Lớp học đặc biệt '5 không'

Ngày đăng: 15/12/2020 - 859 lượt đọc

Lớp học “5 không” (không phấn, không bảng, không bục giảng, không giáo án và không học phí), nhưng hàng chục năm qua chị Nguyễn Ngọc Tâm và anh Lê Hoàng Mai miệt mài, thầm lặng dạy cho hàng trăm em học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Cô giáo xương thủy tinh Nguyễn Ngọc Tâm (ở giữa) ẢNH: Đức Văn

Lớp học Ngọc Tâm Thủy Tinh

Nguyễn Ngọc Tâm (SN 1990, quê Nam Định) không may bị mắc bệnh xương thủy tinh. Dù năm nay đã 30 tuổi nhưng Tâm không thể tự đi lại trên đôi chân của mình và nặng chỉ vỏn vẹn 15kg. Tâm cho biết, ngay từ lúc sinh ra một bên chân đã không thể duỗi thẳng, cho đến khi hai tuổi mới có thể phẫu thuật nhưng phép màu đã không xảy ra.

Tâm không thể nhớ nổi số lần bị gãy xương, có khi vừa bó bột từ bệnh viện trở về nhà thì lại bị gãy xương chỗ khác. Không những vậy, càng lớn Tâm lại mắc thêm nhiều bệnh khác như tim, phổi, phế quản, dạ dày khiến sức khỏe mỗi ngày một yếu.

Ao ước được cắp sách đến trường như chúng bạn cùng trang lứa, nhưng mãi đến năm 8 tuổi “cô bé xương thủy tinh” mới có thể đi học lớp 1. Tâm đã khiến nhiều thầy cô và bạn bè thán phục khi suốt 9 năm học luôn đạt danh hiệu học sinh giỏi, ở tốp đầu của trường. Dù rất cố gắng nhưng con đường đến trường của Tâm đã phải bỏ dở khi trường cấp 3 cách nhà 15km, sức khỏe mỗi ngày một kém hơn.

Tuy mắc căn bệnh hiểm nghèo, mọi sinh hoạt đều phải nhờ người thân giúp đỡ nhưng Tâm không ngừng cố gắng. Để thực hiện ước mơ được làm cô giáo, Tâm quyết định mở lớp học miễn phí ngay tại nhà để kèm cặp các em học sinh từ lớp 1 đến lớp 8 mang tên “Lớp học Ngọc Tâm Thủy Tinh”. Lớp hội tụ đủ tiêu chí “5 không”: không phấn, không bảng, không bục giảng, không giáo án và không học phí. Thứ duy nhất cần đến là tinh thần hiếu học. Bất cứ học sinh nào đến học đều nhận được kiến thức và tình yêu của cô giáo. “Trong lúc đang theo học cấp II, mình có kèm cặp thêm mấy em học sinh trong làng. Ngoài kiến thức có sẵn, mình còn phải lên mạng tự học kiến thức mới, nâng cao và cả học kỹ năng sư phạm”, Tâm nói.

Tiếng lành đồn xa, ngày càng nhiều phụ huynh tin tưởng gửi gắm con em mình cho cô giáo xương thủy tinh. Lớp học Ngọc Tâm Thủy Tinh luôn duy trì sĩ số 20 học sinh, khi đông nhất gần 30 trò. Người bình thường làm cô giáo đã khó nhưng với Tâm còn khó hơn gấp nhiều lần. Ấy thế mà trong 16 năm qua đã có hàng trăm em nhỏ đã trưởng thành từ lớp học cô Tâm. Không phụ tấm lòng của cô giáo, nhiều học sinh đã đỗ vào các trường đại học danh tiếng ở Hà Nội.

Tâm luôn giữ cho mình một tinh thần lạc quan. “Ngày xưa bác sĩ nói mình không sống được đến năm 30 tuổi. Nhưng sinh nhật thứ 30 của mình đã diễn ra lâu rồi. Tương lai không nói trước được điều gì, còn hôm nay chúng ta hãy cứ luôn vui vẻ. Điều quan trọng nhất là phải có ước mơ và dám thực hiện ước mơ bằng mọi cách”, Tâm bảo.

Vị võ sư giàu lòng nhân ái

Gần 20 năm qua, võ sư Aikido Lê Hoàng Mai (45 tuổi) vẫn đều đặn đến Nhà thiếu nhi quận Phú Nhuận (TPHCM) dạy võ. Đây là lớp học võ hoàn toàn miễn phí, dành riêng cho trẻ em mắc hội chứng Down, tự kỷ, người khuyết tật, bị ảnh hưởng di chứng sau chấn thương,…

 

Võ sư Lê Hoàng Mai, người sáng lập lớp võ Aikido cho người khuyết tật. - Ảnh: Xuân Tùng

Đều đặn vào các ngày thứ 3, 5, 7 hàng tuần, lớp học bắt đầu lúc 17h30 và kết thúc vào lúc 21h. Có trường hợp, phụ huynh ở các tỉnh thành khác vào TPHCM thuê trọ để cho con theo học lớp võ thầy Mai với hy vọng giúp con có thể tự đi lại, sinh hoạt giống như các bạn đồng trang lứa.

Võ sư Lê Hoàng Mai kể, anh có một em trai bị khuyết tật nên thấu hiểu những khó khăn, hạn chế mà người khuyết tật phải đối mặt, từ những khó khăn về sức khỏe đến việc phải hứng chịu những lời miệt thị từ những người xung quanh. Anh thấy nhiều trẻ em khuyết tật, khả năng vận động yếu đã chạy chữa rất nhiều nơi nhưng không tiến triển, thậm chí có những gia đình bán hết cả tài sản ruộng vườn chỉ để hi vọng được một lần nhìn thấy con mình tự đứng được nhưng bất lực. Chính những điều này đã thúc giục anh kiên trì bám trụ với lớp suốt bao năm tháng qua.

“Tôi và các thầy trong lớp phải xây dựng giáo án riêng cho từng học viên. Ngoài việc giúp các bạn điều trị, luyện sức khỏe, mình còn muốn các bạn trau dồi sự tự tin. Với người cụt tay, khi dạy họ mình chỉ sử dụng một tay, còn người khiếm thị thì mình phải bịt mắt để tập với họ”, võ sư Mai nói.

Theo võ sư Mai, mục đích mở lớp học còn để các học viên đặc biệt có một sân chơi lành mạnh để sống, chia sẻ, yêu thương và giúp đỡ mọi người. Lớp học cũng gửi đi thông điệp hãy đối xử công bằng, đồng cảm với người khuyết tật, người yếu thế.

_______

Thầm lặng cống hiến suốt hàng chục năm, cô giáo xương thủy tinh Nguyễn Ngọc Tâm và võ sư Lê Hoàng Mai đã giúp đỡ hàng trăm em học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Họ là hai trong 10 cá nhân nhận Giải thưởng Tình nguyện Quốc gia 2020 của T.Ư Đoàn nhằm ghi nhận và tri ân những đóng góp của những người luôn mang đến những điều tốt đẹp cho cộng đồng.

Nguồn: tienphong.vn

Sưu tầm: Ngọc Song