Người khuyết tật vẫn khó tiếp cận công trình công cộng

Ngày đăng: 21/05/2019 - 1231 lượt đọc

Quyền được tham gia vào các hoạt động xã hội thông qua các không gian công cộng đã trở nên nhu cầu cũng như thói quen của rất nhiều người trong đó có người khuyết tật (NKT). Tuy nhiên, trong thực tế, hầu như các không gian công cộng chưa đáp ứng được nhu cầu tiếp cận và sử dụng của NKT.

Ai cho chúng tôi một lối đi riêng?
Đôi chân không thể tự di chuyển do mắc chứng bệnh teo cơ tủy, hơn 30 năm chị Nguyễn Thị Đào (45 tuổi ở Hà Nội) phải dùng xe lăn để di chuyển. Mỗi lần có việc phải đi xa, chị đều phải gọi taxi hoặc thuê xe riêng và phải có người hỗ trợ. Chị Đào không thể tự đi xe bus, vì đường lên các nhà chờ quá dốc và lên xuống xe thì cần có người khiêng. Mà không phải người lạ nào cũng sẵn sàng giúp đỡ. Duy nhất tuyến bus nhanh BRT có đường lên thuận tiện cho NKT Đào cũng… chưa bao giờ sử dụng, vì không thể lên một số cầu vượt để đến một số nhà chờ.

Việc đi lại của người khuyết tật gặp nhiều khó khăn khi các công trình công cộng không có lối đi riêng cho người khuyết tật.

Theo thống kê của Bộ LĐ-TB&XH, Việt Nam có khoảng 7 triệu NKT, chiếm 7,8 % dân số. Nhằm tạo điều kiện bảo đảm để người khuyết tật tiếp cận và sử dụng công trình công cộng, Luật người khuyết tật 2010 quy định việc phê duyệt thiết kế, xây dựng, nghiệm thu công trình xây dựng mới, cải tạo và nâng cấp nhà chung cư, trụ sở làm việc và công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình hạ tầng xã hội phải tuân thủ hệ thống quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xây dựng để bảo đảm người khuyết tật tiếp cận.
Bộ xây dựng đã ban hành bộ Quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia năm 2013 về xây dựng các công trình đảm bảo người khuyết tật sử dụng như Quy chuẩn xây dựng công trình để đảm bảo cho người khuyết tật tiếp cận sử dụng; Tiêu chuẩn về Nhà và công trình, đường và hè phố, nhà ở đảm bảo người khuyết tật tiếp cận sử dụng.
Quy định là thế, nhưng nhiều các công trình dân sinh công cộng hiện vẫn khó tiếp cận với NKT. Những bậc thềm quá cao của các tòa nhà hiện đại, của đường lên nhà chờ xe bus, thiếu các công trình vệ sinh công cộng… đang ngăn cản việc hòa nhập cộng đồng của NKT. Chỉ có những khách sạn sang trọng, những trung tâm thương mại lớn hoặc sân bay mới có đường dành cho xe lăn, nhà vệ sinh dành riêng cho NKT.

Kiến trúc sư "quên" NKT
Theo Phó Chủ tịch Hội NKT Hà Nội Phan Thị Bích Diệp, hầu hết các trường từ tiểu học tới cấp III đều không có thiết kế riêng cho trẻ em khuyết tật, đặc biệt là khu vệ sinh riêng biệt. Nhiều công trình công cộng khác tại Hà Nội cũng gặp tình trạng tương tự. Theo kết quả nghiên cứu 137 công trình công cộng tại quận Hoàn Kiếm và Ba Đình (Hà Nội) do Tổ chức Người khuyết tật quốc tế thực hiện, chỉ có 11% số công trình cho phép người khuyết tật sử dụng thuận tiện. Đó là những công trình nằm trong khối dịch vụ, mới được xây dựng hoặc đón tiếp nhiều người nước ngoài như: Khách sạn Hilton, Melia, sân vận động Quần Ngựa, Cung Văn hóa Hữu nghị và một số văn phòng tổ chức nước ngoài. Đa số các khó khăn gặp phải ở đường vào chính, nhà vệ sinh không phù hợp.

Người khuyết tật gặp khó khăn khi tham gia giao thông.

Kết quả khảo sát còn cho thấy một nghịch lý là đa số những công trình phúc lợi xã hội như trường học, bệnh viện, bưu điện, bảo tàng có rất ít những hạng mục hỗ trợ lối đi, biển chỉ dẫn dành cho NKT, hoặc nếu có thì không đạt chuẩn, chưa tạo thuận lợi cho người sử dụng. Nhiều tòa nhà, trung tâm mua sắm không có nhà vệ sinh dành cho NKT, nhà vệ sinh thông thường lại không có tay vịn, hoặc diện tích không đủ rộng nên những người đi xe lăn không thể vào được.
Theo Giám đốc Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị, Bộ Xây dựng Trần Hữu Hà, tình trạng trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Trước hết, do nhận thức của các chủ đầu tư, các đơn vị tư vấn thiết kế, xây dựng công trình chưa cao, còn có tâm lý e ngại giá thành công trình tăng lên nhiều hoặc có tuân thủ quy chuẩn nhưng không đúng các chỉ tiêu kỹ thuật. Các kiến trúc sư còn có tư tưởng thiết kế theo lối mòn, chưa quan tâm tới các mô hình thiết kế mới có tính tới nhu cầu của NKT. Ở nhiều công trình, rõ ràng có thiết kế tiếp cận nhưng người khuyết tật tìm được lối đi cho mình rất khó, vì nó ở những nơi khuất, khó nhận thấy, không có biển báo hiệu. Việc kiểm soát các khâu thiết kế, xây dựng chưa triệt để trong đó có khâu thẩm định thiết kế cơ sở các công trình công cộng, hạ tầng giao thông đô thị, trụ sở cơ quan nhà nước...

Nguồn: baodansinh.vn
Sưu tầm: Bùi Ngọc Song