Chính sách bảo trợ xã hội góp phần bảo đảm an sinh xã hội

Ngày đăng: 30/03/2020 - 699 lượt đọc

Với việc thực hiện đồng bộ các chính sách, theo Cục Bảo trợ Xã hội (Bộ LĐ -TB&XH) các đối tượng bảo trợ xã hội đã được tiếp cận tốt hơn các nguồn lực kinh tế và các dịch vụ xã hội cơ quan như y tế, giáo dục, nước sạch, trợ giúp pháp lý.

Qua đó, số lượng đối tượng có hoàn cảnh khó khăn được hưởng trợ cấp xã hội ngày càng tăng; các cá nhân, gia đình bị thiệt hại bởi thiên tai, lũ lụt được hỗ trợ kịp thời. Đến nay, mức độ bao phủ của chính sách trợ giúp xã hội đã tăng lên.

Chính sách trợ giúp xã hội: Mức độ bao phủ tăng lên

Theo Cục Bảo trợ xã hội, trong năm 2019, với sự quan tâm chỉ đạo của các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Lãnh đạo Bộ, chính sách trợ giúp xã hội đã có kết quả tốt; công tác cứu trợ dịp Tết kịp thời, góp phần bảo đảm an sinh xã hội. 

Một số địa phương tự cân đối được ngân sách đã chủ động điều chỉnh nâng mức trợ cấp hàng tháng cho các đối tượng cao hơn mức chuẩn chung của cả nước; phát triển các hình thức trợ giúp phong phú, đa dạng theo hướng xã hội hóa; huy động các hoạt động nhân đạo, từ thiện.

Về trợ giúp thường xuyên, đến nay, cả nước đang thực hiện trợ cấp xã hội hàng tháng cho 3.041.731 người, trong đó: 50.929 trẻ em mồ côi, mất nguồn nuôi dưỡng; 1.733.672 người cao tuổi; 1.098.240 người khuyết tật đang hưởng trợ cấp và 158.889 đối tượng khác với tổng kinh phí 17,150 nghìn tỷ đồng. 

Hiện đã có 11 tỉnh, thành phố đã chủ động nâng mức chuẩn trợ cấp xã hội cao hơn mức chuẩn quy định tại Nghị định số 136/2013/NĐ-CP như: Hà Giang (320.000đ), Quảng Ninh (350.000đ), Hà Nội (350.000đ), Đà Nẵng (405.000đ), Bình Dương (340.000đ), Đồng Nai (300.000đ), Hồ Chí Minh (380.000đ), Khánh Hòa (300.000đ), Bà Rịa - Vũng Tàu (320.000đ), Vĩnh Phúc (1/3 mức lương cơ sở theo từng thời kỳ), Quảng Nam (405.000đ).

Công tác chi trả trợ cấp xã hội hàng tháng cho đối tượng bảo trợ xã hội thông qua cơ quan Bưu điện đã được triển khai tại 59 tỉnh, thành phố.

Thực hiện chính sách đối với người cao tuổi, trong năm qua 2019, với chủ đề chung tay vì sức khỏe và hạnh phúc của người cao tuổi, Bộ đã phối hợp các Bộ ngành, hội, đoàn thể và các địa phương đã tích cực chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt các chính sách, chế độ, bảo đảm quyền và phát huy vai trò của người cao tuổi Việt Nam. 

Ngân sách Nhà nước đã bố trí nguồn lực phù hợp, bảo đảm thực hiện chính sách an sinh xã hội, chi trả lương hưu hàng tháng cho hơn 3,1 triệu người; đạt 95% người cao tuổi có thẻ BHYT; trợ cấp xã hội hàng tháng cho hơn 1,7 triệu người cao tuổi…

Về chính sách đối với người khuyết tật, đến nay đã triển khai xác định mức độ khuyết tật và cấp giấy chứng nhận khuyết tật cho gần 3 triệu người khuyết tật. Có trên 1 triệu người khuyết tật đặc biệt nặng, nặng được trợ cấp xã hội hàng tháng và cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí. 

Phối hợp với Bộ GTVT thực hiện miễn, giảm giá vé cho người khuyết tật tham gia giao thông đường bộ trên 41 ngàn lượt, đường sắt trên 8 ngàn lượt; Bộ Tư pháp trợ giúp pháp lý cho 1.265 lượt người khuyết tật có khó khăn về tài chính; Bộ Y tế triển khai khám sàng lọc khuyết tật, xác định nhu cầu cần phục hồi chức năng tại 36 tỉnh/thành phố; Ngân hàng chính sách xã hội triển khai Chương trình tín dụng cho vay giải quyết việc làm cho người khuyết tật và doanh nghiệp nhận lao động là người khuyết tật đến nay số vốn của chương trình là trên 14 ngàn tỷ đồng…

Tầm nhìn xa về công tác trợ giúp xã hội

Thứ trưởng Lê Tấn Dũng đánh giá, nhiều địa phương thực hiện công tác bảo trợ xã hội có nhiều sáng tạo, nhiều địa phương chủ động tăng mức hỗ trợ, trợ cấp cho các đối tượng bảo trợ. Bên cạnh đó có sự đồng hành của các Hội, Hiệp hội về trợ giúp xã hội.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng, một số chính sách đã ban hành còn chậm đi vào cuộc sống, do thiếu sự quan tâm, đầu tư. Tiếp cận các dịch vụ của các đối tượng bảo trợ còn khó khăn, chưa có sự đồng bộ. Còn tình trạng phân biệt đối xử. Dạy nghề việc làm chưa chú trọng đến tính đặc thù của các đối tượng bảo trợ xã hội…

Nhấn mạnh năm nay 2020 là một năm hết sức đặc biệt, có nhiều dấu mốc quan trọng, Thứ trưởng Lê Tấn Dũng cho rằng, Cục Bảo trợ xã hội cần phải có một tầm nhìn xa về công tác trợ giúp xã hội để chuẩn bị cho giai đoạn tiếp theo. 

Trên cơ sở đó, Cục Bảo trợ xã hội cho biết, năm 2020, Cục tiếp tục tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm như ưu tiên hàng đầu cho công tác thể chế, xây dựng văn bản chính sách thành kế hoạch, chương trình, đề án; Rà soát quy hoạch hệ thống cơ sở bảo trợ xã hội; Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về an sinh xã hội, thực hiện phương thức chi trả trợ cấp xã hội qua dịch vụ bưu điện…

Ngoài các lĩnh vực trọng tâm kể trên, cũng sẽ tiếp tục được quan tâm, đẩy mạnh, thì các lĩnh vực khác như: Công tác xã hội; trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, rối nhiễu tâm trí, Chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn dựa vào cộng đồng; Trợ giúp cho người dân di cư tự do từ Campuchia về Việt Nam; triển khai Đề án xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về an sinh xã hội, ứng dụng CNTT vào giải quyết chính sách an sinh xã hội, công tác y tế lao động xã hội, hợp tác quốc tế... cũng được Cục Bảo trợ xã hội đẩy mạnh và "tăng tốc" để tiếp tục đạt được những kết quả quan trọng trong thời gian tới.

Nguồn: baodansinh.vn
Sưu tầm: Ngọc Song