205 dự án khởi nghiệp tranh tài tại Startup Kite 2021

Ngày đăng: 30/09/2021 - 799 lượt đọc

Ngày 28/9, Ban Tổ chức cuộc thi Starup Kite 2021 đã tổ chức lễ khai mạc vòng bán kết. Theo đó, vòng bán kết được tổ chức bằng hình thức trực tuyến từ ngày 28/9 đến 2/10 tại Hà Nội. Tiêu chí chấm thi tập trung đến tính mới và sáng tạo, tính khả thi và cạnh tranh, tính chuyên chuyên môn, ứng dụng khoa học công nghệ-kỹ thuật, nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19.

Nhóm sinh viên Trường Cao đẳng FPT Polytechnic thuyết trình về dự án đồng hồ thông minh cho người khiếm thính.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐTB&XH) Đỗ Năng Khánh cho rằng, Starup Kite 2021 sẽ góp phần thực hiện thành công đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệm đến năm 2025” của Thủ tướng Chính phủ.

Sau 3 tháng phát động, cuộc thi đã thu hút 1.518 ý tưởng, sản phẩm của các em học sinh, sinh viên ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Từ các ý tưởng và sản phẩm này, Ban Giám khảo đã lựa chọn được 205 dự án (thuộc 59 trường nghề ở 33 tỉnh, thành phố) vào bán kết.

Ban Tổ chức đã mời các doanh nhân trẻ thành đạt làm giám khảo và đồng hành với các thí sinh trong suốt cuộc thi. Ngoài ra, các thí sinh được lựa chọn vào vòng chung kết sẽ được các giảng viên doanh nhân tập huấn, bồi dưỡng kiến thức tư duy về khởi nghiệp, kỹ năng khởi nghiệp và khởi nghiệp tinh gọn.

Tại chặng bán kết, nhiều ý tưởng, sản phẩm khởi nghiệp của sinh viên các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã gây ấn tượng với Ban Tổ chức. Chẳng hạn, dự án “Đồng hồ thông minh cho người khiếm thính” của nhóm sinh viên Trường Cao đẳng FPT Polytechnic được đánh giá có tính nhân văn sâu sắc.

Dự án “Đồng hồ thông minh cho người khiếm thính” xuất phát từ những khó khăn, trở ngại của người khiếm thính trong giao tiếp và tiếp nhận thông tin. Chia sẻ về tính năng của đồng hồ, Nguyễn Hương Giang, thành viên nhóm khởi nghiệp của Trường Cao đẳng FPT Polytechnic cho biết, người khiếm thính sẽ tiếp nhận giọng nói từ người ngoài thông qua chiếc đồng hồ thông minh. Chiếc đồng hồ sẽ hiển thị phụ đề để cho họ biết được người ta đang giao tiếp cái gì. Đồng hồ còn có cảnh báo rung khi người khiếm thính đến các khu vực đông đúc hoặc không an toàn. Ngoài ra nó cũng có những chức năng như một chiếc đồng hồ thông minh khác như là thời gian, đo nhiệt độ, thời tiết, nhịp tim…

Một dự án khởi nghiệp khác cũng gây ấn tượng với Ban Giám khảo cuộc thi, đó là dự án "Sports for all" của nhóm sinh viên Trường Cao đẳng Thương mại và du lịch Hà Nội. Ý tưởng của dự án là xây dựng nền tảng của thể thao giải trí nhưng được nâng cấp, hoàn thiện để phù hợp hơn trên thực tiễn.

"Sports for all" là sự kết hợp của 7 môn thể thao khác nhau và khách hàng hướng tới là các trường học. Vũ Hương Trang, sinh viên Trường Cao đẳng Thương mại và du lịch Hà Nội cho biết, trẻ em ở lứa tuổi nhỏ sẽ không đủ khả năng để chơi một số bộ môn thể thao. Do vậy, dự án sẽ thiết kế những trò chơi phù hợp với thể chất của trẻ em.

Đánh giá cao những dự án tham dự Starup Kite năm 2021, bà Naomi Kitahara, Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam nhấn mạnh, số lượng lớn bài thi tham gia cuộc thi, nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19 và các hạn chế về khoảng cách xã hội, đã truyền cảm hứng cho mọi người về sự đổi mới, sáng tạo. Theo bà Naomi Kitahara, điều này cũng chứng tỏ chúng ta cần phải tạo nhiều cơ hội hơn nữa để giới trẻ thể hiện sự đổi mới và sáng tạo của mình.

Startup Kite 2021 là cuộc thi do Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐTB&XH) phối hợp với Quỹ Dân số LHQ (UNFPA) tổ chức từ nguồn tài trợ của Chính phủ Nhật Bản.


Nguồn: congnghevadoisong.vn

Sưu tầm: Ngọc Song


Bình luận

Viết bình luận