Trung tâm Bảo trợ xã hội Nghệ An: Mái ấm của những mảnh đời bất hạnh

Ngày đăng: 30/12/2019 - 921 lượt đọc

Là nơi nuôi dưỡng những hoàn cảnh neo đơn không nơi nương tựa, tuổi già tàn tật, trẻ mồ côi, tâm thần, bệnh hiểm nghèo, bị bỏ rơi… mỗi người trong họ cảm nhận về sự may mắn, hạnh phúc theo cách khác nhau. Nhưng tất cả đều cảm nhận Trung tâm bảo trợ xã hội Nghệ An là mái ấm của họ

Khu sinh hoạt vui chơi văn nghệ, thể thao của các đối tượng bị bệnh tâm thần ngày càng khang trang, sạch đẹp.

Hiện Trung tâm đang quản lí chăm sóc 145 người từ cụ già đến em bé sơ sinh tập trung tại đây thành "đại gia đình", trong đó có 10 người già, 02 trẻ em và 133 đối tượng khuyết tật tâm thần. Các đối tượng chủ yếu là những người cô đơn, không có người thân... 90% trong số họ đều bị bệnh tâm thần đặc biệt nặng, nhiều người nằm liệt giường không còn khả năng tự chủ. Hàng ngày, "gia đình" ấy diễn ra sinh hoạt bình thường, gói gọn trong ăn ở, tắm, giặt, ngủ, nghỉ… như mọi người ở bên ngoài, nhưng nỗi vất vả của cán bộ, nhân viên thì phải nhân lên gấp nhiều lần, có lúc phải nhờ thêm những đối tượng còn khỏe chăm tiếp cho đối tượng yếu hơn.
Cách đối đãi của cán bộ, nhân viên chăm sóc khi tiếp xúc với họ là sự cảm thông, thấu hiểu cho những câu chuyện buồn phía sau, những tâm tư, đa cảm, thói quen, không còn tình thân mới phải vào đây nương nhờ. Sự thông suốt đó giúp họ mở rộng tấm lòng, bỏ qua những lời nói, hành động từ người bệnh mà đáng ra cần được đáp trả bằng sự trân trọng hay biết ơn.


Các đối tượng thường xuyên được thăm khám và điều trị kịp thời khi có biểu hiện ốm đau.

Anh Nguyễn Hồng Nam, Phó giám đốc Trung tâm cho biết: "Các cụ lớn tuổi, đa phần bị tai biến, bệnh nặng đi lại và sinh hoạt khó khăn. Anh chị em ở đây rất vất vả. Hằng ngày bắt đầu từ 6 giờ sáng, lần lượt giúp các cụ ăn, tắm rửa, vệ sinh rồi quét dọn nơi ở, giặt giũ. Nhiều cụ khó chịu do bệnh tật, trí nhớ kém, rồi phàn nàn, phá phách... nhưng cũng có nhiều cụ tính tình rất dễ thương.

Cụ Hồ Thị Loan, 80 tuổi, quê xã Hưng Hòa, thành phố Vinh, cười rất tươi khi được hỏi thăm về cuộc sống ở đây: "Bà vô đây hơn 30 năm rồi. Do bệnh tật, không làm chi ra ăn nên được Nhà nước cho vô ở đây. Ở đây như là nhà mình, mọi người thương nhau lắm. Các cô chú cán bộ chăm sóc tận tình, ăn uống hằng ngày được thay đổi các món dễ ăn, ăn ngon lắm. Hằng tháng có các đoàn đến thăm thì họ cho thêm đồ dùng đầy đủ".

Cụ Nguyễn Thị Tuyết, 74 tuổi, quê huyện Thanh Chương, tâm sự: "Bà đi thanh niên xung phong vùng cầu cấm đến Hoàng Mai, sau về bệnh tật nhiều nên không lao động được. Vào đây được các cô chú chăm sóc vui lắm. Phòng đầy đủ cả, ti vi, chăn đệm mọi thứ đủ cả. Ho hen là có bác sỹ khám, cho thuốc liền".

Khó khăn lớn nhất của Trung tâm hiện nay là biên chế người ít. Do vậy rất khó bố trí nguồn nhân lực để phục vụ đối tượng, đặc biệt là vào các ngày nghỉ chế độ, các dịp lễ, tết. Trung tâm lại chủ yếu là chăm sóc người bệnh và người khuyết tật, người tâm thần. Người bệnh thường xuyên có các rối loạn hoạt động tâm thần, nhất là lên cơn kích động  gây nguy hiểm đến tính mạng chính bản thân họ và cộng đồng, cũng như đội ngũ cán bộ nhân viên phục vụ trực tiếp. Mặt khác ngoài bệnh tâm thần  đối tượng còn bị mắc thêm một số bệnh khác do tuổi cao sức yếu và di chứng của việc sử dụng thuốc hướng thần kéo dài như: Bệnh ngoài da, Lao phổi - Viêm – Xơ - Ung thư gan thứ phát...  Mặc dù đơn vị có chức năng khám chữa bệnh nhưng trang thiết bị Y tế còn thiếu, nhân lực, trình độ chuyên môn còn hạn chế, đơn vị lại đóng trên địa bàn miền núi, xa các trung tâm khám chữa bệnh chuyên khoa nên công tác điều trị, điều dưỡng gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là khi tổ chức cấp cứu đối tượng.

Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội Nghệ An Nguyễn Ngọc Khâm cho biết: "Thời gian qua được sự quan tâm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự chỉ đạo sát sao của Sở Lao động Thương binh và Xã hội; sự đoàn kết nỗ lực của tập thể cán bộ công chức, viên chức, người lao động Trung tâm đã ngày càng khang trang, sạch sẽ, đời sống của các đối tượng không ngừng được cải thiện. Hiện nay khó khăn nhất của Trung tâm là cơ sở vật chất, biên chế ít quá. Thời gian tới Trung tâm lại tiếp nhận thêm cơ sở 2 ở huyện Diễn Châu (Nhà nuôi dưỡng thân nhân liệt sỹ cũ), nên càng khó khăn hơn. Bên cạnh đó một số chế độ chính sách cho các đối tượng nuôi dưỡng tập trung mặc dù đã được quan tâm điều chỉnh, tuy nhiên vẫn còn thấp so với nhu cầu thực tế, ví dụ với mức hỗ trợ 500.000đ/người/năm để mua thuốc điều trị đối với bệnh nhân tâm thần, số tiền này trong thực tế là không đủ để phục vụ đối tượng, tuy nhiên  đơn vị đã hết sức cố gắng kêu gọi xã hội hóa để đảm bảo duy trì nguồn thuốc hàng ngày cho các đối tượng".

Nguồn: baodansinh.vn
Sưu tầm: Bùi Ngọc Song