Xin hãy yêu thương trò, xin hãy ứng xử văn minh với người thầy!

Ngày đăng: 02/01/2019 - 1003 lượt đọc

Năm 2019 đã sang, nhà giáo chúng tôi xin gửi gắm hy vọng về những đổi thay tích cực của nền giáo dục nước nhà trong năm mới… Hy vọng nhiều nhất, ước vọng lớn nhất vẫn là xây dựng được một môi trường học đường thân thiện, an toàn.

Những thời khắc đầu tiên của năm mới 2019 đang gõ nhịp trong cái lạnh tê tái cuối đông. Đọc “10 sự kiện giáo dục nổi bật năm 2018” trên báo Dân Trí khiến lòng người ấm lại chút ít với những thông tin như: Quỹ Khuyến học cả nước tăng mạnh; Bộ GD-ĐT công bố Chương trình giáo dục phổ thông mới; Học sinh Việt Nam đạt thành tích xuất sắc các kỳ thi Olympic khu vực và quốc tế; Lần đầu tiên hai đại học Việt Nam lọt top 1.000 thế giới…
Vậy nhưng, những điểm trừ xấu xí của ngành Giáo dục trong năm 2018 không phải là ít với những “lùm xùm” quanh sách Công nghệ giáo dục và chuyện độc quyền sách giáo khoa. Đáng lo hơn nữa là tình trạng thừa, thiếu cục bộ giáo viên. Rồi “cơn địa chấn” mang tên gian lận điểm thi trong kỳ thi THPT quốc gia 2018 gây “sốc” dư luận suốt một thời gian dài. Và cả tình trạng bạo lực học đường “dậy sóng” khiến lòng người nhức nhối.
Năm 2019 đã sang, nhà giáo chúng tôi xin gửi gắm hy vọng về những đổi thay tích cực của nền giáo dục nước nhà trong năm mới… Hy vọng nhiều nhất, ước vọng lớn nhất vẫn là xây dựng được một môi trường học đường thân thiện, an toàn để người thầy mỗi ngày đến lớp có thể nở nụ cười tươi, học sinh đến trường trong niềm vui phấn khởi và mỗi gia đình có thể hoàn toàn yên tâm đặt niềm tin giáo dục con trẻ vào nhà trường và giáo viên!
Xin hãy yêu thương trò như con em mình! Niềm hy vọng đầu tiên xin gửi gắm đến những người thầy lấy phấn trắng bảng đen làm lẽ sống ở đời.
Nếu ngành Y có lời thề Hippocrates mà mỗi sinh viên đều thấm nhuần khi đeo đuổi giấc mơ “thiên thần áo trắng” thì phải chăng ngành Giáo dục cũng cần quán triệt sâu sắc hơn về nhiệm vụ, quyền hạn của người giáo viên cùng những ranh giới rõ ràng giữa đúng - sai, tốt - xấu trong cách hành xử với học sinh?
Những “cái tát” trong ngành Giáo dục năm vừa qua quả thật đáng sợ! Nó đục khoét lòng tin của xã hội về cái tâm của nghề giáo, gieo rắc mối nghi ngờ về đạo đức nhà giáo xuống cấp và chính nó đã làm hình ảnh người thầy mờ nhạt, xấu xí đi ít nhiều.
Này là cô giáo yêu cầu học sinh tát bạn 230 cái và chính mình “tặng” thêm cái nữa khiến học sinh nhập viện, này cô giáo bắt học sinh tự tát theo cấp số cộng lên đến 32 cái tát, rồi cô giáo bắt học sinh uống nước giặt khăn lau bảng… - xin đừng lấy áp lực làm lý do và đổ lỗi cho “cơn nóng giận”, “hành động mất lý trí”!
Hãy yêu thương trò như con, nhìn nhận bọn trẻ vẫn là những cá thể chưa hoàn thiện cần uốn nắn, dạy dỗ và trau dồi thêm lòng kiên nhẫn, sự bao dung để nghiệp “trồng người” bớt nhọc nhằn và trắc trở!
Xin hãy ứng xử văn minh với người thầy! Lời nhắn nhủ này mong gửi đến các bậc phụ huynh vẫn luôn “trăm sự nhờ cô” mỗi khi đưa con đến lớp!
Sau nhiều vụ việc phụ huynh vào tận trường đuổi đánh giáo viên vì con trẻ xuất hiện “vết xước” trên má hoặc tố bị giáo viên bạo hành trong những năm trước thì năm 2018 lại ghi nhiều dấu ấn buồn về những hành xử phản cảm của phụ huynh “cá biệt”.
Phụ huynh ở Long An bắt cô giáo quỳ suốt 40 phút vì trót phạt trẻ quỳ gối, phụ huynh xông vào trường mầm non đánh giáo viên suýt sẩy thai, thủng màng nhĩ… Mới đây nhất là phụ huynh tranh cãi, xúc phạm một thầy giáo dạy Toán chỉ vì một cái quần soóc của con.
Đáng buồn thay cho những ứng xử tức thời, nóng giận, ích kỷ của những người bố người mẹ trong mấy câu chuyện trên. Ai có con mà chẳng thương? Ai thấy con bị phạt mà chẳng xót? Nhưng thương và xót không bao giờ đồng nghĩa với việc dễ dàng nổi trận lôi đình, phùng mang trợn mắt, ầm ầm lao đến trường “gây chiến” và xúc phạm thân thể, danh dự người thầy như thế!
Xin hãy bình tĩnh lắng nghe con nói, bình tĩnh suy xét vấn đề, bình tĩnh đến trường gặp giáo viên, bình tĩnh hỏi chuyện và thẳng thắn trao đổi cùng nhau! “Đối đầu” trong mọi tình huống đều không đem lại hiệu quả huống hồ gì là cuộc đối đầu giữa giáo viên và phụ huynh - hai chủ thể giáo dục con trẻ nên người?
Hãy khéo léo chuyển hóa cuộc “đối đầu” thành “đối thoại” để tìm ra tiếng nói đồng điệu trong phương pháp giáo dục con trẻ, đó có lẽ cũng là niềm mong mỏi chung của đội ngũ nhà giáo hiện nay!
Năm mới đã sang, chúng ta cùng ước vọng về một mái trường tràn ngập yêu thương, bao dung, tri ân, tương kính… để thầy trò đến trường mỗi ngày thực sự là một ngày vui.

Nguồn: dantri

Sưu tầm: Nguyễn Triệu