Điểm tựa cho bệnh nhân nghèo

Ngày đăng: 12/05/2020 - 798 lượt đọc

Cũng như nhiều địa phương khác, Hội người khuyết tật, Bảo trợ trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo thị xã Bình Minh (Vĩnh Long) có nhiệm vụ chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho các đối tượng đúng như tên gọi của Hội.Riêng trong nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân, hơn 20 năm qua, Hội còn tổ chức và duy trì được bếp ăn từ thiện tại Bệnh viện Đa khoa Bình Minh. Nghĩa cử nhỏ bé nhưng rất cao đẹp này đã làm ấm lòng nhiều bệnh nhân nghèo.

Bếp ăn từ thiện được duy trì và hoạt động ngày càng hiệu quả đến ngày hôm nay có công rất lớn của bà Đỗ Thị Ngon – một nữ cựu chiến binh, một bác sĩ quân y, nhiều người còn quen gọi với cái tên thân mật, trìu mến là cô Tư Ngon (nguyên Chủ tịch Hội người khuyết tật, Bảo trợ trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long). Theo chia sẻ của cô Tư Ngon, lúc mới thành lập bếp ăn gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là kinh phí hoạt động. Ngoài số tiền tự bỏ ra của các hội viên, Ban chấp hành hội còn phân công nhau đi vận động từng cơ quan, doanh nghiệp, mạnh thường quân trong và ngoài tỉnh để quên góp, ủng hộ cho bếp ăn. Sau nhiều nỗ lực, tích cực của từng hội viên, mỗi ngày danh sách những người đóng góp, ủng hộ ngày càng dày lên. Ngoài tiền mặt, nhiều người còn ủng hộ gia vị như: nước tương, hạt nêm, bột ngọt, muối, rau xanh, củ, quả, gạo…

Các hội viên bếp ăn tình nguyện đang chuẩn bị những suất ăn miễn phí.

 

Từ 14 tổ lúc mới thành lập, đến nay bếp ăn đã có 28 tổ với hơn 100 hội viên luân phiên mỗi tuần để trực và nấu ăn 3 buổi sáng, trưa, chiều. Bắt đầu từ 5 giờ sáng, bếp ăn phục vụ nước sôi và cháo. Đến 9 giờ và 15 giờ thì phục cơm, rau, canh… Tuy chỉ là đồ ăn chay, nhưng bình quân mỗi ngày nơi đây phục vụ miễn phí hơn 500 phần cơm, cháo và khoảng 500 lít nước sôi; ngoài ra trong bữa ăn sáng và chiều còn phục vụ thêm nước uống như đá chanh, nước sâm, nước đậu. Ông Nguyễn Ngọc Lành, Trưởng ban điều hành bếp ăn, chia sẻ: “Chúng tôi có xây dựng quy chế hoạt động cụ thể, rõ ràng cho từng bộ phận. Trong mỗi bữa ăn, chúng tôi thường phân công các hội viên đi đến giường bệnh, trước để thăm hỏi, sau là nắm tình hình nhằm rút kinh nghiệm chế biến những bữa ăn sau được ngon hơn. Các hội viên tham gia phục vụ gồm nhiều lứa tuổi, nghề nghiệp khác nhau. Đặc biệt có người trước đây đã từng nằm bệnh, hoặc nuôi người thân bệnh nay quay lại làm công tác từ thiện với bếp ăn. Tất cả đều muốn góp sức, cùng chung một tấm lòng vì bệnh nhân nghèo”.

Nuôi chồng điều trị tại bệnh viện gần một tuần nay, bà Mai Thiên Tích, 66 tuổi, xã Đông Bình, (Bình Minh, Vĩnh Long), tâm sự: “Nhà tôi hoàn cảnh khó khăn, nếu tính chi phí cho 3 bữa ăn mỗi ngày của hai vợ chồng cũng phải hết hơn 100 ngàn đồng. Nhờ những phần ăn từ thiện ngon miệng này mà chúng tôi tiết kiệm được rất nhiều chi phí”.

Bếp ăn từ thiện không phân biệt đối tượng. Tất cả khi đến nhận phần ăn, nhiều hay ít đều do người nhận đề nghị theo số lượng thì bộ phận phục vụ bếp ăn sẽ cấp phát hết phần theo yêu cầu. Ông Nguyễn Thanh Sang, hơn 5 năm qua đều đến bếp ăn từ thiện, tâm sự: “Năm nay tôi gần 70 tuổi, không nhà, không người thân, hằng ngày phải đi bán vé số dạo để lay lắt qua ngày. Do sức khỏe yếu, không đi lại được nhiều nên mỗi ngày tôi chỉ bán được hơn 50 tờ vé số không đủ tiền ăn cơm. Nhờ những bữa cơm từ thiện mà tôi rất an lòng”.

Không chỉ dừng lại ở những bữa cơm cho người nghèo, thời gian qua, Ban điều hành bếp ăn còn phối hợp với các khoa của bệnh viện hỗ trợ viện phí, chuyển bệnh với những bệnh nhân đặc biệt khó khăn; thành lập một trại hòm miễn phí để cung cấp hòm, đồ tẩm liệm cho những hộ nghèo khi có người thân qua đời; mua thẻ y tế, cất nhà tình thương cho thành viên tổ phục vụ gặp khó khăn về nhà ở; tham gia đóng góp quỹ vì người nghèo của thị xã… Cũng nhờ người làm công tác từ thiện tận tâm, minh bạch đã giúp cho uy tín của bếp ăn được nâng cao, các nhà hảo tâm, mạnh thường quân đóng góp cho bếp ăn ngày càng nhiều. Đặc biệt, đầu năm 2018, bếp ăn đã mua 1 xe cứu thương hơn 700 triệu đồng để giúp người bệnh và gia đình họ tiết giảm chi phí.

Bác sĩ Chuyên khoa 1 Lê Thị Cẩm Hồng, Giám đốc Trung tâm Y tế thị xã Bình Minh (Vĩnh Long), cho biết: “Các cô chú ở bếp ăn rất tuân thủ nguyên tắc về an toàn vệ sinh thực phẩm. Đồ ăn luôn mới, đảm bảo vệ sinh và chất lượng dinh dưỡng. Nhìn những suất cơm luôn hết phần, điều đó đã động viên, khích lệ tinh thần rất lớn với chúng tôi. Tuy giá trị vật chất của mỗi suất ăn không cao, nhưng đây là những hoạt động thấm đậm nghĩa tình, mang tính nhân văn sâu sắc, giúp bà con giảm bớt gánh nặng chi phí trong thời gian điều trị bệnh”.

Nguồn: qdnd.vn

Sưu tầm: Ngọc Song