Dán nhãn dữ liệu: Tạo việc làm mới cho người khiếm thị và góp sức đẩy lùi dịch Covid-19

Ngày đăng: 17/04/2020 - 860 lượt đọc

Theo số liệu điều tra quốc gia về người khuyết tật của Tổng cục thống kê từ năm 2016 - 2017 và công bố tháng 1/2019, cả nước có 6,2 triệu người khuyết tật chiếm 7,06% dân số, trong đó có 1,03 triệu người khiếm thị.

Do đặc thù của tật nên hiện nay cũng chưa có nhiều ngành nghề và trang thiết bị hỗ trợ phù hợp cho người mù, vì vậy họ cũng ít cơ hội có việc làm và thường phải làm các công việc có mức thu nhập thấp hoặc không ổn định so với người bình thường.

Hình ảnh buổi gặp mặt Hội người mù Việt Nam ngày 18/12/2019

Theo ghi nhận tại buổi làm việc ngày 18/12/2019, đại diện cho những người khuyết tật thị lực, ông Phạm Viết Thu - Chủ tịch Hội người mù Việt Nam (Hội) cho biết:

“Tính tới thời điểm hiện tại, Việt Nam có khoảng 9.000 người khiếm thị biết sử dụng máy vi tính và điện thoại thông minh, trong đó có 7.000 người biết sử dụng thành thạo. Công nghệ thông tin là phương tiện hết sức hữu hiệu giúp người mù sinh hoạt, học tập, làm việc thuận lợi, nhanh chóng và hiệu quả hơn. Trong đó có thể kể đến như phần mềm hỗ trợ tiếng nói đã trở thành một công cụ hữu ích giúp họ có thể tiếp cận và ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác, học tập và đời sống”.

Ông Phạm Viết Thu - Chủ tịch Hội người mù Việt Nam chia sẻ trong buổi gặp

Trong thời đại 4.0, Hội cũng mong muốn có thêm nhiều công cụ hỗ trợ người mù để họ có cơ hội tiếp cận nhiều hơn với những công nghệ mới, tham gia vào các công việc mới mà công nghệ số tạo ra nhằm phát huy khả năng của mình để đáp ứng nhu cầu bản thân, cải thiện cuộc sống, được hòa nhập tham gia bình đẳng vào các hoạt động kinh tế - xã hội và góp phần xây dựng cộng đồng và xã hội như những người bình thường.

“Ngành CNTT phát triển cũng đã tạo ra nhiều nghề mới trong xã hội, và dán nhãn dữ liệu cũng là một nghề mới được xuất hiện khi công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) đang trở nên phổ biến trong cuộc sống thường ngày. Để dạy cho các hệ thống AI khả năng tự học và đưa ra các suy đoán, các doanh nghiệp làm về AI sẽ cần những dữ liệu đã được con người xử lý, dán nhãn để huấn luyện các hệ thống AI của họ. Công việc dán nhãn dữ liệu sẽ giúp doanh nghiệp trong công đoạn xây dựng dữ liệu mẫu. Đồng thời, dán nhãn bằng âm thanh cũng sẽ là một nghề phù hợp và có thu nhập tốt đối với người khuyết tật thị lực, bởi người mù nghe nhiều hơn nên đa số thính giác của họ tinh nhạy hơn so với người bình thường” - ông Trần Minh, Viện trưởng Viện Công nghiệp phần mềm và nội dung số Việt Nam cũng chia sẻ thêm.

Bà Đinh Việt Anh, Phó Chủ tịch Hội người mù Việt Nam đang sử dụng máy tính để giới thiệu về Hội

Thực hiện Quyết định số 2309/QĐ-BTTTT ngày 30 tháng 12 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ thông tin và truyền thông, Viện Công nghiệp phần mềm và nội dung số Việt Nam đã phối hợp với Hội người mù Việt Nam và các doanh nghiệp công nghệ InfoRe Technology, HMD Technology cùng các chuyên gia nghiên cứu trong nước và quốc tế đã tiến hành xây dựng công cụ phần mềm hỗ trợ người khiếm thị kiếm sống bằng công nghệ dán nhãn thông tin với mục tiêu giúp người khiếm thị được tiếp cận nhiều hơn với những công nghệ mới, tham gia vào các công việc mới mà công nghệ số tạo ra nhằm hỗ trợ người khuyết tật phát huy khả năng của mình để đáp ứng nhu cầu bản thân, cải thiện cuộc sống, hòa nhập và tham gia bình đẳng vào các hoạt động kinh tế - xã hội như những người bình thường.

Để tiếp cận với nghề mới này, người khiếm thị sẽ được đào tạo qua kho dữ liệu mẫu, được huấn luyện và có các bài kiểm tra để đánh giá năng lực. Sau khi đạt tiêu chuẩn để tham gia công việc dán nhãn dữ liệu bằng âm thanh, người khiếm thị sẽ đăng nhập vào hệ thống phần mềm và tham gia vào công việc dán nhãn bằng cách chọn cho mình một hoặc nhiều công việc trên bảng danh sách công việc. Hệ thống tự động của phần mềm sẽ căn cứ vào thời gian làm việc, tần suất làm việc, lượng dữ liệu được dán nhãn và lượng dữ liệu được dán nhãn đúng để đưa ra đánh giá khả năng của người thực hiện, từ đó lấy căn cứ để trả lương.

Bà Đỗ Thị Chiến, Giáo viên Trung tâm đào tạo cán bộ Phục hồi chức năng cho người mù đang thực hiện các thao tác trong dán nhãn dữ liệu

Dựa trên ứng dụng ResApp Health của Úc - một ứng dụng điện thoại sử dụng tiếng thở để phát hiện bệnh liên quan đến đường hô hấp và dự án Breathe For Science của trường đại học New York - thu thập các tiếng thở để nghiên cứu mối liên kết giữa tiếng thở và các bệnh đường hô hấp, nhóm nghiên cứu tiếp tục hợp tác cùng các chuyên gia y tế nghiên cứu để xây dựng một mô hình thử nghiệm giúp chẩn đoán bệnh đường thở thông qua tiếng thở của mọi người dựa trên hệ thống dán nhãn dữ liệu sẵn có. Vì vậy, sự tham gia của người khiếm thị, với thính giác tinh nhạy của họ, có thể trở nên quý giá vào thời điểm này để góp sức cùng các chuyên gia y tế và công nghệ nghiên cứu thử nghiệm mô hình chẩn đoán, sàng lọc, phân loại bệnh đường hô hấp, đặc biệt khi chúng ta không có đủ các bộ test cho tất cả mọi người. Kết hợp với công nghệ trí tuệ nhân tạo, dự án thử nghiệm sẽ phân loại ban đầu những người có dấu hiệu về bệnh đường thở dựa trên việc phân tích tiếng hơi thở của họ, hỗ trợ công tác phòng chống dịch COVID-19.Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 bùng phát trên phạm vi toàn cầu, lan rộng tới trên 200 quốc gia, vùng lãnh thổ và chưa có dấu hiệu dừng lại, thời điểm này chính là một thách thức rất lớn cho những người khuyết tật nói chung và người mù nói riêng, bởi họ là những người dễ bị tổn thương về mọi mặt nhưng đồng thời cũng là cơ hội để họ phát huy khả năng của mình thông qua ứng dụng Công nghệ thông tin.

Theo bà Đinh Việt Anh - Phó chủ tịch Hội người mù Việt Nam thì “đây là một dự án mang ý nghĩa xã hội và nhân văn sâu sắc, giúp người khiếm thị phát huy khả năng, vươn lên tham gia bình đẳng vào đời sống kinh tế - xã hội, đồng thời, đóng góp vào những hoạt động ý nghĩa vì lợi ích chung của cộng đồng. Bên cạnh sự nỗ lực của Nhà nước và của cá nhân người khiếm thị, dự án rất cần nhận được sự chung tay của cả cộng đồng xã hội, các tổ chức và doanh nghiệp”.

Mặc dù Nhà nước đã có nhiều chính sách chăm lo, giúp đỡ người khuyết tật nói chung và người khiếm thị nói riêng, nhưng người khiếm thị vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống, đặc biệt là những cơ hội tìm kiếm việc làm phù hợp để thể hiện khả năng, nghị lực của mình, tự nuôi sống bản thân và đóng góp một phần xây dựng đất nước. Vì vậy, dự án luôn cần sự chung tay của cộng đồng, của các tổ chức có dữ liệu về âm thanh, các doanh nghiệp làm về trí tuệ nhân tạo, các nhà tài trợ, …, đặc biệt là từ những đơn hàng dán nhãn dữ liệu âm thanh của các công ty công nghệ hàng đầu ở trong nước và quốc tế để giúp người khiếm thị có việc làm ổn định, an toàn và ít ảnh hưởng tới sức khỏe.

Nhân dịp kỷ niệm 51 năm ngày thành lập Hội người mù Việt Nam (17/4/1969 - 17/4/2020), chúng ta hãy cùng nhau góp phần làm thay đổi cách nhìn, cách nghĩ của cộng đồng đối với người mù nói riêng và người khuyết tật nói chung và cùng chia sẻ để lan tỏa thông điệp đẩy lùi COVD-19 bằng hành động “gửi dữ liệu hơi thở của mình và người thân” thông qua hướng dẫn tại đường link: inlab.nisci.gov.vn/upload hoặc gửi thông tin về địa chỉ email: [email protected] để được hướng dẫn chi tiết.

Nguồn: vietnamnet.vn

Sưu tầm: Ngọc Song