Ông Tặng và những điều trao tặng lại cho đời

Ngày đăng: 25/03/2020 - 906 lượt đọc

Hơn 20 năm, cựu chiến binh Thái Văn Tặng ở xã Quất Động (Thường Tín, Hà Nội) lặn lội qua nhiều trung tâm nhân đạo, nuôi dưỡng người khuyết tật để truyền dạy nghề cho những mảnh đời kém may mắn. Giờ đây, các em, các cháu bị khuyết tật, nhiễm chất độc da cam… luôn coi ông như người thầy, người cha thứ hai thắp lên ngọn lửa hy vọng cho tương lai. Tấm lòng vàng của cựu chiến binh làng thêu

Chúng tôi biết đến ông Thái Văn Tặng hết sức tình cờ khi tham dự ngày hội gia đình ở Hà Nội. Khi đó, ông Tặng cùng các thành viên khuyết tật của Trung tâm Vì ngày mai tổ chức gian hàng từ thiện. Các sản phẩm thủ công ở gian hàng chính là thành quả lao động của những người khuyết tật sau khi được ông dìu dắt, hướng nghiệp.

Qua lời kể nhóm bạn khuyết tật, chúng tôi tìm gặp ông Thái Văn Tặng. Ông cho biết mình là người con của làng Nguyên Bì, xã Quất Động, nổi tiếng với nghề thêu thủ công truyền thống. Cứ tưởng cái nghề có vẻ tỉ mỉ, nhẹ nhàng cần mẫn ấy chỉ hợp với nữ giới. Nhưng thật bất ngờ, ở Quất Động lại có nhiều nghệ nhân nam, thêu tay rất giỏi, đã mang nghề thêu tay vào nội thành Hà Nội quảng bá, phát triển hơn nửa thế kỷ qua. Bản thân ông Tặng khi mới 8 tuổi cũng đã thành thạo nghề thêu thủ công.


Ông Thái Văn Tặng tại gian hàng thủ công do các em ở Trung tâm Vì ngày mai làm ra.


Từng trải qua môi trường quân ngũ, biết đến sự khốc liệt của chiến tranh, ông Tặng vẫn bị ám ảnh mỗi khi nhớ về các đồng đội bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam, để lại di chứng cho các con sau này. Như người đồng đội ở Sơn Tây (Hà Nội), có ba người con thì cả ba đều bị ảnh hưởng chất độc da cam. Không chỉ vậy, đi đến đâu, ông cũng thấy những đứa trẻ kém may mắn khi bị tàn phế, khuyết tật, thiểu năng… Đồng cảm, sẻ chia với những bất hạnh ấy, sau khi lập gia đình, có con cái, ông bắt đầu thực hiện những suy nghĩ, tâm niệm của mình trước đây. “Mình chẳng đủ tiền bạc, của cải để giúp đỡ người khuyết tật, nhiễm chất độc da cam. Thôi thì có nghề thêu phù hợp với các cháu, nên truyền lại, được bao nhiêu thì hay bất nhiêu…”, ông Tặng bộc bạch.

Ông Tặng cho hay, hầu hết người khuyết tật còn khả năng lao động, họ đều có lòng tự trọng rất cao. Họ có ý chí vươn lên, tự lập nghiệp để mưu sinh chứ không muốn sống dựa dẫm vào phúc lợi xã hội. Chính vì thế, trang bị cho họ chiếc “cần câu” và hướng dẫn “cách câu” sẽ ý nghĩa hơn nhiều là đưa “con cá”.

Năm 2000, ông Tặng mạnh dạn tìm đến một số cơ sở nhân đạo ở huyện Thường Tín để tiếp xúc, tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của người khuyết tật. Từ giúp đỡ vài em kém may mắn ở quê, ông bắt đầu cuộc hành trình đi xa truyền nghề. Để phụ trợ cho hành trang đến với các mảnh đời khuyết tật, mồ côi… ông Tặng đã tự trang bị cho mình kiến thức cần thiết, như: Tham gia lớp dạy hệ thống ký hiệu và giao tiếp với người khiếm thính; lớp chữ nổi của người khiếm thị; kỹ năng giao tiếp bằng tay, ngôn ngữ cơ thể để tiếp xúc với người câm…

Thắp lên những ngọn lửa hy vọng

Mang theo cái nghề, cái tâm tốt đẹp cùng lòng nhiệt huyết, hàng chục năm qua, ông Thái Văn Tặng đi qua rất nhiều cơ sở nhân đạo: Làng trẻ em Hòa Bình (Thanh Xuân, Hà Nội); Trung tâm Người khuyết tật Thụy An (Ba Vì, Hà Nội); Trung tâm Dạy nghề cho người khuyết tật Tân Xuân (Yên Dũng, Bắc Giang); Trung tâm Dạy nghề, giải quyết việc làm người khuyết tật Hà Tĩnh… Ông trở thành người thầy cầm tay chỉ việc cho những mảnh đời bất hạnh.

Ở mỗi nơi, ông đều ăn ở, sinh hoạt cùng với các em bị khuyết tật, mồ côi, có hoàn cảnh khó khăn. Ông bảo chỉ có như thế mới hiểu được họ hơn, tạo thuận lợi cho việc dạy bảo nghề nghiệp. Ông cũng chưa bao giờ đòi hỏi những người quản lý ở trung tâm phải trả lương hay thù lao gì bằng vật chất. Chị Vũ Thị Dung (39 tuổi, quê ở Vĩnh Phúc) bị bại liệt, phải đi lại bằng xe lăn. Trước đây, chị là một người nhút nhát, tự ti bởi bệnh tật và sự khiếm khuyết trên cơ thể mình. Khi đó, ông Tặng mới vào Trung tâm Vì ngày mai, tiếp xúc và dạy nghề cho chị cùng nhóm bạn trẻ khuyết tật. Bằng sự nhiệt huyết, chân thành, ông dần gần gũi, thân thiết được với Dung. Ông không chỉ dạy mà còn là người thường xuyên động viên, đôi lúc là dỗ dành chị. Sau một thời gian kiên trì của cả thầy và trò, chị Dung đã học được nghề thêu.

Sau khi có tay nghề tốt, chị Dung được trung tâm giữ lại làm giáo viên hướng dẫn các bạn trẻ bị khuyết tật. Chị Dung tâm sự: “Mình bị khuyết tật bẩm sinh. Thấy các bạn khác có việc làm, có gia đình nhiều lúc nghĩ cũng chạnh lòng. Vào Trung tâm Vì ngày mai, được thầy Tặng giúp đỡ, chỉ bảo cặn kẽ, mình cũng bắt đầu quyết tâm hơn. Khi có nghề nghiệp, mình dễ hòa nhập với cộng đồng, tự nuôi sống bản thân…”.  

Chị Vũ Thị Kiều, bị tật bẩm sinh ở chân, đi lại rất khó khăn, đã nhận ông Tặng làm bố nuôi. Không chỉ dạy nghề, ông còn thường đưa chị Kiều đi khám bệnh, chia sẻ, động viên tiếp thêm nghị lực cho chị những lúc khó khăn. Cảm phục, yêu quý người thầy, chị Kiều càng nỗ lực cố gắng. Hiện chị đã làm ra được những sản phẩm thủ công mỹ nghệ để bán, mỗi tháng, trừ chi phí ăn ở, sinh hoạt tại trung tâm chị vẫn còn dư 2-3 triệu đồng.

Khoe với chúng tôi bức ảnh lớp học thêu ông từng dạy ở Bắc Giang, trong đó có ảnh chụp lúc giao tiếp bằng ngôn ngữ cơ thể, chỉ bảo từng đường kim thêu giữa ông và một chàng trai trẻ, ông Tặng kể: “Cậu này là Trần Văn Hưng, bị câm điếc bẩm sinh. Đáng thương hơn, cậu ấy còn mồ côi bố mẹ khi còn rất nhỏ. Hoàn cảnh éo le, nhưng Hưng là người học trò tinh ý, tài hoa nhất mà tôi từng dạy nghề thêu…”. Ông cho biết thêm, Hưng có biệt tài hội họa, nên thêu truyền thần ảnh chân dung rất đẹp. Chỉ cần 30 phút, cậu có thể khắc họa chân dung người thầy của mình giống như tạc. Còn bên khung thêu, đôi bàn tay Hưng đi những đường kim, mũi chỉ vô cùng uyển chuyển, mềm mại. Đến nay, Hưng đã lập gia đình và tự mở xưởng thêu tay để mưu sinh ở huyện Yên Dũng (Bắc Giang).

Dạy nghề thêu tay, cắt dán giấy đều đòi hỏi sự tỉ mỉ, kiên nhẫn của người thầy. Đặc biệt, ông Tặng cho biết khi dạy người khuyết tật thì khó khăn tăng lên gấp bội. Nhiều em không phân biệt được màu sắc, rất khó khăn trong việc cầm cây kim, cái kéo… chứ chưa nói đến những kỹ thuật khó. Nhưng càng gặp khó, ông càng thấy mình phải quyết tâm hơn. Ông cặn kẽ, tỉ mỉ cầm tay chỉ bảo các học trò từng đường kim, mũi chỉ.

Bà Lê Minh Hiền, Giám đốc Trung tâm Vì ngày mai, tâm sự: “Ông Tặng là một trong số những người tình nguyện đến dạy ở trung tâm từ khi mới thành lập. Ở đây suốt hơn 10 năm, ông truyền nghề thêu thủ công cho nhiều lớp học viên khuyết tật. Ngoài ra, ông cũng dạy cho các cháu nghề cắt dán giấy thủ công. Các em, các cháu đều kính trọng, quý mến ông như người thầy, người cha của mình”.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, đến nay đã có hàng trăm học viên khuyết tật ở các trung tâm, cơ sở nhân đạo được ông Tặng truyền nghề để có thể tự mưu sinh. Nhiều em trong số đó còn được trao chứng chỉ bàn tay vàng, giải thưởng sản phẩm thêu ở hội chợ triển lãm. Năm 2018, lớp cắt dán giấy thủ công do ông Tặng dạy được Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đặt làm logo ASEAN… Bản thân ông cũng được Trung ương Hội Người khuyết tật Việt Nam tặng bằng khen năm 2016.

Giờ tuổi đã cao, nhưng ông Thái Văn Tặng vẫn mong muốn đi tiếp để thắp lên ngọn lửa hy vọng cho những mảnh đời khốn khó và cũng để quảng bá, duy trì kỹ thuật thêu tay nổi tiếng của quê hương.

Nguồn: qdnd.vn
Sưu tầm: Ngọc Song