Người đưa xe lăn Việt ra 43 nước

Ngày đăng: 15/05/2019 - 1029 lượt đọc

Tháng 4/2019, một tổ chức từ thiện quốc tế trước khi ký kết mua số lượng xe lớn muốn mời đích thân người sáng chế ra những chiếc xe lăn Việt Nam mang nhãn hiệu Kiến Tường cùng cả gia đình ra Hà Nội gặp mặt.

Trong câu chuyện giao lưu, vợ chồng ông bà Steven & Sheryl Holt - trưởng văn phòng dự án, vốn là một cựu chiến binh Mỹ từng có mặt ở miền Nam VN năm 19 tuổi, nhiều lần kinh ngạc khi nghe câu chuyện về cuộc đời và nguồn cội thúc đẩy  người một thời là lính quân đội VN Cộng hòa làm ra chiếc xe lăn đẳng cấp thế giới, được Chương trình Truyền hình Mỹ  PBS TV Change of the World (Sự  thay đổi của Thế giới) phỏng vấn giới thiệu.
Sau 1975, đất nước ngổn ngang, bom đạn còn rơi vãi ẩn nấp đâu đó, hành trình kiếm sống của ông Nguyễn Tiến Toàn thật là khốc liệt. Thu gom phế liệu chiến tranh là một lựa chọn khả thi: Tìm kiếm, đào bới, thu gom sắt thép, nhôm, đồng, vỏ đạn, nhựa tái chế. Ngược Bắc, xuôi Nam theo những  chuyến tàu buôn bán ve chai, sắt vụn để kiếm tiền cho con đi học, đã có thời gian ông liều mạng dắt vợ con sang Campuchia lập nghiệp. Mấy năm làm việc cật lực nơi quê người, có thêm cậu con trai, vẫn mộng mơ đặt tên Kinh Quốc mà vẫn hoàn tay trắng. Ông lại trở về với nghề buôn sắt vụn ở Sài Gòn. Được người quen mách mối, ông đã bao thầu mua lại các thùng Conex vốn đựng hàng của Mỹ giờ rỗng ruột chất đầy các kho bãi mà không biết xử lý thế nào: chặt, cán thẳng thành thép tấm, cuộn lại làm khung sườn xe đạp, sản xuất cuốc, xẻng, lưỡi cày... Năm 1988, Nhà nước cho tư nhân tự do buôn bán, ông gom vốn mở 5 cây xăng, rồi sắm cả tàu cấp xăng cho tàu thuyền chạy trên sông. Cuộc sống gia đình được ổn định từ đó.

Ông Nguyễn Tiến Toàn ngồi xe lăn vẫn không nguôi ý chí vươn lên

Là một người chuyên buôn bán phế liệu, nhiều lần tận mắt chứng kiến những  phản ứng tuyệt vọng của những phế nhân chiến tranh của cả hai phía, có lần ở bệnh viện, hàng chục thương phế binh mà chỉ có 2 chiếc xe lăn cũ kỹ, ông nảy ra quyết tâm phải làm ra thật nhiều chiếc xe lăn để giúp đời. Nhưng con đường từ ước ao đến hiện thực thật không đơn giản. Nhà phát minh sáng chế bất đắc dĩ phải mất khá nhiều tâm sức, trí tuệ và thời gian để làm ra những chiếc xe lăn đầu tiên mà buổi đầu là số không về kiến thức, thiết bị, quy trình.
Ngày đó, lao tâm quá sức cho công việc, tìm ra được màu tím đặc trưng cho thương hiệu Kiến Tường thì cũng là lúc ông chìm vào cơn tai biến. Vượt qua cơn đau ấy, ông phải di chuyển cậy vào xe lăn. Thể xác hao mòn nhưng trí tuệ ông vẫn dành cho những bản thiết kế mới. Ngồi trên chính chiếc xe do mình thiết kế, ông càng hiểu nhu cầu của khách hàng hơn. Có vậy, ông mới có thể là người đầu tiên cải tiến, xếp gọn cả một chiếc xe lắc tay vào một thùng nhỏ để có thể vận chuyển đến các tỉnh thành cũng như xuất khẩu dễ dàng hơn.
Ông Toàn tự hào kể: “Lúc đó, các con tôi lẫn nhân viên kỹ thuật của Kiến Tường đều đã đầu hàng, không tìm ra cách nào để xếp các bộ phận của chiếc xe gọn vào để đóng thùng vận chuyển. Tôi dành cả 1 đêm để nghiên cứu và suy nghĩ cả trong giấc ngủ”. Thời gian ban ngày không  đủ, ông còn phải nạp số liệu và dữ kiện để trong giấc ngủ, trí não sẽ giúp tìm ra lời giải cho mình.
Đúng ngày 22/12/1986, 30 chiếc xe lăn đầu tiên sau khi được kiểm tra vận hành, ông đã mang tặng Bệnh viện Quân đội - nơi ông từng chứng kiến người thương binh nhường xe lại cho đồng  đội. Ông cũng tặng riêng cho người lính ấy một chiếc xe phía sau có chỗ để hàng để còn đi bán dạo.
Nhiều năm, không chỉ đưa ra thị trường một nhãn hiệu xe lăn uy tín về chất lượng với giá cả phải chăng, Kiến Tường còn tài trợ và đồng hành với các cuộc đua của người khuyết tật Thành phố.
Năm 2004 mở đầu cho cuộc gặp gỡ của những người làm xe lăn quốc tế. Trường  Đại học San Francisco với lịch sử hình thành và phát triển hơn 100 năm, có Khoa về những người khuyết  tật. Giám đốc Khoa học của nhà trường - TS. Marc Krizack phối hợp với một dòng tộc giàu có ở Na Uy đi khảo sát ở 64 quốc gia để tìm một cơ sở có khả năng sản xuất những chiếc xe lăn chất lượng cao cho người tàn tật. Sau 2 năm đi lại, cân nhắc, họ đã chọn cơ sở Kiến Tường. Trong buổi gặp thông báo quyết định, vị trưởng đoàn đã chân thành thừa nhận: “Chúng tôi sang đây với ý nghĩ sẽ dạy cho quý  vị cách làm xe lăn, nhưng  thực tế, chúng tôi đã học được ở quý vị rất nhiều”.
Một kết quả cụ thể của sự hợp tác là cùng với TS. Ralf Hotchkiss và Marc Krizack, nơi đây đã sản xuất ra loại xe lăn địa hình Rough Rider có độ bền suốt đời, phục vụ mọi nhu cầu khác nhau của người khuyết tật, khi vận chuyển có thể xếp gọn.
Tháng 8/2004, Đại học San Francisco đã chính thức mời vợ chồng Nguyễn Tiến Toàn sang thăm và ký hợp đồng. Ông ngạc nhiên khi thấy trong bộ sưu tập hàng trăm mẫu xe lăn khắp thế giới đã có vị trí trang trọng cho nhãn hiệu KiếnTường từ VN. Trong cuộc hội ngộ đó, xe lăn VN đã được thử thách về độ bền. Đơn giản, bởi vì người tàn tật rất ít khả năng chống đỡ với những bất trắc.
Năm 2009, lần đầu tiên một chuyến hàng nhân đạo đặc biệt đã đưa những chiếc xe lăn từ VN theo tàu biển sang tặng những người khuyết tật Vùng Vịnh. Cho đến nay, xe lăn Kiến Tường, với 78 loại hình khác nhau, chạy bằng những nguồn năng lượng khác nhau, kể cả năng lượng mặt trời, đã có mặt ở 43 quốc gia. Có đủ loại xe phù hợp với từng loại khuyết tật thật sự là niềm an ủi rất lớn cho những số phận phải gánh theo mình nỗi khổ ải triền miên.
Theo một thống kê, ở nước ta, do thương tích chiến tranh, hậu quả chất độc da cam lên nhiều thế hệ, tai nạn giao thông, điều trị còn nhiều hạn chế, thiếu ý thức chăm sóc sức khỏe thường xuyên nên có đến 6 triệu  người khuyết tật, trong đó có đến 700 ngàn người cần đến sự hỗ trợ của xe lăn. Xem ra con số đó có xu hướng ngày càng tăng nên việc của nhà sản xuất là tiếp tục nghiên cứu những mẫu mã mới: Xe chạy bằng bình điện, bằng tấm pin mặt trời, xe Honđa 3 bánh có số lùi, xe vận hành trong bệnh viện, xe lăn chuyển bệnh nhân, xe đa năng cho người bệnh...
Qua một số bạn văn như nhà văn Nguyễn Quang Sáng, nhà thơ Thu Bồn, Nguyễn Duy, từ hơn 30 năm qua, tôi luôn kinh ngạc và khâm phục sức làm việc và thái độ sống của ông. Bao nhiêu bầm dập, đắng cay, tủi cực, lận đận những ngày sau kết thúc chiến tranh không  làm  mất  ý chí của một tấm lòng nhân hậu, quả cảm, kiên trì, hiếu học và khả năng lao động trí óc cũng như chân tay với một năng suất và cường độ cao. Không ít bạn bè gọi anh là kỳ nhân. Nhà văn Nguyễn Quang Sáng gọi anh là Người làm vệ sinh chiến trường. Thu Bồn, Nguyễn Duy có những bài thơ hay tặng Anh. Cảm phục nghị lực và khả năng tổ chức cuộc sống của ông, nhà văn Nguyễn Quang Sáng  đã động viên ông cầm bút. Mặc dầu công  việc này không dễ, nhưng hơn 10 năm qua, ông đã xuất bản một loạt Ký sự ghi lại những mảng sáng tối của cuộc đời mình: Những nẻo đường đi qua (1999, 2012), Khát vọng tuổi thơ (1999, 2012), Đất lạ (2006, 2012), Xứ sở nụ cười (2009) và sắp in Gió xoáy. Không mấy nhà văn có thể tự kể về những từng trải của mình thật thà, hồn nhiên mà cảm động như ông.
Khởi nghiệp từ phế liệu chiến tranh, bằng những chiếc xe lăn nhiều kiểu dáng, ông Nguyễn Tiến Toàn đã giúp bao nhiêu người ngỡ mãi mãi là phế nhân đứng lên làm chủ cuộc đời.

Tháng 5/2019

Nguồn: Sức khỏe và đời sống
Sưu tầm: Bùi Ngọc Song