Bình Dương: Hiệu quả từ công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người khuyết tật

Ngày đăng: 27/10/2020 - 1162 lượt đọc

Trong những năm qua, các giáo viên của Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) người khuyết tật tỉnh Bình Dương đã miệt mài truyền nghề cho hàng trăm người khuyết tật bằng cả trái tim và nhiệt huyết của mình. Thông qua đó, đã có rất nhiều em có được nghề nghiệp để có thể hòa nhập cộng đồng và vươn lên trong cuộc sống bỏ mặc những khiếm khuyết trên cơ thể.

Truyền nghề bằng cả trái tim

Tìm về Trung tâm GDNN người khuyết tật tỉnh Bình Dương, nơi các thầy cô và các học viên cùng nhau dạy và học nghề. Có tận mắt chứng kiến những gì thầy và trò tại trung tâm đang cùng nhau nỗ lực thực hiện, chúng tôi mới cảm nhận hết được những nhiệt huyết và quyết tâm của những người đang mang trên mình sứ mệnh bù đắp những phần thiếu sót mà tạo hóa đã lỡ bỏ quên của các học viên tại đây.

Cô Đặng Thị Minh Thu - Giám đốc Trung tâm GDNN người khuyết tật tỉnh Bình Dương cho biết, Trung tâm luôn xác định dạy nghề, tạo việc làm cho người khuyết tật là mục tiêu hàng đầu, từ mục tiêu đó đã giúp người khuyết tật thực hiện quyền bình đẳng của mình, sống độc lập và hòa nhập cộng đồng.

Thời gian qua, Trung tâm luôn giúp người khuyết tật trong việc chọn nghề, học nghề và tạo việc làm để người khuyết tật có thu nhập ổn định cuộc sống. Hiện nay Trung tâm đang dạy nghề cho 70 học viên với 6 lớp nghề: Tin học, đồ họa, may, điện tử gia dụng, điện cơ, in lụa và dệt cocoro…phù hợp với dạng tật, mức độ khuyết tật, làm việc tĩnh tại, ít phải di chuyển. Hầu hết các học viên khuyết tật được đào tạo tại trung tâm đều có việc làm ngay sau khi hoàn thành các khóa học.

Đào tạo nghề may cho người khuyết tật

Không chỉ làm tốt công tác giáo dục nghề nghiệp, các giáo viên tại trung tâm còn là người bạn đồng hành, sẻ chia cùng những người khuyết tật. Tâm sự với chúng tôi, nhiều giáo viên tỏ ra tự hào khí một số học viên đã có thể tự nuôi sống bản thân bằng chính cái nghề đã được học ở đây. Sự đồng cảm, tình yêu thương chân thành là ngọn lửa gắn kết giáo viên và học viên ở trung tâm, xóa mọi khoảng cách, giúp chất lượng và hiệu quả đào tạo, giải quyết việc làm cho người khuyết tật tại trung tâm không ngừng tăng lên qua các năm.

Cô Thu cho biết thêm, trong 6 tháng đầu năm 2020, Trung tâm đã giải quyết việc làm tại chỗ cho 27 học viên, trong đó, duy trì lớp gia công stent gồm 18 học viên với thu nhập bình quân 5.000.000đồng/tháng và giải quyết việc làm cho học viên đang học nghề và sản xuất là 9 học viên.

Những tháng cuối năm 2020, Trung tâm tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyển sinh đạt chỉ tiêu đề ra; tăng cường nâng cao chất lượng dạy học và phương pháp dạy học đối với người khuyết tật. Ngoài ra, công tác duy trì và sắp xếp hoạt động gia công, sản xuất nhằm chủ động tạo việc làm tại chỗ cho các học viên được thực hiện bền vững; tăng cường liên kết với doanh nghiệp trong đào tạo và giới thiệu việc làm cho học viên sau khi hoàn tất khóa học để các học viên có cơ hội tiếp cận nghề nghiệp và có được mức thu nhập ổn định để lo cho cuộc sống, hòa nhập với xã hội.

Những ước mơ trở thành hiện thực

Từ Trung tâm GDNN người khuyết tật tỉnh Bình Dương, nhiều học viên đã có nghề nghiệp, tự tạo được thu nhập cho bản thân. Nhiều học viên đã khẳng định được thành công và hòa nhập với cộng đồng , quên đi những mặc cảm trên cơ thể.

Đặc biệt một số học viên sau khi học nghề,tại trung tâm có việc làm và thu nhập ổn định đã có thể tự kinh doanh riêng và làm giàu bằng chính cái nghề đã được học. Điển hình như hai học viên bị liệt cả hai chân là Nguyễn Văn Thiện, Võ Thị Kim Ngân ở Mỹ Phước (Bến Cát), các bạn đã tự mở được tiệm may riêng và có cuộc sống ổn định, hạnh phúc. Những tưởng những thiệt thòi trên cơ thể đã lấy đi tất cả của họ, nhưng chính cơ hội được đào tạo, giới thiệu việc làm tại trung tâm đã mở ra những con đường tươi sáng, là nơi giấc mơ của bao người khuyết tật được hiện thực hóa.

Đào tạo nghề tin học cho người khuyết tật.

Trò chuyện với chúng tôi, em Lê Quốc Duy (SN 1998) chia sẻ trong xúc động: "Trung tâm dạy nghề chính là ngôi nhà thứ 2 của em. Ở Trung tâm em và các bạn học viên được thầy, cô yêu thương, chăm sóc như người thân. Các thầy, cô luôn tận tình, tỉ mĩ dạy nghề và dạy kỹ năng cho chúng em. Sau khi học nghề xong em được giới thiệu đến làm việc ở doanh nghiệp với mức thu nhập khá cao vừa trang trải cuộc sống vừa có tiền phụ giúp bố mẹ. Với em cuộc sống hiện nay chính là giấc mơ mà trước đây em từng mơ ước.".

Từng câu chữ thốt lên thật ngập ngừng nhưng cũng không kém phần tự hào của em minh chứng cho niềm hạnh phúc to lớn khi có thể được học nghề, làm ra tiền từ chính sức lực của mình mặc những khó khăn, trở ngại trên cơ thể.

Không chỉ riêng đối với em Duy mà nhiều học viên khuyết tật khác cũng vậy, họ được trung đào tạo nghề và giới thiệu việc làm, tạo cơ hội phát triển bản thân và hòa nhập xã hội. Cũng chính từ đây, những ước mơ tưởng chừng chỉ xuất hiện trong mơ của những người kém may mắn giờ đã trở thành hiện thực khi các học viên có việc làm, nghề nghiệp và tạo ra thu nhập để nuôi sống bản thân, làm giàu bằng chính nghị lực phi thường của mình.

Những năm qua, Dự án phát triển thị trường Lao động và việc làm, đặc biệt là nội dung "hỗ trợ tạo việc làm cho người khuyết tật" được Cục việc làm -Bộ LĐTB&XH phối hợp với các ban, ngành thực hiện quyết liệt, mạnh mẽ. Trung tâm GDNN người khuyết tật Bình Dương là một trong số những đơn vị thực hiện tốt nội dung trên, bằng chứng là đã có hàng trăm học viên người khuyết tật có việc làm nuôi sống bản thân, khẳng định vai trò của mình, góp phần vào sự phát triển chung của đất nước.

Nguồn: baodansinh.vn

Sưu tầm: Ngọc Song