'Cô giáo đặc biệt' của những học trò đặc biệt

Ngày đăng: 19/11/2019 - 711 lượt đọc

'Giáo dục đặc biệt' - một chuyên ngành đặc biệt vất vả như tên gọi vốn có. Nhưng với khẩu ngữ 'không bao giờ bỏ cuộc' luôn là ngọn đuốc dẫn đường để những giáo viên vượt qua muôn vàn khó khăn, nhất là ở những giáo viên còn rất trẻ về tuổi đời, tuổi nghề.

Từ đồng cảm đến lan tỏa

Tốt nghiệp khoa Giáo dục đặc biệt, ĐH Sư phạm Hà Nội đến nay được 3 năm, cô giáo Phí Thị Thủy vẫn chưa có công việc ổn định tại trường học như hình dung mới vào ngành học. Vừa làm việc, Thủy vừa tiếp tục học cao học chuyên ngành Giáo dục đặc biệt. Thủy dạy can thiệp cá nhân cho trẻ rối loạn phổ tự kỷ, chậm phát triển trí tuệ, chậm nói tại quê nhà (Bắc Giang).

Giáo dục đặc biệt - không phải ai cũng trụ được với nghề. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Đồng cảm với những mảnh đời trẻ thơ kém may mắn, Thủy quyết tâm trở thành một giáo viên dạy trẻ đặc biệt. Nhưng giữa ước mơ và thực tế trải nghiệm lại vô cùng khác biệt.

“Sự khác biệt lớn nhất đó là giữa kiến thức trên nhà trường và thực tế. Tôi đã bàng hoàng khi chứng kiến thực tế của những đứa trẻ còn khó khăn hơn rất nhiều so với sách vở miêu tả. Nhưng với tinh thần “không bỏ cuộc” mà các thầy cô đã truyền cảm hứng qua những bài giảng, những tình huống và sự vận dụng của tôi đã vượt qua những khó khăn đó”, Phí Thị Thủy nói.

Khác với nhiều đồng nghiệp trẻ sau khi tốt nghiệp đi làm ở những trung tâm lớn tại thành phố để có thu nhập cao, Phí Thị Thủy lại chọn con đường trở về quê hương. Thủy cho biết, dạy dỗ trẻ bị rối loạn phổ tự kỷ, khuyết tật đã khó nhưng ở những vùng quê lại càng khó hơn. Để chữa được cho con, phụ huynh phải ra thành phố. Chi phí học đã tốn kém nhưng chi phí đi lại, thuê nhà càng tốn kém hơn. Chưa kể, khả năng nhận thức về các chứng rối loạn phổ tự kỷ ở phụ huynh nông thôn còn hạn chế. Do đó, mong muốn lớn nhất của Thủy là có được một trung tâm dạy trẻ đặc biệt ở Bắc Giang.

“Hiện tại, công việc dạy trẻ của tôi ở nông thôn khá bấp bênh. Học sinh học không ổn định, nhiều gia đình khó khăn cũng được tôi giảm học phí. Nhưng tôi vẫn nuôi ước mơ là sớm có một trung tâm có đầy đủ cơ sở vật chất để những trẻ em ở quê mình không may mắc chứng này có một môi trường học tập tốt mà không phải đi xa”, cô giáo Phí Thị Thủy nói.

Cô Hà Thị Như Quỳnh, Quản lý Trung tâm nghiên cứu ứng dụng khoa học tâm lý giáo dục CHIC - người đã tạo được môi trường để giúp đỡ nhiều trẻ khuyết tật khác.


Khác với cô giáo Phí Thị Thủy, cô giáo Hà Thị Như Quỳnh, Quản lý Trung tâm nghiên cứu ứng dụng khoa học tâm lý giáo dục CHIC, Đông Anh, Hà Nội lại có xuất phát điểm từ người khuyết tật. Trải qua một biến cố lớn trong đời - bị mất một mắt - Quỳnh cảm nhận rõ sự thiếu hụt trong cuộc sống của một người khuyết tật.

“Làm thế nào để người khuyết tật có một cuộc sống đúng nghĩa, độc lập hơn là câu hỏi thôi thúc tôi nhiều lần. Mới đầu, tôi chọn học y học cổ truyền, nhưng học y thôi chưa đủ và tôi học thêm giáo dục đặc biệt để giúp được nhiều em nhỏ hơn”, cô giáo Hà Thị Như Quỳnh cho biết.

Là một người khuyết tật và gặp rất nhiều người khuyết tật trước khi trở thành một giáo viên giáo dục đặc biệt, cô Quỳnh thấu cảm và mong muốn được giúp đỡ, đồng hành cùng trẻ kém may mắn. Hơn nữa, cô cũng mong muốn truyền động lực tới phụ huynh, học sinh rằng chỉ cần có quyết tâm, sự bền bỉ thì ai cũng làm được và thành công. Hiện nay, trung tâm cô Quỳnh mở ra đã có thể giúp đỡ dược nhiều trẻ khuyết tật khác.

Niềm vui qua nước mắt

Có lẽ, sự tiến bộ của học sinh là nguồn động viên lớn nhất đối với mỗi giáo viên dạy trẻ đặc biệt. Thậm chí, những tiến bộ có thời gian rất dài nhưng đó là nỗ lực của trò, là nguồn cảm hứng đối với mỗi giáo viên ngành này để họ có thể trụ vững với nghề.

Cô giáo Phí Thị Thủy vẫn còn nhớ, khi mới ra trường, được đến dạy tại nhà cho một bé hơn 4 tuổi bị rối loạn phổ tự kỷ kèm tăng động. Khi mới đến, cô đã phải dành thời gian làm quen, chơi cùng rất lâu để bé bỏ dần tính đòi hỏi. Nhưng bé lại chuyển sang dùng bạo lực. Có lần khi đang ngồi hướng dẫn, đột nhiên cô bị bé tát thẳng vào mặt rất đau. Con đỏ mắt vì cơn giận dữ bất thình lình, cô thì đỏ mắt vì đau. Sau vài lần bị như thế, tuy rất đau nhưng cô vẫn phải giữ bình tĩnh để tiếp tục khuyên bảo. Sau một thời gian thì bé mới tiến bộ.

"Những tiến bộ đó của trẻ đã giúp tôi cảm thấy việc mình đang làm có ý nghĩa”, cô Thủy tâm sự.

Còn cô Hà Thị Như Quỳnh vẫn chưa quên được sự xúc động với cậu học trò đầu tiên 3 tuổi nhưng chưa có ngôn ngữ, không giao tiếp, không phản ứng khi gọi tên.

“Trong quá trình can thiệp, nhiều lúc tôi cảm thấy bế tắc, nảy sinh nhiều suy nghĩ là mình chưa đi đúng hướng. Từ đó, tôi đưa ra các phương pháp mới để con được tiếp cận. Sau những lần đó, tôi dần dần thu hút được sự chú ý của con, con đã bắt đầu giao tiếp bằng ánh mắt với mình. Tiếp đó, biết đưa đồ vật cho tôi. Sau 4 tháng lặp đi, lặp lại, con bật ra âm thanh đầu tiên “bọ”. Con chỉ vào tranh con bọ trên tường và nói từ “bọ”. Lúc ấy, tôi chỉ biết ôm con và khóc. Sau một năm hai cô trò cùng nhau học tập, con đã hòa nhập và được vào trường mầm non. Đến nay, con đã học lớp 2”, cô Quỳnh nhớ lại.

Có lẽ, câu chuyện của cô Thủy, cô giáo Quỳnh không thể đại diện hết cho muôn vàn những khó khăn mà giáo viên giáo dục đặc biệt gặp phải. Mã ngành đối với ngành Giáo dục đặc biệt vẫn chưa có. Nhà trường vẫn chưa có biên chế đối với giáo viên giáo dục đặc biệt. Đa số, sinh viên tốt nghiệp khoa Giáo dục đặc biệt đều đi dạy ở trung tâm. Nếu họ muốn đi dạy trong nhà trường, họ sẽ phải trang bị cho mình thêm một văn bằng nữa. Các chính sách cho trẻ rối loạn phổ tự kỷ chưa có hoặc đối với người khuyết tật cũng chỉ chạm được đến người nghèo, cận nghèo.

Nhưng hơn hết, họ là những giáo viên còn rất trẻ mang trong mình sự đồng cảm, tâm huyết và bền bỉ - những phẩm chất đáng quý của nghề giáo để mang đến cho những mảnh đời con trẻ còn khiếm khuyết.

Nguồn: baomoi.com
Sưu tầm: Bùi Ngọc Song