11 đôi vợ chồng khiếm thị tố nhẫn cưới từ thiện là "vàng giả"

Ngày đăng: 15/05/2017 - 1179 lượt đọc

11 đôi vợ chồng khiếm thị tố nhẫn cưới từ thiện là "vàng giả"

Được ban tổ chức tặng nhẫn cưới vàng trị giá 6 triệu đồng trong đám cưới tập thể hồi tháng 9/2014, đến nay phát hiện là "vàng chưa đến 2 tuổi", các đôi khiếm thị bức xúc mang trả lại cho nhà tài trợ.

Lễ cưới tập thể này do các giáo viên ngành Trang điểm thẩm mỹ thuộc Hội Dạy nghề TP HCM tổ chức cho 20 cặp uyên ương có hoàn cảnh khó khăn, trong đó hơn 10 đôi khuyết tật. Theo đó, các đôi uyên ương được ban tổ chức tặng trang phục cưới, bàn tiệc, thiệp mời, đặc biệt là 20 cặp nhẫn cưới vàng trị giá 6 triệu đồng mỗi cặp.

Theo những cặp vợ chồng khiếm thị tham gia đám cưới tập thể, chỉ một thời gian ngắn sau lễ cưới, các chiếc nhẫn vàng kia nhanh chóng ngả đen. Nhiều cô dâu chú rể hoang mang đem vàng đi thử biết đó là vàng giả, vàng 2 tuổi.

Chị Nương là người khiếm thị đầu tiên phát hiện sự thật, kể gần đây nghe hàng xóm sáng mắt chê chiếc nhẫn cưới vợ chồng chị đeo sao ngày càng đen. Chị rất bức xúc, giải thích đó là "vàng thật, được công ty trang sức tặng đàng hoàng".

"Tôi nghĩ chắc do mình đeo, mồ hôi ra nhiều nhẫn bị đen nên mang đi đánh bóng lại. Nhân viên tiệm vàng bảo vàng giả mà đánh bóng gì", cô dâu trẻ hấp háy đôi mắt không nhìn thấy gì, cho biết.

Cặp uyên ương trong đám cưới vì cộng đồng cách đây 4 tháng. Ảnh: Duy Trần.

Chị Tuyết Nga ở Đồng Tháp làm nghề bán vé số phải vay tiền đi xe đò đến TP HCM tham gia đám cưới tập thể này. Chị cũng bức xúc khi biết mình được tặng nhẫn vàng giả. Người phụ nữ khiếm thị bảo: "Cuộc sống vợ chồng tôi khó khăn phải lo từng bữa cơm. Nghe ban tổ chức nói tặng cho cặp nhẫn cưới 6 triệu đồng làm vốn, tôi rất mừng nên bỏ công việc lên TP HCM tham gia. Bây giờ mang nhẫn đi bán, các cửa hàng bảo hàng giả nên 10 nghìn đồng cũng không mua".

Vợ chồng anh Phước Hải và chị Minh Nhật tá túc tại Cơ sở từ thiện chùa Kỳ Quang 2, TP HCM, cho biết cả hai đều làm nghề massage với mức thu nhập cộng lại chưa đến 6 triệu đồng mỗi tháng. Khi ban tổ chức "Đám cưới vì cộng đồng" đến kêu gọi tham gia và hứa hẹn mỗi đôi uyên ương sẽ được tặng cặp nhẫn trị giá 6 triệu đồng, anh chị rất phấn khởi.

"Nghe nói nhẫn giả, tôi cảm thấy hoang mang nên mang đến các tiệm vàng để thử, nơi nào cũng bảo không phải vàng thật mà là vàng 1,75 tuổi". Chị Nhật cho biết sau đó đã liên hệ với ban tổ chức nhưng không nhận được câu trả lời thỏa đáng. Chị cũng mang cặp nhẫn cưới đến tiệm vàng Cửu Long là đơn vị tài trợ chương trình đám cưới tập thể, song nhân viên cửa hàng từ chối mua lại.

Đại diện đơn vị tổ chức chương trình "Đám cưới vì cộng đồng" năm 2014 là bà Bùi Thị Tháp, Trưởng chi hội Giáo viên ngành Trang điểm thẩm mỹ, thừa nhận có sai sót khi thông báo về giá trị của những chiếc nhẫn cưới tài trợ đến các cặp uyên ương. Bà đưa ra bản hợp đồng với nhà tài trợ ghi rõ tổng trị giá 20 cặp nhẫn là 50 triệu đồng, tức 2,5 triệu đồng mỗi cặp, chứ không phải 6 triệu đồng như đã thông báo trong chương trình. Hợp đồng còn đề cập đến quyền lợi của nhà tài trợ được quảng bá thương hiệu trong suốt sự kiện truyền thông.

Bà Cao Thị Mỹ Vàng, đại diện nhà tài trợ nhẫn cưới cho "Đám cưới vì cộng đồng năm 2014", giải trình về vụ việc trong cuộc gặp các đôi uyên ương chiều 7/1. Ảnh: TT

Về phía đơn vị tài trợ, bà Cao Thị Mỹ Vàng, Giám đốc Công ty Cửu Long Jewelry, khẳng định các cặp nhẫn mà đơn vị đã trao cho 20 đôi uyên ương trong đám cưới tập thể là làm bằng vàng thật, do chính các nghệ nhân gia công bằng tay. "Có thể sau một thời gian đeo, nhẫn bị ngả màu do mồ hôi hoặc môi trường làm việc", bà nói.

Trước giấy biên nhận độ tuổi của những chiếc nhẫn cưới ghi rõ là vàng 1,75 tuổi do cửa hàng vàng xác định cho các đôi khiếm thị, đại diện của Cửu Long Jewelry chỉ khẳng định: "Sản phẩm nữ trang của chúng tôi là cao cấp, được nghệ nhân gia công tinh xảo từ vàng để tặng cho các cặp làm kỷ niệm ngày cưới".

Theo ông Đương, một nghệ nhân chế tác vàng lâu năm tại TP HCM, vàng là một kim loại đặc biệt, được dùng làm đồ trang sức vì không gây dị ứng, đẹp mà bền, không mau xuống cấp. Người ta dùng đơn vị tuổi vàng để chỉ tỷ lệ vàng nguyên chất trong một món đồ làm bằng vàng. Ví dụ vàng 18K có hàm lượng vàng chiếm khoảng 75% (7 tuổi rưỡi), vàng 14K là 58,3% (6 tuổi), vàng 12K có hàm lượng vàng gần 50% (5 tuổi), vàng 10K là 41,7% (4 tuổi).

"Thông thường 4 tuổi là tiêu chuẩn tối thiểu để gọi là vàng. Còn thấp tuổi hơn thì không gọi là vàng bởi nó gần như không có đặc tính nguyên bản nào của vàng, mau xuống cấp là chuyện đương nhiên", ông Đương cho biết.

Trước bức xúc của người khiếm thị tại buổi họp báo chiều qua giải trình về vụ việc, đại diện đơn vị tổ chức và nhà tài trợ đã xin lỗi các cặp uyên ương trong đám cưới tập thể vừa qua. Phía Công ty Cửu Long cũng cam kết hoàn số tiền 2,5 triệu đồng mỗi cặp nhẫn cho những đôi trả lại nhẫn.

Nguồn: Vnexpress.net

Sưu tầm: Nguyễn Triệu