Nghị lực thép của một cựu binh khiếm thị

Ngày đăng: 23/09/2020 - 928 lượt đọc

Trở về sau chiến tranh, mang trên mình nhiều thương tật, trong đó đôi mắt bị mù vĩnh viễn nhưng ông Đặng Văn Thi vẫn luôn lạc quan, yêu đời và miệt mài với công tác xã hội bằng tất cả tấm lòng, nghị lực của anh Bộ đội Cụ Hồ “thương binh tàn nhưng không phế”.

Ông Đặng Văn Thi (trái) đang bàn công việc với Chủ tịch Hội CCB huyện Tuy An. Ảnh: KHÔI NGUYÊN

Theo giới thiệu của Hội Cựu chiến binh (CCB) huyện Tuy An, chúng tôi tìm đến nhà CCB Đặng Văn Thi, thương binh hạng 1/4 ở thôn Diêm Điền, xã An Ninh Tây. Ở tuổi 68, ông Thi vẫn giữ được phong thái khỏe khoắn, nhanh nhẹn, vui vẻ và gần gũi…

Chính trị viên ở tuổi 19

 

Sinh ra và lớn lên ở xã An Dân; từng chứng kiến cảnh nhà cửa, xóm làng bị đốt phá, nhiều cán bộ cách mạng bị địch bắt giết dã man, năm 16 tuổi, vừa học xong lớp nhất (tương đương lớp 5 hiện nay), cậu thiếu niên Đặng Văn Thi tự nguyện tham gia vào đội du kích B ở xã An Ninh và sau đó được bầu làm đội trưởng phụ trách địa bàn An Ninh Tây. Năm 1967, địch triển khai kế hoạch dồn dân, lập ấp chiến lược ra Sông Cầu nên An Ninh Tây là “vùng trắng”. Đặng Văn Thi nhận nhiệm vụ chuyển ra hoạt động tại Gành Đỏ (nay thuộc xã Xuân Thọ 2, TX Sông Cầu). Ông cùng đội du kích B có nhiệm vụ xây dựng phong trào cách mạng trong lòng địch như: bí mật đánh lựu đạn vào mục tiêu gây hoang mang trong lòng địch; rải truyền đơn, dán khẩu hiệu, tuyên truyền vận động mọi người tham gia hoạt động cách mạng… Một thời gian sau thì hoạt động này bị lộ, ông cùng nhiều đồng đội Nguyễn Thành Dân, Nguyễn Ngọc Thanh, Tôn Phi Sơn… bị địch bắt giam ở Ty Cảnh sát Sông Cầu. Qua một ngày một đêm bị tra tấn, xét hỏi nhưng ông cùng đồng đội quyết hy sinh chứ không khai nửa lời. Được gia đình bảo lãnh nên địch thả ông về. Ngày 18/12/1969 ông chính thức thoát ly theo cách mạng, nhập ngũ vào Đại đội D.K7 (sau này là Đại đội 379) thuộc Huyện đội Tuy An.

Đã gần nửa thế kỷ trôi qua nhưng ông Thi vẫn nhớ như in trận tập kích đánh tiêu diệt Đại đội bảo an 735 của địch tại thôn Tiên Châu vào năm 1971. Ông kể: Sau khi nhận lệnh cấp trên, tôi (tiểu đội trưởng Trinh sát) trực tiếp chỉ huy trận đánh cùng với 5 đồng chí Xuồng, Bình, Hải, Minh và Mỹ y tá. Trước khi lên đường, chúng tôi làm lễ tuyên thệ tại nhà bà Ngài ở xóm Chợ Cầu (thôn Phú Hội), rồi hành quân băng qua cánh đồng sang thôn Diêm Điền, lội sông đến thôn Tiên Châu. Khi cách ban chỉ huy của địch khoảng 5-7m, tôi phát hỏa bằng thủ pháo bay MKG, sau đó dùng lựu đạn, thủ pháo đánh phủ đầu địch trong khoảng 7 phút. Quân địch bị tấn công bất ngờ nên tháo chạy tán loạn, 22 tên bị thương, trong đó có một chuẩn úy, một thiếu úy. Ta thu được ba súng (M60, M79 và M16).

Tháng 7/1971, ông Thi được cấp trên điều động, bổ nhiệm Chính trị viên Đại đội 205 đặc công của huyện Tuy An. Nói về trận tập kích đánh địch cầu Ngân Sơn mở đầu cho chiến dịch hè năm 1972 thắng lợi, ông Thi kể: “Tôi nhận lệnh của Ban Chỉ huy Huyện đội Tuy An trực tiếp chỉ huy Đại đội 205 đặc công đánh tập kích tiêu diệt Đại đội 1, Tiểu đoàn 236 bảo an của địch chốt giữ nam cầu Ngân Sơn. Lực lượng ta có 19 đồng chí phụ trách nhiều mũi tấn công”. Đúng 18 giờ 30, mũi chủ yếu hành quân đi trước đội hình, đến 19 giờ 30 vượt qua quốc lộ 1 đến đoạn dốc Nhà thương. Mũi thứ hai đến 19 giờ 30 mới xuất phát. Đúng 22 giờ 30 mũi thứ yếu cũng vào đến hàng rào thứ nhất. Đến 23 giờ 30 đội hình đã vào đến hàng rào thứ 3 của địch để đặt mìn, kiểm tra hướng mở, quay trở ra đưa toàn bộ đội hình vào vị trí triển khai, sẵn sàng chờ lệnh nổ súng. Đúng 24 giờ ở hướng Xuân Phước (Đồng Xuân) - trọng điểm của chiến dịch - nổ súng. Địch bị tấn công bất ngờ. Chúng huy động toàn bộ lực lượng ra chiếm lĩnh các đoạn đường giao thông hào, chiến hào bắn súng vu vơ. Lúc này, các mũi, các hướng của ta lui ra hàng rào thứ nhất ém quân, củng cố đội hình, giữ vững yếu tố bí mật bất ngờ chờ nổ súng. Đúng 0 giờ 30, ở mũi chủ yếu, Đại đội trưởng Thanh ra lệnh bấm mìn và phát hỏa B41 diệt lô cốt 2. Các chiến sĩ đồng loạt xung phong, dùng thủ pháo, lựu đạn đánh chiếm bờ ta-luy, các đoạn giao thông hào, chiến hào; các mũi tiếp tục tiến công đánh chiếm và làm chủ các mục tiêu của địch. Sau trận đánh này, Đại đội 205 đặc công được Ban Chỉ huy Tỉnh đội tặng cờ: “Dũng mãnh, kiên cường, đánh giỏi, diệt gọn” và được cấp trên tặng thưởng Huân chương Chiến công giải phóng hạng ba.

Tiếp đó, tháng 5/1972, ông Thi chỉ huy Đại đội 205 tập kích, đánh Tiểu đoàn bảo an 219 của địch đóng ở Tiên Châu, tiêu diệt 14 tên, làm bị thương 3 tên, thu 4 súng các loại. Trong lúc đánh địch, ông Thi bị thương nặng phải đưa vào Bệnh xá Y13 điều trị. Tháng 9/1972, ông được điều về làm Chính trị viên Đại đội 379.

 

Trải qua nhiều trận đánh lớn, nhỏ nhưng ông Thi nhớ nhất trận đánh chiếm lĩnh khu vực Ngân Sơn - Chí Thạnh sau ngày ký Hiệp định Paris ngày 23/1/1973. Trong trận đánh này, ông bị thương hai mắt. Mặc dù được đồng đội chuyển vào Bệnh xá Y13 điều trị, rồi chuyển lên Bệnh viện 108 Hồ Tây của Tỉnh đội điều trị nhưng vì vết thương quá nặng, từ đó ông không còn nhìn thấy ánh sáng nữa.

Người thương binh mù hết lòng với công tác hội

Năm 1974, ông Thi được đưa ra Trung đoàn an dưỡng 255 thuộc Quân khu Tả Ngạn đóng ở tỉnh Hà Bắc cũ (nay là tỉnh Bắc Giang). Và cũng ở nơi này, ông gặp và có tình cảm với cô gái Nguyễn Thị Hưởng (quân y của trung đoàn). Một năm sau ngày đất nước thống nhất, hôn lễ của hai người được tổ chức. Năm 1979, ông cùng gia đình chuyển về Phú Yên ở trong Trại thương binh của tỉnh cho đến năm 2000 thì gia đình về quê Tuy An.

 

Mặc dù đôi mắt đã mù nhưng ông Thi không trông chờ, ỷ lại vào chính sách mà tự vươn lên bằng chính sức lao động của mình để nuôi dạy các con thành đạt và gầy dựng sự nghiệp. Không những thế, với vai trò Chủ tịch Hội Người mù huyện Tuy An (từ năm 2011), ông Thi thường xuyên nhờ con cháu chở đến từng gia đình có người khiếm thị để nắm bắt hoàn cảnh, nguyện vọng, tìm cách giúp họ vươn lên trong cuộc sống và tham gia sinh hoạt hội. Đến nay, Hội Người mù huyện Tuy An có 232 hội viên và hầu hết đều có công ăn việc làm, tự nuôi sống bản thân mình. Ông Thi chia sẻ: “Trước đây, người mù gần như bị tách khỏi cuộc sống cộng đồng. Hầu hết họ đều mù chữ và phụ thuộc vào gia đình. Bản thân cũng bị mù nên tôi thấu hiểu nỗi đau, sự thiệt thòi của những người bị mất đi ánh sáng. Hội Người mù huyện Tuy An ra đời như một ngôi nhà chung, tập hợp những người mù của huyện; là nơi để họ bày tỏ tâm tư, nguyện vọng; hỗ trợ học nghề phù hợp để mỗi người có thể mưu sinh, giảm bớt khó khăn cho gia đình, người thân”.

Đến nay, Hội Người mù huyện Tuy An đã xây dựng được 16 ngôi nhà mới, sửa chữa lại 4 ngôi nhà tạm cho hội viên. Bằng nguồn quỹ của hội và từ các nguồn vận động, hàng năm vào các dịp lễ, Tết, hội đều tổ chức thăm hỏi, tặng quà cho hội viên. Tuy phần quà không nhiều nhưng ai cũng vui vì được xã hội quan tâm. Ngoài ra, hội thường xuyên tổ chức sinh hoạt, triển khai việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước liên quan đến người khuyết tật, người mù, nhằm phát huy tinh thần đoàn kết, thương yêu giúp đỡ lẫn nhau về tinh thần và vật chất.

Ông Cao Việt Sĩ, Chủ tịch Hội CCB huyện Tuy An, cho biết: Ông Đặng Văn Thi là thương binh nặng nhưng là người có nghị lực và rất nhiệt tình, có tinh thần trách nhiệm trong công tác hội người mù của huyện. Ở địa phương, ông có những ý kiến đóng góp thiết thực cho cộng đồng, được mọi người yêu quý, kính trọng.

Với những nỗ lực không mệt mỏi, hy sinh, cống hiến cho đời, CCB, thương binh Đặng Văn Thi đã được Đảng và Nhà nước trao tặng Huân chương Chiến công hạng ba; Huân chương Kháng chiến hạng nhì, ba; Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng nhì, ba…

Nguồn: baophuyen.com.vn

Sưu tầm: Ngọc Song