Vận động người dân từ bỏ thói quen ăn thịt chó: Việc khó nhưng cần thiết

Ngày đăng: 19/09/2018 - 1120 lượt đọc

Kinhtedothi - Xung quanh đề xuất vận động người dân không ăn thịt chó và cấm kinh doanh thịt chó tại các quận nội thành vào năm 2021, nhiều ý kiến bày tỏ quan điểm đồng tình, coi đây là hành động mang tính nhân văn cần thiết, đồng thời, phù hợp với thông lệ quốc tế.

Đồng sáng lập Tổ chức Soi Dog Foundation (SDF) John Dalley: Thủ đô văn hiến không có chỗ cho sự tàn nhẫn

Việc đưa ra chủ trương vận động người dân không sử dụng thịt chó là một bước tiến tích cực nhưng chỉ là bước đi đầu tiên của Hà Nội trong việc bảo vệ động vật nói chung, loài chó nói riêng. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục ủng hộ và giúp đỡ TP Hà Nội trong việc truyền thông, nâng cao năng lực chuyên môn của cơ quan thú y. Hà Nội là một Thủ đô nghìn năm văn hiến, đang hướng tới là một TP đi đầu về văn hóa. Vì vậy, trong đời sống văn hóa, không thể có chỗ cho sự tàn nhẫn.

 Một hộ tiểu thương bán thịt chó ven Quốc lộ 32. Ảnh: Trọng Tùng

Giám đốc Công ty Luật TNHH Inteco, Luật sư Hà Huy Phong: Cần chính sách và biện pháp khuyến khích 
Những năm gần đây, ở Việt Nam đã có sự thay đổi rõ rệt trong nhận thức và tình cảm của con người đối với loài chó. Do đó, nếu đưa chính sách khuyến cáo người dân từ bỏ thói quen ăn thịt chó chắc chắn sẽ được ủng hộ. Tôi đánh giá cao văn bản khuyến cáo của UBND TP Hà Nội và cho rằng, đây là một chính sách nhân văn, có ý nghĩa. Tuy nhiên, việc hạn chế hay cấm không đơn giản chỉ là một văn bản là có thể làm được. Đặc biệt trong bối cảnh Đảng và Nhà nước ta đang nỗ lực xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, thì mọi hoạt động quản lý của cơ quan Nhà nước càng phải dựa trên nền tảng là cơ sở pháp lý.
Hiện tại, không có văn bản luật nào quy định thịt chó và kinh doanh thịt chó là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện. Luật Doanh nghiệp 2014 cũng quy định DN được quyền tự do kinh doanh trong những ngành, nghề mà luật không cấm. Như vậy, kể cả đối với DN hay hộ kinh doanh cá thể thì hoạt động kinh doanh thịt chó đều được pháp luật bảo hộ và không bị hạn chế.
Chó là loài động vật không nằm trong danh sách động vật bị cấm giết thịt và bị hạn chế giết thịt. Do đó, việc cấm giết mổ và kinh doanh thịt chó, nếu xét về ý nghĩa bảo vệ, bảo tồn động vật cũng không có cơ sở pháp lý. Thậm chí, theo Luật Thú y, chó không thuộc đối tượng động vật được kiểm soát giết mổ, không có quy định cụ thể về kiểm tra, giám sát chất lượng sản phẩm. Như vậy việc cấm giết mổ, kinh doanh thịt chó là không có cơ sở pháp lý. Do vậy, chỉ nên đưa ra các chính sách và biện pháp khuyến khích để người dân từ bỏ, hạn chế việc ăn thịt chó.
Phó Chủ tịch Hiệp Hội Du lịch Hà Nội Trịnh Thị Mỹ Nghệ: Hành động nhân văn, số đông sẽ ủng hộ
Tôi hoàn toàn ủng hộ việc TP đề xuất không ăn và kinh doanh thịt chó trong nội đô từ năm 2021. Tôi nghĩ sẽ có số đông người ủng hộ đề xuất này. Vì việc bày bán, kinh doanh liên quan đến vấn đề giết mổ không đảm bảo vệ sinh ATTP. Đây cũng được coi là việc làm nhân văn vì chó là loài động vật thân thiết với con người. Nhất là trong bối cảnh ngày càng có nhiều khách du lịch quốc tế đến Hà Nội, các DN trong Hiệp hội rất ủng hộ chủ trương này.
GS Nguyễn Lân Dũng: Không cấm, chỉ nên khuyến cáo
Bệnh dịch ở chó mèo vô cùng nguy hiểm bởi đa số các gia đình nuôi chó mèo vẫn thả rông vật nuôi. Tại nhiều nước trên thế giới, họ cũng nuôi chó mèo nhưng chỉ nuôi trong gia đình chứ không thả rông như nước ta. Cần phân biệt rõ ràng giữa chó nuôi trong nhà và chó nuôi công nghiệp. Việc bày bán thịt chó tràn lan cũng là không văn minh, ảnh hưởng đến bộ mặt du lịch, gây ác cảm đối với khách du lịch. Do đó, một mặt TP cần đẩy mạnh việc vận động hạn chế kinh doanh thịt chó mèo trong nội đô, một mặt phải đưa thịt chó, mèo vào quản lý chặt chẽ. Có như vậy, trong tương lai mới hạn chế được số người ăn thịt chó mèo và nuôi chó công nghiệp. Tôi nghĩ, TP phải làm từng bước, có lộ trình thì mới thành công, đặc biệt không nên cấm mà thay vào đó là động viên, khuyến cáo.
PGS.TS Trịnh Hòa Bình - Giám đốc Trung tâm Điều tra Dư luận xã hội (Viện Xã hội học): Văn minh hay không là do cách hành xử của con người
Trước tiên, cần khẳng định việc Hà Nội đề xuất không kinh doanh thịt chó, mèo trong nội đô từ năm 2021 là văn bản khuyến cáo chứ không phải văn bản luật. Vì sao phải đặt ra vấn đề không ăn và kinh doanh thịt chó mèo? Xét về góc độ ẩm thực, thịt chó là món khoái khẩu của nhiều người dân Việt Nam. Trước khi đề xuất văn bản này, lực lượng chức năng đã nêu rõ, 10 năm trở lại đây, thịt chó, mèo không nằm trong danh mục quy chuẩn quản lý khi lưu thông trên thị trường. Đề xuất này khó thực hiện, trước đây thời Pháp thuộc, người Pháp đã cấm không được ăn thịt chó nhưng lệnh cấm đó vấp phải sự phản đối của cộng đồng. Một lý do nữa là, trong xã hội hiện đại, thịt chó vẫn là món đặc sản dân dã chứ không phải là món ăn quý tộc. Nếu là văn bản Luật có tính khả thi thì căn cứ vào hồ sơ của lực lượng chức năng như: Đồ ăn không văn minh; Mối nguy gây bệnh dại, xoắn khuẩn, tả…
Không thể coi thịt chó là món ăn không văn minh. Văn minh hay không là ở thái độ, cách hành xử của con người. Nhiều người vẫn cho rằng tại các nước phát triển họ không ăn thịt chó, nhưng ngay tại 2 nước láng giềng là Lào và Campuchia là các nước đang phát triển, song họ cũng không ăn thịt chó vì theo đạo Phật. Hay tại Australia, vẫn có người ăn thịt Kangaroo, trong khi đây là loại linh vật sống của đất nước họ. Chính vì vậy, việc Hà Nội đề xuất không ăn thịt chó, mèo sẽ cần thêm thời gian để kiểm nghiệm về tính khả thi. Việc trước mắt TP Hà Nội cần làm là tổ chức quản lý tốt hơn đàn chó, mèo hiện nay.

                                                                                                                                                                         Theo Kinh tế - Đô thị

                                                                                                                                                                               Đỗ Chiến (st)