Lễ Kỉ niệm 25 năm xây dựng và phát triển Trung tâm và Hội nghị Sơ kết 3 năm thực hiện Sáng kiến “Cây gậy trắng cho Người mù Việt Nam”

Ngày đăng: 16/11/2022 - 2517 lượt đọc

Ngày 15-11-2022, tại Hội trường tầng 3 Trung tâm Đào tạo Cán bộ Phục hồi chức năng cho Người mù diễn ra Lễ Kỷ niệm 25 năm xây dựng và phát triển Trung tâm và Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện sáng kiến “Cây gậy trắng cho người mù việt Nam”. Đây là hai sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với Hệ thống Hội Người mù trong cả nước nói chung và đối với tập thể cán bộ, giáo viên và công nhân viên và các thế hệ học viên của Trung tâm nói riêng.

 

Văn nghệ chào mừng Lễ Kỉ niệm 25 năm xây dựng và phát triển Trung tâm

Tham dự lễ kỉ niệm, về phía các bộ ban ngành có ông Bùi Sỹ Tuấn, Phó Chánh Văn phòng Bộ Lao động, Thương bình và Xã hội, bà Đinh Thị Thụy, Phó Chánh Văn phòng Ủy ban Quốc gia về Người khuyết tật Việt Nam, bà Lê Thị Tường Thu, Chủ tịch Công đoàn Bộ Kế hoạch và Đầu tư, PGS.TS Nguyễn Đức Minh, Phó Trưởng ban Chỉ đạo trẻ khuyết tật và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn - Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Về phía các trường đại học, cao đẳng có các đại diện đến từ trường Đại học sư phạm Hà Nội – Khoa Giáo dục đặc biệt, Học viện Phụ nữ Việt Nam, Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam, Cao đẳng Y Dược Thăng Long. 
Về phía khách quốc tế, có Đại sứ quán Nhật Bản, Đại sứ quán Australia, Tổ chức JICA Nhật Bản, tổ chức Abilis, Trung tâm Phát triển cộng đồng Minh Việt, Tổ chức MAIS – Italy, Hiệp hội Trị liệu bằng tay Việt Pháp, Công ty Nippon Telesoft.
Về phía tổ chức Hội, có Hội Người mù Việt Nam và lãnh đạo các Hội Người mù địa phương, Trung tâm vì người mù Sao Mai, Trung tâm Nhật Hồng, Trường THCS Nguyễn Đình Chiểu Hà Nội, Mái ấm Thiên Ân, Hội Bảo trợ Người tàn tật và Trẻ em mồ côi Việt Nam, Tổ chức LDSC, các đồng chí nguyên Lãnh đạo Hội Người mù Việt Nam và Trung tâm, tập thể cán bộ, giáo viên, công nhân viên Trung tâm, học viên khóa 88, 89 và cựu học viên các khóa cũng có mặt đông đủ.
Đưa tin về buổi lễ có phóng viên Đài VOV, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Truyền hình Quốc hội, Tạp chí Đời mới …
Đầu năm 1994, Trung tâm Đào tạo Cán bộ Phục hồi chức năng cho Người mù chính thức được thành lập với nhiệm vụ chính là đào tạo, và hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực là người mù cho các tỉnh, thành hội trong cả nước. Sau 3 năm xây dựng trên khuôn viên rộng hơn 2000 m2 tại phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội với sự giúp đỡ của Hội Người mù và kém mắt Na Uy, đến tháng 11 năm 1997, Trung tâm chính thức đi vào hoạt động. 
Giai đoạn đầu mới đi vào hoạt động, Trung tâm đối diện với vô vàn những khó khăn, thử thách: phương tiện, trang thiết bị, giáo trình, tài liệu còn nhiều thiếu thốn, đội ngũ cán bộ, giáo viên chưa đủ mạnh… Tuy nhiên với phương châm vừa làm vừa rút kinh nghiệm, tất cả vì mục tiêu đem lại kiến thức, kĩ năng giúp người mù Việt Nam vươn lên hòa nhập cộng đồng. Các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, giáo viên và công nhân viên Trung tâm đã không ngừng nỗ lực phấn đấu quyết tâm xây dựng Trung tâm thành cơ sở đào tạo nguồn nhân lực uy tín chất lượng của người mù Việt Nam.
Trải qua 25 năm hoạt động, Trung tâm không ngừng đổi mới hoạt động, mở rộng quy mô, loại hình đào tạo và nâng cao chất lượng các khóa đào tạo. Đến nay, Trung tâm đã tổ chức 89 khóa học cho gần 8000 học viên với 23 loại hình lớp khác nhau như: Bồi dưỡng Nghiệp vụ Quản lý Hội, đào tạo giáo viên, kĩ thuật viên xoa bóp, bấm huyệt; nhân viên, giáo viên Tin học văn phòng, nhân viên Công tác xã hội, Âm nhạc, Thủ công mỹ nghệ,… Bên cạnh đó, Trung tâm cũng thường xuyên tổ chức cho học viên tham gia  các hoạt động ngoại khóa như văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, các chuyến đi trải nghiệm thực tế, sinh hoạt Câu lạc bộ Pháp lý để mở rộng tầm hiểu biết, tạo không khí thi đua sôi nổi trong học tập, đồng thời, giáo dục, khơi dậy tinh thần tương thân tương ái, sự cảm thông, chia sẻ trong anh chị em học viên.
Song song với các hoạt động đào tạo, tập huấn, nhằm đáp ứng tốt yêu cầu đào tạo trong giai đoạn mới, Trung tâm không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ, giáo viên, công nhân viên ở tất cả các vị trí công tác thông qua các khóa đào tạo, tập huấn trong và ngoài nước. Đến nay, 100% đội ngũ giáo viên có trình độ Đại học, hơn 30% có trình độ sau Đại học, 100% đều có nghiệp vụ sư phạm giáo dục phổ thông, sư phạm nghề ở trình độ cao đẳng, các vị trí lãnh đạo, quản lý đều có chứng chỉ Quản lý Nhà nước đối với cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

PGS.TS Nguyễn Đức Minh, Phó Trưởng ban Chỉ đạo trẻ khuyết tật và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn - Bộ Giáo dục và Đào tạo phát biểu tại lễ kỉ niệm

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, PGS.TS Nguyễn Đức Minh, Phó Trưởng ban Chỉ đạo trẻ khuyết tật và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn - Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định: Từ nhiều năm qua, trong tất cả các hoạt động liên quan đến công tác giáo dục đào tạo cho người mù trong toàn quốc do Bộ Giáo dục và Đào tạo và Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam tổ chức đều có sự tham gia và phối hợp đóng góp rất tích cực từ Hội Người mù Việt Nam và Trung tâm Đào tạo Cán bộ Phục hồi chức năng cho Người mù. Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cũng đã phối hợp với Trung tâm và Hội Người mù Việt Nam tổ chức nhiều hội thảo, khóa đào tạo tập huấn như: hội thảo thẩm định sách giáo khoa, tập huấn chuyển đổi sách giáo khoa…cho đội ngũ cán bộ, giáo viên dạy tại Trung tâm của các hội người mù địa phương, trong đó có các khóa tập huấn kéo dài hàng tháng với sự tham gia giảng dạy của các chuyên gia nước ngoài. Đặc biệt năm 2019, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cùng với Trung tâm và Hội Người mù Việt Nam đã tổ chức các cuộc khảo sát, đóng góp ý kiến và đi đến thống nhất chuẩn quốc gia về Hệ thống kí hiệu chữ Braille trong toàn quốc và tiến hành tổ chức các đợt tập huấn về Hệ thống kí hiệu chữ Braille và Bộ quy tắc sử dụng hệ thống kí hiệu chữ Braille cho một số tỉnh hội trong cả nước. Đây là cột mốc quan trọng để tiến hành in được các quyển sách giáo khoa đầu tiên phục vụ cho việc học tập của học sinh khiếm thị trong toàn quốc.   
Nhân kỉ niệm 25 năm thành lập Trung tâm, ông chân thành cảm ơn vì sự hợp tác hiệu quả của Trung tâm trong công tác giáo dục đào tạo cho người khiếm thị trong nhiều năm qua và mong rằng trong những năm tiếp theo, Hội Người mù Việt Nam và Trung tâm sẽ tiếp tục tham gia và đóng góp ý kiến nhiều hơn nữa cho ngành Giáo dục và Đào tạo cũng như giúp cho cán bộ nghiên cứu của Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam thực hiện được chức năng nhiệm vụ mà Nhà nước giao phó, nhằm đảm bảo một nền giáo dục công bằng, chất lượng cho tất cả mọi người, trong đó có người khiếm thị Việt Nam.

Đại diện học viên các khóa, cựu học viên Lê Thị Luật, lớp Đào tạo Cán bộ khóa 69 đến từ Hội Người mù Tỉnh Thái Nguyên phát biểu cảm tưởng 

Đại diện các thế hệ học viên đã từng tham gia học tập tại Trung tâm, cựu học viên Lê Thị Luật, lớp Đào tạo Cán bộ khóa 69 đến từ Hội Người mù Tỉnh Thái Nguyên đã phát biểu đầy xúc động: Thật may mắn khi được học tập tại Trung tâm, chúng em nhận ra rằng không có gì là không thể. Mình cũng có thể làm được hầu hết mọi việc như người sáng nếu mình được học. Cũng từ đây, người mù chúng em không còn cảm thấy thiệt thòi vì khuyết tật của mình nữa, mà nhìn nhận nó như một khó khăn và có thêm động lực để phấn đấu vượt qua. Có được sự thay đổi từ tư duy nhận thức đến hành động của lớp lớp người mù như vậy chính là nhờ có sự hình thành và phát triển của Trung tâm trong suốt 25 năm qua. Và đặc biệt là những cống hiến không mệt mỏi của các thầy cô nơi đây. Các thầy cô không chỉ đơn thuần là những giáo viên dạy chữ, dạy nghề mà hơn thế, thầy cô còn như những người anh, người chị trong gia đình. Thầy cô như những vị bác sĩ, như những nhà trị liệu tâm lý đã giúp chúng em lành lặn cả về tri thức và tâm hồn. Vì vậy, dù lần đầu tiên học ở Trung tâm cách đây đã 17 năm như em hay những học viên người mù vừa mới rời khỏi Trung tâm. Dù cuộc sống còn nhiều lo toan vất vả, nhưng những học viên chúng em luôn hướng về thầy cô nơi đây với sự ngưỡng mộ, lòng kính trọng và đầy biết ơn. Nhân ngày Hiến chương các Nhà giáo Việt Nam 20-11, chúng em, những học viên khóa 69 xin thay mặt cho toàn thể học viên, những người đã và đang học tập tại Trung tâm, xin được gửi tới các thầy cô lòng biết ơn sâu sắc và xin kính chúc các thầy cô, cán bộ công nhân viên Trung tâm có thật nhiều sức khỏe, gia đình hạnh phúc để có thể dành trọn tâm huyết cho việc truyền dạy nghề, góp phần đắc lực vào sự phát triển sự nghiệp đào tạo nghề cho người mù Việt Nam của Trung tâm.

 Ông Phạm Viết Thu, Chủ tịch Hội Người mù Việt Nam, phát biểu chỉ đạo buổi lễ

Thay mặt Hội Người mù Việt Nam, ông Phạm Viết Thu, Chủ tịch Hội Người mù Việt Nam nhấn mạnh: Năm 1997, Trung tâm Đào tạo Cán bộ Phục hồi chức năng cho Người mù đi vào hoạt động, là dấu mốc quan trọng đánh dấu bước ngoặt lịch sử cho sự nghiệp đào tạo đội ngũ cán bộ cho các cấp hội của Hội Người mù Việt Nam. Trung tâm ra đời là sự kết nối kì diệu, làm thay đổi cách nghĩ cách nhìn của cộng đồng xã hội đối với người mù. 
Trong chặng đường 25 năm qua, Trung tâm đã hoạt động trong điều kiện tình hình thế giới, đất nước có rất nhiều đổi thay, có nhiều thuận lợi nhưng cũng đan xen không ít khó khăn, đặc biệt là trong 2 năm đại dịch Covid – 19 vừa qua, gây thiệt hại to lớn về người và của cho nhân loại trên toàn thế giới, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt hoạt động của đời sống xã hội nói chung, các hoạt động của Hội cũng như của Trung tâm nói riêng. Tuy nhiên, phát huy truyền thống tương thân tương ái, thực hiện tốt lời dạy của Bác “Tàn nhưng không phế” và kế thừa những thành quả, kinh nghiệm trong suốt chặng đường 25 năm xây dựng và trưởng thành của các thế hệ cán bộ, giáo viên, công nhân viên đi trước, Trung tâm đã luôn đoàn kết đồng lòng, nỗ lực phấn đấu vượt qua mọi thử thách, tổ chức các hoạt động gắn với các nhiệm vụ chính trị, các phong trào thi đua, các cuộc vận động của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, nhiệm vụ của Trung ương Hội đề ra và đạt được những kết quả rất đáng trân trọng. 
Ông đề nghị, trong thời gian tới, Trung tâm tiếp tục phát huy và giữ vững những thành tích đạt được, đoàn kết, đồng lòng chung tay hơn nữa, năng động sáng tạo, đổi mới nội dung hoạt động, nâng cao chất lượng chuyên môn để thực hiện tốt nhiệm vụ đào tạo cán bộ hội, giáo dục dạy nghề, trở thành Trung tâm đầu mối kết nối các trung tâm khác, tạo ra sự lan tỏa lớn trong cộng đồng xã hội, đáp ứng yêu cầu cùng với sự phát triển của Hội.

Thay mặt Trung tâm, ông Phạm Xuân Trường, Giám đốc Trung tâm, phát biểu cảm ơn

Thay mặt Trung tâm, ông Phạm Xuân Trường, Giám đốc Trung tâm, trân trọng cảm ơn và tiếp thu ý kiến chỉ đạo của đại diện các bộ ban ngành Trung ương, của lãnh đạo Hội người mù Việt Nam. Ông cũng cảm ơn sự có mặt của tất cả các quý vị đại biểu khách quý, các tổ chức cá nhân trong và ngoài nước cùng toàn thể anh chị em học viên các khóa trong lễ kỉ niệm 25 năm thành lập Trung tâm này. Ông mong muốn trong thời gian tới, ở những chặng đường tiếp theo, Trung tâm xin được tiếp tục đón nhận sự quan tâm chỉ đạo của các đồng chí lãnh đạo Hội, sự quan tâm tạo điều kiện của các bộ ban ngành, sự đồng hành, phối hợp, sẻ chia của tất cả các tỉnh thành hội người mù trong cả nước, của tất cả các tổ chức cá nhân trong và ngoài nước để Trung tâm có thể hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cho Hội, cho cộng đồng.

Ông Bùi Sỹ Tuấn, Phó Chánh Văn phòng Bộ Lao động, Thương bình và Xã hội và ông Phạm Viết Thu, Chủ tịch Hội Người mù Việt Nam trao tặng bằng khen của Bộ Trưởng Bộ Lao động, Thương bình và Xã hội cho tập thể cán bộ, giáo viên, công nhân viên Trung tâm và 2 đồng chí giáo viên thuộc các tổ chuyên môn của Trung tâm

Ông Phạm Viết Thu, Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch Hội Người mù Việt Nam, trao tặng Bằng khen của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho 4 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong công tác xây dựng bảo vệ, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

Nhân dịp này, Bộ Trưởng Bộ Lao động, Thương bình và Xã hội đã trao tặng bằng khen cho tập thể cán bộ, giáo viên, công nhân viên Trung tâm và 2 đồng chí giáo viên thuộc các tổ chuyên môn của Trung tâm. 4 cá nhân được nhận bằng khen của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác xây dựng bảo vệ, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Ngoài ra, Hội Người mù Việt Nam đã tặng Kỷ niệm chương “Vì hạnh phúc người mù” cho 20 tập thể, cá nhân vì đã có những đóng góp sẻ chia thiết thực đối với các hoạt động của Trung tâm, của Hội trong thời gian qua và tặng Bằng khen cho 10 cá nhân của Trung tâm vì đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ công tác giai đoạn (2017-2022)

Ông Phạm Viết Thu, Chủ tịch Hội Người mù Việt Nam và ông Phạm Xuân Trường, Giám đốc Trung tâm trao tặng Kỷ niệm chương “Vì hạnh phúc người mù” cho 20 tập thể, cá nhânđã có những đóng góp sẻ chia thiết thực đối với các hoạt động của Trung tâm, của Hội trong thời gian qua

Ông Đinh Thanh Tùng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Người mù Việt Nam và bà Đinh Việt Anh, Phó Chủ tịch Hội  Người mù Việt Nam trao tặng Bằng khen cho 10 cá nhân của Trung tâm vì đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ công tác giai đoạn (2017-2022)


Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Sáng kiến “Cây gậy trắng cho người mù Việt Nam”

Tại Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện sáng kiến “Cây gậy trắng cho người mù Việt Nam”, bà Đinh Việt Anh, Phó Chủ tịch Hội Người mù Việt Nam cho biết: Sau 3 năm triển khai chương trình, đến nay, đã có hàng chục nghìn cây gậy trắng đến với người mù Việt Nam trong cả nước. Với sự giúp đỡ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam, tổ chức MAIS Italia, Trung tâm Đào tạo cán bộ Phục hồi chức năng cho Người mù thuộc TW Hội đã tổ chức 8 khoá tập huấn định hướng không gian và đi lại tại ba khu vực Bắc, Trung, Nam cho gần 400 cán bộ, hội viên nòng cốt của các Tỉnh, Thành Hội.

Đinh Việt Anh, Phó Chủ tịch Hội  Người mù Việt Nam, phát biểu tại Hội nghị sơ kết

Nhận được gậy trắng, người mù còn được tập huấn phương pháp sử dụng gậy, giúp đi lại an toàn, đẹp mắt. Cây gậy trắng đã giúp người mù bảo đảm an toàn trong đi lại, mạnh dạn, tự tin hơn để hòa nhập vào đời sống xã hội…
Việc lan tỏa và tiếp tục Hành trình cây gậy trắng cho người mù Việt Nam là thông điệp thể hiện sự quan tâm, đồng hành của Bộ Kế hoạch và Đầu tư nói riêng và của xã hội nói chung với những người khiếm thị, để không ai bị bỏ lại phía sau. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, Chương trình này vẫn còn gặp phải một số khó khăn trong việc tìm kiếm nhà cung cấp gậy trắng đạt chuẩn, phù hợp người khiếm thị Việt Nam và có giá cả phải chăng.
Tại các tỉnh chưa có hội, hay những khu vực miền núi, vùng sâu vùng xa, việc rà soát, tổng hợp nhu cầu để trao gậy cũng như tìm hiểu thông tin, hướng dẫn, tập huấn còn gặp nhiều khó khăn. 
Bà Đinh Việt Anh cũng mong muốn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban Quốc gia về Người khuyết tật Việt Nam, chính quyền địa phương, các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tiếp tục quan tâm hỗ trợ chương trình chi phí mua gậy trắng, vận chuyển gậy, chi phí tổ chức các lớp tập huấn tại các địa phương.


Bà Lê Thị Tường Thu, Chủ tịch Công đoàn Bộ Kế hoạch và Đầu tư trao 300 cây gậy trắng cho Hội Người mù Việt Nam

Cũng tại Hội nghị, đại diện lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trao Hội Người mù Việt Nam 300 cây gậy trắng để tặng người mù các tỉnh, thành hội trong cả nước.

 

Phạm Mai

 

 

 

 


Bình luận

Viết bình luận