín Lương, Bình Nguyễn, Chinh Ho, Ba Tran Dinh, Truongnam Thuan.

- 27-6: Thu Vũ, Xuân Tiến Trần, Truongnam Thuan, Tran Hop.

- 28-6: Truongnam Thuan, Serlock Đức Nguyễn.

- 29-6: Dung Nguyen, Huyền Nga, Hiến Lê, Tru Dang Quoc, Trần Quốc Lan Trần Hiếu Nguyễn, Trần Thị Ngọc, Tran Anh Tuan, Hữu Tín Lương, Ray Kuschert.

2 bạn đọc gửi bài qua bưu điện: Phương Danh và Ông Mai Thanh Hà.

Nguồn: tuoitre.vn

Sưu tầm: Ngọc Song