Thêm cơ hội nghề nghiệp mới cho người khiếm thị Việt Nam

Ngày đăng: 09/05/2023 - 979 lượt đọc

Sáng ngày 08/05/2023, Tổ chức Siloam dành cho người mù Hàn Quốc phối hợp với Hội Người mù Việt Nam và Trung tâm Đào tạo Cán bộ Phục hồi chức năng cho Người mù, tổ chức lễ trao tài trợ và khai giảng lớp pha chế đồ uống đầu tiên cho người khiếm thị Việt Nam

Văn nghệ chào mừng buổi lễ

Tham dự lễ khai giảng có ông Choi Dong Ic , Giám đốc điều hành Tổ chức Siloam dành cho người mù Hàn Quốc; bà Đinh Thị thụy, Phó Chánh Văn phòng Ủy ban Quốc gia về Người khuyết tật Việt Nam; bà Lê Thị Tường Thu, Chủ tịch Công đoàn Bộ Kế hoạch và Đầu tư; bà Đinh Việt Anh, Phó Chủ tịch Hội Người mù Việt Nam; Ban Giám đốc, cán bộ, công nhân viên Trung tâm cùng giáo viên và học viên lớp học.
 

Toàn cảnh buổi lễ

Đào tạo nghề pha chế đồ uống cho người khiếm thị Việt Nam là một trong những hoạt động nằm trong khuôn khổ hợp tác giữa Tổ chức Siloam Hàn Quốc và Hội Người mù Việt Nam. Trước đó, Siloam Hàn Quốc đã phối hợp với Hội Người mù Việt Nam triển khai các dự án đào tạo nghề massage cho người khiếm thị Việt Nam, in sách chữ nổi và đào tạo nâng cao kỹ năng cho người làm công tác biên soạn và in chữ nổi, dự án lớp đào tạo nghề pha chế đồ uống được triển khai sẽ tiếp tục mở ra cơ hội nghề nghiệp mới cho người khiếm thị Việt Nam.


Ông Choi Dong Ic, Giám đốc điều hành Tổ chức Siloam dành cho người mù Hàn Quốc, phát biểu tại buổi lễ

Phát biểu tại buổi lễ, ông Choi Dong Ic, Giám đốc điều hành Tổ chức Siloam dành cho người mù Hàn Quốc cho biết: “Dự án đào tạo nghề pha chế đồ uống cho người khiếm thị là dự án thí điểm đầu tiên được triển khai tại Việt Nam. Dựa trên mô hình thí điểm này, chúng tôi sẽ tiếp tục đề xuất để nhận được sự tài trợ từ tổ chức KOICA Hàn Quốc. Và tôi tin tưởng rằng nếu như kế hoạch của chúng tôi được KOICA chấp thuận, thì từ đây sẽ mở ra những cơ hội mới về việc làm cho người khiếm thị Việt Nam.” 


Ông Choi Dong Ic, Giám đốc điều hành Tổ chức Siloam dành cho người mù Hàn Quốc trao tài trợ dự án cho Hội Người mù Việt Nam

Cũng theo ông Choi Dong Ic, những quán cafe có lao động là người khuyết tật không thể đảm bảo mức doanh thu hay lợi nhuận như những quán cafe với người lao động bình thường. Với những quán cafe hoạt động theo mô hình này, điều quan trọng nhất chính là việc lựa chọn các địa điểm mở quán cafe. Do đó, để dự án triển khai được hiệu quả, giống như các mô hình dự án đã triển khai tại Hàn Quốc, Mông Cổ và Indonesia, thì rất cần có sự quan tâm từ phía các cơ quan quản lý Nhà nước trong việc tạo điều kiện để những quán cafe này được thuê mặt bằng với mức giá ưu đãi nhất. Cùng với lời hứa sẽ nỗ lực tối đa, ông và Siloam cũng cam kết sẽ đồng hành xuyên suốt dự án để dự án có thể đạt được kết quả tốt nhất.


Thạc sĩ Phạm Xuân Trường, Giám đốc Trung tâm Đào tạo Cán bộ Phục hồi chức năng cho Người mù phát biểu tại buổi lễ

Thay mặt Trung tâm Đào tạo Cán bộ Phục hồi chức năng cho Người mù, Thạc sĩ Phạm Xuân Trường khẳng định sẽ tổ chức và quản lý lớp học nghiêm túc, hiệu quả, và cùng với thầy Nguyễn Thành Trung sẽ hoàn thành tốt những mục tiêu, nhiệm vụ mà khoá học đề ra. Đảm bảo những học viên tham gia khoá tập huấn này sẽ trở thành những kỹ thuật viên pha chế xuất sắc, đáp ứng được tốt nhất những yêu cầu của thị trường, của cơ sở sử dụng lao động trong lĩnh vực pha chế đồ uống. Trung tâm cũng cam kết sẽ quản lý và sử dụng một cách có hiệu quả những thiết bị, vật tư mà Siloam đã tài trợ cho Trung tâm để phục vụ cho khóa học này cũng như cho các khóa học tiếp theo. Và mong rằng Siloam Hàn Quốc, các thầy cô giáo, đặc biệt là ông Choi Đong ic, một người rất có kinh nghiệm trong việc xây dựng đề xuất dự án, sẽ luôn đồng hành hỗ trợ Hội Người mù Việt Nam, để Trung tâm có điều kiện tiếp tục tổ chức các lớp pha chế đồ uống, lớp tập huấn kĩ thuật làm bánh và một số các loại hình đào tạo khác đối với người khiếm thị Việt Nam trong thời gian tới. 


Đại diện học viên phát biểu

Tham gia khóa tập huấn có 6 học viên đều là người khiếm thị đến từ Hà Nội, Hải Phòng, Hưng Yên. Đây là những học viên đã qua phỏng vấn, đáp ứng tiêu chuẩn tuyển sinh đầu vào và được Trung tâm lựa chọn tham gia khóa học. Trong thời gian gần 4 tháng, từ ngày 08/5 đến ngày 25/8/2023, các học viên được đào tạo kiến thức chuyên môn, kỹ thuật pha chế các loại đồ uống như: cà phê, trà, ca cao, các loại nước ép, sinh tố, hoa quả trộn, đồ uống đá xay, mocktail và cocktail. Ngoài ra, học viên còn được đào tạo cách về cách lựa chọn, bảo quản nguyên liệu; biết các cách trình bày, trang trí đồ uống đẹp mắt, hấp dẫn cũng như các nguyên tắc bảo quản, vận hành thiết bị pha chế.

Chiều cùng ngày, lớp đã có buổi học đầu tiên cùng với giáo viên Nguyễn thành Trung

Buổi học đầu tiên của lớp tập huấn pha chế đồ uống

Phạm Mai
 


Bình luận

Viết bình luận