Thắp lên niềm tin cho người khiếm thị

Ngày đăng: 20/12/2019 - 1548 lượt đọc

Người khuyết tật nào cũng có hoàn cảnh riêng, nhưng đặc biệt như chị Huỳnh Thị Ngọc Uyển, chủ cơ sở Tẩm quất người mù Trung Uyển, ở 16/101 Đào Tấn, có lẽ không nhiều.

Vượt lên nghịch cảnh, chị đã không chỉ nuôi sống bản thân mà còn dạy nghề miễn phí và tạo việc làm ổn định cho nhiều người đồng tật.

Nỗi đau chồng chất nỗi đau

Tôi đến cơ sở Tẩm quất người mù Trung Uyển vào một buổi sáng chủ nhật. Trời mưa rả rích. Thế nhưng, khách đến tẩm quất, bấm huyệt vẫn khá đông. Thấy tôi ngạc nhiên, chị Uyển cười thân thiện: "Hôm nay vắng đó chị ơi, bình thường còn đông hơn nhiều cơ". Vừa quan sát chị thoăn thoắt phục vụ khách, tôi vừa lắng nghe chuyện đời, chuyện nghề của người phụ nữ khiếm thị có nghị lực phi thường này.


 Chị Huỳnh Thị Ngọc Uyển (bên trái) trò chuyện cùng khách hàng. Ảnh: Mỹ Hạnh

Chị Uyển sinh năm 1982 tại một làng quê nghèo của tỉnh Quảng Ngãi. Mồ côi mẹ từ lúc 5 tuổi, bố lấy vợ khác và đi Đồng Nai làm kinh tế mới nên anh em Uyển sống với ông bà nội già yếu. Đến năm lên 7 tuổi, mắt Uyển bỗng bị mờ hẳn đi bởi căn bệnh thoái hóa võng mạc quái ác. Mọi sinh hoạt của cô bé phụ thuộc vào người anh trai.

Thế nhưng bất hạnh chưa dừng lại ở đó. Khi Uyển lên 10, người anh trai hết mực yêu thương của Uyển do bị rắn độc cắn, lại không có phương tiện chở đi cấp cứu kịp thời nên cũng rời xa cô bé mãi mãi. Nỗi đau nối tiếp nỗi đau đã cướp đi tuổi thơ hồn nhiên trong trẻo của Uyển, thay vào đó là những ngày tháng cô đơn, buồn tủi.

Nhưng là một người có nghị lực nên Uyển đã vượt lên số phận để hoàn thiện bản thân. "Để được đến trường, hằng ngày, em dậy từ 4h sáng, nấu cám cho lợn ăn, dọn dẹp nhà cửa xong xuôi rồi mới đi học. Trường cách nhà khoảng 3km nhưng do chỉ nhìn thấy mờ mờ nên em đi rất lâu.

Buổi sáng em thường nhịn. Nếu ngày nào phải học cả ngày thì em nhịn luôn cả bữa trưa. Những ngày hè thì em đi bốc vác thuê để có tiền mua gạo. Quê em có nghề làm gốm nên nhiều khi, các lò gốm cần người trợ giúp", Uyển chia sẻ.

Dù không nhìn được chữ trên bảng, bài vở phải nhờ bạn chép nhưng Uyển vẫn cố gắng học tốt. Tuy nhiên, do nhà quá nghèo nên sau khi học hết bậc trung học phổ thông, Uyển không thể tiếp tục con đường học vấn. Năm 2000, Uyển bắt đầu học chữ nổi rồi ra Hà Nội học nghề xoa bóp bấm huyệt tại Trung tâm Phục hồi chức năng thuộc Hội Người mù Việt Nam. Cũng tại đây, chị gặp anh Nguyễn Văn Trung, người đồng cảnh ngộ ở Sóc Sơn và là người chồng của chị sau này.

Vốn phải rời xa vòng tay âu yếm, chở che của cha mẹ từ tấm bé nên khi gặp được người yêu thương mình, chị rất hạnh phúc. Thế nhưng, niềm vui kéo dài không lâu. Khi anh chị quyết định kết hôn thì vấp phải sự phản đối dữ dội của cả hai gia đình. Anh Trung vốn là một chàng trai sáng mắt, khôi ngô tuấn tú. Sau khi tốt nghiệp lớp 12, một ngày hè, khi anh đi xe máy lên huyện tìm mua giống lợn rừng để mang về nuôi thì bỗng gặp tai nạn và bị hỏng cả hai con mắt. Thế nên bố mẹ Trung rất thương anh và nhất định không cho anh kết hôn với chị Uyển.

Bố anh lập luận: "Hai đứa sáng mắt lấy nhau còn chẳng có gì mà ăn. Hai đứa mù lấy nhau thì để chết cả nút à?". Sự thực là, bố anh Trung đã "dấm" cho anh một cô gái sáng mắt, con một người bạn ở làng bên, khỏe mạnh, chịu khó, ngoan hiền, nghe lời cha mẹ. Về phía gia đình Uyển cũng không muốn cho chị ra làm dâu ngoài Bắc vì lo ngại về sức khỏe của chị và sự khác biệt về phong tục, tập quán. Sau gần chục năm cứ vào miền Trung rồi lại ra miền Bắc, cuối cùng anh Trung, chị Uyển cũng được gia đình hai bên chấp nhận.

Tay trắng làm nên sự nghiệp

Sau khi theo anh Trung ra Hà Nội và nhận thấy xoa bóp bấm huyệt đang là nghề có nhiều tiềm năng để phát triển, vợ chồng chị Uyển quyết định mở một cơ sở riêng. Cái khó là cả hai anh chị đều không có tiền. Chị Uyển quyết định vay Hội Người mù Quảng Ngãi rồi vay người thân, người thì 200.000 đồng, người 300.000 đồng để mua trang thiết bị.

Những ngày đầu, anh chị gặp khó khăn cả về cơ sở vật chất, nhân lực và nguồn khách. Cả cơ sở chỉ có 3 người nên anh chị thường xuyên phải làm từ 7h sáng hôm nay đến tận 1- 2h hôm sau mà thu nhập cũng chỉ tạm đủ trả tiền thuê nhà và trang trải cuộc sống, thậm chí nhiều lúc còn thiếu trước hụt sau. Thấy anh chị vất vả, không ít khách hàng còn giúp tiền anh chị.

Tuy nhiên, vì hiểu mình không thể sống nhờ mãi vào tình thương của mọi người nên hằng đêm, khi Hà Nội đã chìm vào giấc ngủ, chị Uyển lại mày mò sách vở, tài liệu bằng chữ nổi để học hỏi thêm. Nhờ cố gắng rèn luyện nâng cao tay nghề, cộng với thái độ phục vụ nhiệt tình, chu đáo nên cơ sở của anh chị ngày càng đông khách. Từ chỗ chỉ có 3 nhân viên với vài trăm khách/tháng, giờ đây cơ sở đã tạo việc làm ổn định cho 12 anh chị em đồng tật với mức thu nhập từ 8 đến 15 triệu đồng/người và lượng khách lên tới vài ngàn lượt/tháng.

Nhận xét về chất lượng dịch vụ của cơ sở Tẩm quất người mù Trung Uyển, bác Lê Thanh Phong, ở 86 Thái Hà, cho biết: "Do thường xuyên bị đau đầu, mất ngủ, viêm khớp nên tôi là khách hàng thường xuyên của các cơ sở tẩm quất từ những năm 2000. Thế nhưng 3 năm trở lại đây, tôi chỉ đến đây thôi vì các cháu bấm huyệt tốt, ân cần, chu đáo. Một điểm cộng nữa là trang thiết bị ở đây rất sạch sẽ. Mỗi khách đều được sử dụng một tấm ga mới trắng tinh. Đây không phải là điều mà cơ sở nào cũng làm được".

Không chỉ tạo việc làm cho nhiều người, vợ chồng chị Uyển còn nhận dạy nghề truyền tay, thu xếp chỗ ăn ở miễn phí cho nhiều người đồng tật chưa có điều kiện theo học tại Trung tâm Phục hồi chức năng. Em Lê Thị Xuyến, ở Sóc Sơn là một ví dụ điển hình.

Vào cơ sở từ tháng 3/2019, đến tháng 8/2019, Xuyến đã được trả tháng lương đầu tiên là 8 triệu đồng. Xuyến tâm sự: "Khi em đến xin học nghề tại cơ sở, nhiều người nói với chị Uyển ngay trước mặt em rằng, nhận dạy nó thì chỉ tốn cơm thôi bởi sức khỏe của em yếu, chỉ nặng có 34 kg. Thế nhưng chị Uyển khẳng định, miễn là em yêu nghề và muốn tự kiếm sống thì chị sẽ dạy nghề cho. Giờ đây em đã thành nghề, sức khỏe tốt và có thu nhập để phụ giúp gia đình. Em thực sự rất mừng".

Thấu hiểu nỗi khổ của những người khiếm thị và giàu lòng nhân ái nên mỗi khi rảnh rỗi chị Uyển còn dành thời gian đến thăm hỏi và trao tặng quà cho các cháu bé bị mắc các bệnh hiểm nghèo về mắt đang điều trị tại Bệnh viện Mắt T.Ư. Những món quà tuy giá trị không lớn nhưng đã giúp những em bé đó cảm thấy thật ấm lòng.

Và điều quan trọng hơn là thông điệp mà chị gửi đến người thân của các em thông qua câu chuyện của mình: "Dù mất đi đôi mắt nhưng nếu kiên trì và cố gắng, các em vẫn có thể trở thành những người có ích cho gia đình và xã hội". Là mẹ một bệnh nhi mắc bệnh tăng nhãn áp ở xã Huổi Một, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La, chị Đỗ Thị Mến tâm sự: "Khi nghe tin về bệnh tình của con, tôi rất bi quan bởi không biết tương lai con mình sẽ ra sao. Nhưng nhờ gặp chị Uyển và nghe câu chuyện cuộc đời của chị, tôi thấy con mình còn hy vọng".

Nói về chị Uyển, bà Nguyễn Thị Kim Khanh - Chủ tịch Hội Người mù quận Ba Đình, nhận định: "Chị Uyển là một phụ nữ mà tôi khâm phục. Bởi chị cùng anh Trung đã không chỉ nuôi sống được bản thân mà còn tạo được công ăn việc làm với thu nhập ổn định cho hàng chục người khuyết tật khác. Trong bối cảnh hiện nay, người bình thường còn khó kiếm việc làm, vậy mà anh chị đã tay trắng làm nên cơ nghiệp và tạo được việc làm cho người khác với thu nhập cao như vậy là rất đáng quý".

Rời ngôi nhà 3 tầng khang trang cũng là cơ sở 2 của Cơ sở Tẩm quất người mù Trung Uyển, nơi chị Uyển khoe là vừa mua được hồi năm ngoái, tôi thầm khâm phục nghị lực của người phụ nữ nhân ái này. Cầu chúc cho cơ sở của anh chị làm ăn ngày càng phát đạt để chị có thể tiếp tục thắp lên ánh sáng cho những người đồng cảnh.

Nguồn: Kinh tế đô thị

Sưu tầm: Bùi Ngọc Song