Phụ nữ khuyết tật bị xâm hại tình dục - cánh tay nào bảo vệ?

Ngày đăng: 20/10/2020 - 1735 lượt đọc

Cô gái bị cưỡng hiếp tới mức có bầu khi mới 17 tuổi. “Được” chấp nhận cưới, nhưng vì khủng hoảng tinh thần mà cô sinh ra đứa con bị thần kinh. Khi mang bầu lần 2, cô nhận được tin chồng có nhân tình. Nỗi đau khiến cô gặp tai nạn, mất đi một chân. Ngày cô gặp nạn cũng chính là ngày chồng cô mang lá đơn ly dị đến, đòi cô ký vì không chấp nhận một người vợ khuyết tật…

Cánh tay nào bảo vệ PNKT bị xâm hại.

“Ám ảnh nhất là những câu chuyện trẻ em gái, phụ nữ khuyết tật trí tuệ bị lạm dụng”

Đó là câu mà bà Nguyễn Thị Cẩm Nhung - Trưởng ban Truyền thông Câu lạc bộ Thanh niên khuyết tật quận Thanh Xuân, HN đã nói trong một cuộc thi sáng kiến bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái. Bản thân cũng là người khuyết tật và bà đã quyết định dấn thân vào công việc bảo vệ và lên tiếng cho những người thiệt thòi như mình. 

Với bà Nhung, ám ảnh nhất là những câu chuyện về trẻ em gái khuyết tật trí tuệ, bị lạm dụng tình dục dẫn tới có thai. “Tôi từng biết có em mang thai tới mấy lần, lần nào cũng phải nạo hút thai. Bởi em đâu có đủ trí tuệ và sức khỏe để nuôi con. Các em không hề có ý thức rằng mình bị lạm dụng, nhưng điều đau lòng hơn cả là gia đình và cộng đồng lại quay lưng, chửi bới các em. Chỉ vậy thôi là đủ hiểu, các em bị tước đi quyền của mình một cách nghiêm trọng đến thế nào”, theo bà Nhung.

Ở một câu chuyện khác, cô gái bị cưỡng hiếp tới mức có bầu khi mới 17 tuổi. “Được” chấp nhận cưới, nhưng vì khủng hoảng tinh thần mà cô sinh ra đứa con bị thần kinh. Khi mang bầu lần 2, cô nhận được tin chồng có nhân tình. Nỗi đau khiến cô gặp tai nạn, mất đi một chân.

Ngày cô gặp nạn cũng chính là ngày chồng cô mang lá đơn ly dị đến, đòi cô ký vì không chấp nhận người vợ khuyết tật. Cô gái không những vĩnh viễn mất đi một phần cơ thể, mà còn mất đi một ước ao cuộc sống hạnh phúc. “Giờ đây, cô ấy đang cố gắng làm việc để có được thu nhập khá và đón một đứa con về với mình. Nhưng con đường ấy gian nan lắm…”, bà Nhung cho biết.

Tại hội nghị đề xuất khung chính sách sửa đổi về bạo lực trên cơ sở giới và bình đẳng giới cho phụ nữ khuyết tật (PNKT) do Hội LHPN Việt Nam tổ chức, chuyên gia từ Mạng lưới Ngăn ngừa và ứng phó với bạo lực giới ở Việt Nam đã kể lại câu chuyện đời đáng buồn của một phụ nữ tên Nguyễn Thị Th, 42 tuổi.

Là người khuyết tật ở chân, chị Th không biết chữ và rất ngại giao tiếp với mọi người. Chồng chị có quan hệ ngoài luồng, khi chị hỏi chồng liền bị chửi và đánh. Không những thế chồng còn xúc phạm chị: “Nó không đi tập tễnh như mày, ít ra nhìn nó còn lành lặn”. Rồi trong chuyện chăn gối, nhiều lúc chị Th phải miễn cưỡng phục vụ chồng do hạn chế sức khỏe…

Phòng chống xâm hại PNKT - mơ hồ thực hiện

Nghiên cứu thực tế của Trung tâm hành động vì sự phát triển cộng đồng cho thấy, cứ 10 PNKT thì có 4 người từng bị ít nhất một hình thức bạo lực tình dục. Ðộ tuổi lần đầu bị các hành vi bạo lực tình dục trung bình trong khoảng từ 24 đến 33 tuổi. 

Trong đó có những PNKT bị bạo lực tình dục lần đầu từ năm chín tuổi, cao nhất là hơn 50 tuổi. Nhóm khuyết tật vận động, thần kinh/tâm thần và khuyết tật trí tuệ có tỷ lệ bị quấy rối, lạm dụng và bạo lực tình dục tương đối cao, chiếm hơn 35%.

Nạn nhân bị xâm hại tình dục là phụ nữ, trẻ em gái khuyết tật thường rơi vào nhóm khiếm thính, khuyết tật trí tuệ. Hậu quả với nạn nhân sẽ trở nên rất nặng nề và tạo tâm lý hoang mang, lo lắng về môi trường sống không an toàn cho phụ nữ, trẻ em gái khuyết tật, ảnh hưởng lâu dài đến chất lượng sống của họ.

Từ số liệu nêu trên cho thấy, thực tế vẫn còn nhiều phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật bị bạo lực tình dục nhưng không nhận thức được mình bị bạo lực tình dục và không dám lên tiếng. Do tâm lý mặc cảm, tự ti, một số người chỉ biết chia sẻ với người thân trong gia đình mà không dám chia sẻ với các cơ quan chức năng liên quan.

Ðôi khi, họ chấp nhận bởi không có khả năng chống cự, trốn thoát hoặc có tâm lý là nếu có tố cáo thì thủ tục cũng phức tạp, nhiêu khê do các biện pháp can thiệp và dịch vụ hỗ trợ nạn nhân đang có nhiều rào cản. Trên thực tế, vẫn tồn tại tình trạng thủ tục giải quyết phức tạp, hệ thống tư pháp hình sự chưa đáp ứng được quyền của phụ nữ là nạn nhân của tội phạm tình dục, thiếu các trung tâm trợ giúp phụ nữ bị bạo lực giới có hiệu quả cũng như kinh phí cho các hoạt động hỗ trợ nạn nhân.

Các đường dây nóng, các dịch vụ hỗ trợ tư vấn tâm lý, sức khỏe chưa hiệu quả, cho nên phụ nữ bị quấy rối hay bạo lực tình dục chưa tiếp cận được các dịch vụ này.

Chứng minh cho vấn đề này, cũng tại hội nghị đề xuất khung chính sách sửa đổi về bạo lực trên cơ sở giới và bình đẳng giới cho PNKT, ông Trần Đình Hải – Phó Chủ tịch Hội Người khuyết tật TP Đà Nẵng cho biết, PNKT ở địa phương rất ít biết thông tin về bạo lực tình dục, xâm hại tình dục, thế nên không có kiến thức nhận diện nó. Dẫn đến dù bản thân họ cũng đã từng bị bạo lực, xâm hại tình dục nhưng không biết để tố cáo.

Còn theo Thượng úy Đinh Lê Văn Phú – công an huyện Thanh Khê – TP Đà Nẵng thì cơ quan chức năng gặp không ít khó khăn khi giải quyết các vụ việc bạo lực, xâm hại tình dục với PNKT vì họ thiếu sự tin tưởng và không muốn chia sẻ. Bên cạnh đó, khi làm việc với PNKT khiếm thính cũng rất khó khăn... Do đó, pháp luật cần có những quy định cụ thể để nhằm giúp giải quyết nhanh những vụ việc liên quan đến việc phụ nữ và trẻ em khuyết tật bị quấy rối, bạo lực, xâm hại tình dục. 

Tháng 6/2019, tại phiên giải trình về trách nhiệm quản lý nhà nước trong thực hiện chính sách pháp luật về trợ giúp xã hội đối với người cao tuổi và NKT do Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội tổ chức, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, liên quan đến vấn đề phòng, chống bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em, chúng ta đã có đầy đủ chính sách, hỗ trợ, tuy nhiên nhiều địa phương không biết, việc tổ chức thực hiện chính sách còn mơ hồ. “Vừa rồi, tôi có đi kiểm tra cùng một số đoàn, 2/3 số phụ nữ, trẻ em bị xâm hại là không được trợ giúp, khi được hỏi vì sao không được trợ giúp thì xã nói không nắm được”- Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết. 

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH nêu quan điểm rằng khi phát hiện các vụ bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em, đề nghị cần xử lý một cách nhanh nhất. “Phải xử lý nghiêm, áp dụng các chế tài một cách nghiêm minh.

Có thể đối với bạo lực xâm hại, nhất là xâm hại tình dục đối với trẻ em, phụ nữ, có những yếu tố, chứng cứ đòi hỏi khó hơn so với một số lĩnh vực vi phạm khác. Vì vậy, hiện nay Bộ Công an đang xây dựng quy trình, cách thức tiến hành, đồng thời hỗ trợ các đối tượng bị bạo lực, xâm hại một cách kịp thời”- ông Dung nhấn mạnh. 

Cũng theo Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, việc phòng, chống bạo lực, xâm hại tình dục đối với phụ nữ, trẻ em, đặc biệt là những trẻ em gái khuyết tật, người cao tuổi cần phải có giải pháp tổng thể, lâu dài, phải xây dựng một đề án về phòng, chống bạo lực xâm hại phụ nữ và trẻ em với những chính sách cụ thể, thiết thực hơn. 

Ra mắt mạng lưới hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật

Tháng 6/2020, tại Hà Nội đã ra mắt mạng lưới hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật do Hội LHPN Việt Nam và Trung tâm Hành động vì sự phát triển cộng đồng ACDC phối hợp. Theo đó, đối tượng PNKT là thành viên của mạng lưới phụ nữ khuyết tật đến từ các tỉnh, thành phố.

Hoạt động chính của mạng lưới gồm: các chương trình đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho mạng lưới nữ khuyết tật nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ mạng lưới nữ khuyết tật cấp quốc gia về phòng chống xâm hại tình dục với phụ nữ trẻ em gái khuyết tật. Bên cạnh đó, kết nối, hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật bị xâm hại tại Việt Nam như: xây dựng tổng đài tư vấn/ đường dây nóng để phản ánh, cập nhật thông tin một cách nhanh chóng, hiệu quả; xây dựng trang mạng xã hội để cộng đồng phụ nữ khuyết tật giao lưu, chia sẻ những thông tin bổ ích, ý nghĩa, có sức lan tỏa rộng rãi.

Ngoài ra, truyền thông nâng cao nhận thức cho cộng đồng như xây dựng tài liệu tuyên truyền trên mạng xã hội dành cho phụ nữ khuyết tật; tổ chức các cuộc truyền thông tại cộng đồng, trong đó đội ngũ mạng lưới nữ khuyết tật trực tiếp tuyên truyền, vận động tại cộng đồng thông qua các câu lạc bộ người khuyết tật...

Nguồn: baophapluat.vn

Sưu tầm: Ngọc Song