Bộ trưởng hứa trả lại ngày khai giảng đúng nghĩa cho học sinh

Ngày đăng: 05/09/2019 - 634 lượt đọc

Khi 'toàn dân đưa trẻ đến trường', khai giảng không phải chỉ dành riêng cho học sinh, nhưng phải làm sao để thay đổi, để lễ khai giảng 'thực sự vì học sinh', thực sự mang ý nghĩa cho sự khởi đầu vẫn là những câu hỏi còn bỏ ngõ...

Lễ khai giảng của Trường phổ thông dân tộc bán trú THCS Nậm Ngà (xã Tà Tổng, huyện Mường Tè, Lai Châu) sáng 5-9-2018. Mỗi năm trước ngày khai giảng, thầy cô và học sinh lại dọn dẹp bãi đất ven suối để tổ chức khai giảng do sân trường hẹp. Mấy hôm mưa lũ đường sá bị chia cắt, nên khoảng 300 học sinh của trường tiểu học và THCS đến dự, còn hơn 100 em không thể tới dự khai giảng được - Ảnh: NGUYỄN LONG KHÁNH

- "Các con muốn khai giảng xong rồi mới đi học hay đi học rồi mới khai giảng như thế này?".
- Con muốn khai giảng rồi mới đi học".
Nhận lại câu trả lời vô tư của học sinh trong chuyến thăm thầy trò vùng lũ Quan Sơn - Thanh Hóa trước thềm năm học mới, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ hứa sẽ trả lại ngày khai giảng đúng nghĩa cho các em.
Vậy làm thế nào để lễ khai giảng thực sự mang ý nghĩa cho sự khởi đầu, tiếp thêm hứng khởi để thầy trò bước vào năm học mới?
Cách đây 3-4 năm, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã trăn trở trước những lễ khai giảng "làm khổ" học sinh.
Kể về chuyện nhiều năm đi dự lễ, thấy "ngày giờ khai giảng lại phải phụ thuộc vào thời gian của các lãnh đạo cấp trên", "bất kể thời tiết nắng hay mưa, học sinh - nhất là các cháu tiểu học - phải tập dượt để chuẩn bị khai giảng", ông Đam cho rằng cần thay đổi để lễ khai giảng ngắn gọn, "làm thực sự vì học sinh".
"Chúng ta xem lại những lễ khai giảng vì các cháu hay vì người lớn. Tôi đề nghị chúng ta làm vì các cháu, nhất định không để các cháu nhỏ đứng nắng xếp hàng, vẫy cờ chào đại biểu. Như vậy rất nhiêu khê, rất khổ sở, phải nghe bài phát biểu của lãnh đạo tỉnh, huyện, sở, phòng trong khi các cháu không hiểu gì cả...", ông nói.
Sau lời gan ruột của phó thủ tướng, nhiều người hi vọng lễ khai giảng những năm học tiếp theo sẽ thực sự vì học sinh, bớt đi nhiêu khê phụ thuộc vào người lớn. Nhưng rồi năm học mới đến, cảnh học sinh nhễ nhại tập dượt cho những lễ khai giảng "trống giong cờ mở" vẫn tái diễn khắp nơi.
Ngay tại Hà Nội, trong vòng 2-3 tuần trước ngày 5-9, ở nhiều trường, buổi nào đến lớp, học sinh cũng căng mình dưới cái nắng gay gắt để tập dượt, nào đi, đứng, chào vẫy cờ hoa, tập đủ hiệu lệnh cho buổi lễ đầy hệ trọng.
Có những em bé vừa hết tuổi mầm non, bước chân vào lớp 1 ngơ ngác hỏi: "Sao ngày nào cũng khai giảng thế mẹ ơi?".
Cũng có ý kiến cho rằng trong không khí tưng bừng lễ khai trường, nếu ai đó nói say sưa một chút cũng nên thông cảm. Nhưng nếu kéo dài nỗi khó chịu ấy thì rất không nên, nhất là ở một đất nước giàu văn hiến, ai cũng mong đem lại những điều tốt đẹp nhất cho con trẻ, chứ không phải bắt các em bất đắc dĩ phải chịu trận dông dài.
Tất nhiên, khi "toàn dân đưa trẻ đến trường", khai giảng không phải chỉ dành riêng cho học sinh. Sự xuất hiện các vị lãnh đạo phần nào nói lên sự quan tâm của toàn xã hội đối với sự học. Cùng với sự hiện diện đúng lúc, những thông điệp được chọn lựa phát biểu sẽ có sức lan tỏa mạnh.
Nhưng chính vì vậy hãy chọn những thông điệp đáng giá để chuyển tải trong ngày khai trường, chứ không phải cố phát biểu diễn giải, kể công với những văn bản dài dòng, soạn sẵn.
Năm học này, Đà Nẵng hướng dẫn tất cả các trường "chốt" thời gian cho lễ khai giảng gói gọn trong 45 phút, thậm chí trường mầm non, tiểu học có thể kết thúc sớm hơn.
Dẫu còn nhiều ý kiến tranh luận, còn những góp ý cần điều chỉnh, nhưng sự bắt tay vào hành động luôn là cần thiết. Có như thế mới hi vọng lời hứa của bộ trưởng Bộ GD-ĐT "trả lại ngày khai giảng đúng nghĩa" mới trở thành hiện thực trong tương lai gần.

Nguồn: tuoitre.vn
Sưu tầm: Bùi Ngọc Song