Buổi sinh hoạt trực tuyến đầu tiên với chủ đề "Chung tay đảm bảo quyền được lao động, quyền được làm việc cho người khuyết tật" của Câu lạc bộ Pháp luật và Đời sống đã thành công tốt đẹp.

Ngày đăng: 27/10/2021 - 1179 lượt đọc

Sáng ngày 27/10, Câu lạc bộ Pháp luật và Đời sống của Trung tâm Đào tạo Cán bộ Phục hồi chức năng cho Người mù đã tổ chức thành công buổi sinh hoạt trực tuyến đầu tiên với chủ đề "Chung tay bảo đảm quyền được lao động và quyền được làm việc của người khuyết tật".

Tham dự có bà Đinh Việt Anh, Ủy viên Thường vụ Trung ương Hội, Phó Chủ tịch Hội Người mù Việt Nam, Ban Giám đốc Trung tâm, các đồng chí cán bộ giáo viên, công nhân viên Trung tâm cùng 40 thành viên câu lạc bộ Pháp luật và Đời sống của Trung tâm cũng tham dự đông đủ.
Trong buổi sinh hoạt, các thành viên câu lạc bộ đã được nghe Thạc sĩ Phạm Xuân Trường, Giám đốc Trung tâm chia sẻ về Những chính sách cơ bản của Nhà nước về lao động và việc làm đối với người khuyết tật.

Thạc sĩ Phạm Xuân Trường, Giám đốc Trung tâm  chia sẻ tại buổi sinh hoạt 

Theo đó, bảo đảm quyền lao động và việc làm của người khuyết tật là việc thực hiện trách nhiệm của Nhà nước, xã hội nhằm tạo ra các điều kiện phù hợp để người khuyết tật có cơ hội tiếp cận, hưởng thụ quyền lao động và việc làm của mình một cách bình đẳng, không bị phân biệt đối xử. Trên cơ sở sự ghi nhận của pháp luật về quyền lao động và việc làm của người khuyết tật, Nhà nước bảo trợ quyền lao động, tự tạo việc làm của người khuyết tật, khuyến khích và ưu đãi người sử dụng lao động (SDLĐ) tạo ra việc làm và nhận người lao động (NLĐ) khuyết tật vào làm việc. Giải quyết việc làm cho người khuyết tật không chỉ là trách nhiệm của Nhà nước mà là của toàn xã hội. Pháp luật quy định các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân không được từ chối tuyển dụng người khuyết tật có đủ điều kiện vào làm việc hoặc hạn chế cơ hội làm việc của họ bằng cách đặt ra tiêu chuẩn tuyển dụng trái pháp luật. Cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân SDLĐ là người khuyết tật có trách nhiệm bố trí, sắp xếp công việc, đảm bảo môi trường và điều kiện làm việc phù hợp đối với người khuyết tật…

Ảnh chụp màn hình buổi sinh hoạt  

Cũng tại buổi sinh hoạt, Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ đã nghe các thành viên đặt câu hỏi và giải đáp các chính sách pháp luật về lao động việc làm cho người khuyết tật. Đồng thời lắng nghe những chia sẻ mong muốn nguyện vọng cũng như đề xuất sửa đổi chính sách pháp luật về lao động việc làm cho người khuyết tật. Ngoài ra, các thành viên cũng được tham gia trò chơi tìm hiểu kiến thức về chính sách pháp luật về lao động việc làm cho người khuyết tật

Bà Đinh Việt Anh, Ủy viên Thường vụ Trung ương Hội, Phó Chủ tịch Hội Người mù Việt Nam phát biểu tại buổi sinh hoạt

Thay mặt Hội Người mù Việt Nam, bà Đinh Việt Anh cho biết: Là một tổ chức tập hợp đông đảo người khiếm thị trong cả nước, Hội Người mù Việt Nam luôn quan tâm đến việc đưa chính sách pháp luật vào cuộc sống giúp người mù nói riêng và người khuyết tật nói chung vươn lên hòa nhập cộng đồng. Năm 2020, Hội đã xây dựng dự án “Nâng cao nhận thức pháp luật và trợ giúp pháp lý về lao động việc làm, thực thi thủ tục hành chính trong lĩnh vực y tế giáo dục cho người khuyết tật” được Liên minh Châu Âu tài trợ thông qua tổ chức OXFAM. Một trong những mục tiêu quan trọng của dự án là thành lập các câu lạc bộ Chính sách pháp luật và đời sống để duy trì việc cung cấp các kiến thức thông tin về chính sách pháp luật cũng như tạo môi trường giao lưu chia sẻ động viên anh chị em thành viên câu lạc bộ cùng nhau phấn đấu vươn lên hòa nhập cộng đồng. Câu lạc bộ cũng là địa chỉ tin cậy để anh chị em có thể bày tỏ ý kiến nguyện vọng của mình với tổ chức Hội, với các cơ quan quản lý Nhà nước và với cộng đồng xã hội.                                       
Bà tin tưởng rằng với sự quan tâm hỗ trợ của Ban Giám đốc và tập thể cán bộ công nhân viên Trung tâm, cùng với sự năng động sáng tạo của Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ và đặc biệt sự tích cực nhiệt tình sôi nổi tham gia của tất cả các anh chị em thành viên, câu lạc bộ sẽ hoạt động hiệu quả, giúp cho các thành viên có được những kiến thức, thông tin bổ ích về chính sách pháp luật, về các lĩnh vực khác nhau cũng như cách thức xử lý các tình huống, đề xuất đề đạt để được thụ hưởng những chính sách của Nhà nước dành cho người khuyết tật.

 

Phạm Mai


Bình luận

Viết bình luận