Nơi người khiếm thị tìm thấy ánh sáng cuộc đời

Ngày đăng: 30/12/2020 - 840 lượt đọc

Không chỉ là nơi dạy chữ, dạy nghề, tạo việc làm, Trung tâm còn là ngôi nhà chung của những người khiếm thị. Ở đó, họ được sưởi ấm bằng những trái tim nhân ái và hơn hết là tìm được ánh sáng cuộc đời.

"Ánh sáng" của người khiếm thị

Bước chân vào Trung tâm giáo dục dạy nghề cho người khiếm thị Thanh Hóa, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng khi nghe tiếng sáo được thổi từ một chàng trai mù - Nguyễn Thế Linh. Tài thổi sáo của Linh khiến các bạn và giáo viên của Trung tâm vô cùng ngưỡng mộ.

Từ khi được nhận vào học tại Trung tâm giáo dục dạy nghề cho người khiếm thị Thanh Hóa năm 2016, Nguyễn Thế Linh như bước sang một trang mới của cuộc đời. Nhờ sự động viên, chăm sóc, dạy dỗ của các thầy, cô giáo và các bạn, cùng với ý chí và nghị lực, Linh đã hòa nhập với môi trường học tập mới.

"Đôi mắt không nhìn thấy gì khiến cháu rất buồn, khi cháu đến với Trung tâm Hội người mù, cháu được học nhạc, được học chữ Braille, cháu cảm thấy rất vui khi được hòa nhập với các bạn, không còn mặc cảm tự ti về hoàn cảnh của cháu nữa" - Linh nói.

Còn với Đỗ Quang Kiên, cậu học trò bị khiếm thị bẩm sinh, em luôn là tấm gương đầy nghị lực vươn lên chiến thắng chính mình. Kể từ khi đến Trung tâm, Kiên được học chữ Braille, học lớp tiền hòa nhập. Hiện nay em đang là học sinh lớp 7 của Trường THCS Quang Trung (TP Thanh Hóa).

"Trước khi đến đây, cháu rất bỡ ngỡ, sau 3 năm ở Trung tâm được học chữ, được ra tiếp xúc với trường ngoài, được hòa đồng với xung quanh, cháu đã không còn mặc cảm và tự ti với bản thân nữa" - Kiên tâm sự.

Phần lớn các em nhỏ khiếm thị đang theo học tại Trung tâm đều có cảnh đời khó khăn, trước khi đến Trung tâm là chuỗi ngày dài ngập chìm trong bóng tối. Nhưng khi được đến học tại Trung tâm, các em không chỉ được học chữ, học nghề mà còn được sẻ chia và thắp lên hy vọng.

Những học viên như Nguyễn Thế Linh, Vũ Quang Kiên, hay trước đó là anh Lê Sỹ Anh (hiện là Chủ tịch Hội Người mù huyện Triệu Sơn)... đã được nuôi dưỡng ở chính Trung tâm này và tìm thấy "ánh sáng" của cuộc đời.

Học sinh đang được cô giáo dạy kỹ năng.

Ở Trung tâm, giáo viên, nhân viên không chỉ là người thầy, người cô mà còn là người mẹ, thậm chí là bảo mẫu chăm lo từng bữa ăn, giấc ngủ, sức khỏe cho học sinh của mình.

Có những người thầy, người cô cũng không may mắn khi mất đi ánh sáng nhưng thay vì chọn cuộc sống tăm tối và bế tắc, họ tìm thấy niềm vui, ý nghĩa cuộc sống bằng chính việc chăm sóc, dạy dỗ những đứa trẻ có hoàn cảnh giống mình. Cô giáo Ánh Dương là một người như thế. 20 năm sau lần bị người yêu cũ tạt a xít khiến cô bị mù đôi mắt, cô Ánh Dương đã tìm thấy "ánh sáng" cuộc đời từ chính việc dạy dỗ những đứa trẻ cũng khiếm thị như mình.

"Ngoài khiếm thị, một số em còn thiểu năng, động kinh… đối với một giáo viên sáng mắt đã gặp khó khăn, với một giáo viên mù như tôi lại càng khó khăn. Tuy nhiên, tình thương khiến tôi vượt qua tất cả. Tôi thương, đồng cảm và hiểu hơn những mảnh đời bất hạnh đó. Bản thân cũng bị mù nên tôi biết cách hướng dẫn, dạy dỗ các em cụ thể hơn, đối mặt và xử lý những khó khăn như thế nào; không những dạy các em về kiến thức mà còn dạy các em về cuộc sống. Các em cũng khiến tôi có nghị lực hơn, thấy cuộc sống ý nghĩa hơn" - cô Ánh Dương chia sẻ.

Hàng nghìn người khiếm thị được "xóa mù chữ", có việc làm

Ngoài học văn hóa, Trung tâm giáo dục dạy nghề cho người mù Thanh Hóa còn đưa vào một số bộ môn như: Âm nhạc, thanh nhạc, đàn ocgan, sáo, tiếng Anh và tin học học đường. Bên cạnh trẻ em mù ăn học tại Trung tâm, Trung tâm còn mở các lớp xóa mù cho người mù của các huyện thị, thành phố gửi lên học tập.

Trong 20 năm, Trung tâm xóa mù cho 3.500 lượt người mù và chống tái mù chữ. Một số cán bộ hội viên sau khi học thành thạo chữ Braille đã trở về huyện Hội làm giáo viên dạy cho hội viên khác trong đơn vị. Ngoài ra, Trung tâm còn phối hợp với địa phương tổ chức dạy chữ Braille cho người mù không có điều kiện đến Trung tâm để học.

Cùng với lớp dạy chữ, Trung tâm mở các lớp dạy nghề và đào tạo nâng cao tay nghề cho hội viên. Các ngành nghề chính được đào tạo như sản xuất tăm sơ chế, tăm thành phẩm, tẩm quất cổ truyền, giác hơi, bấm huyệt…

20 năm qua có hơn 1 nghìn lượt hội viên được học các ngành nghề khác nhau. Số lượng người mù có việc làm ngày càng tăng. Đến nay, thu nhập bình quân của người mù có việc làm là 3,5 triệu đồng/người/tháng.

Theo ông Phạm Ngọc Quyết, Chủ tịch Hội Người mù tỉnh Thanh Hóa, sau 20 năm thành lập, Trung tâm đã góp phần thực hiện nhiệm vụ xóa mù chữ, giáo dục, dạy nghề, chăm sóc trẻ em… Hiện nay người mù trong tỉnh có 6.900 người nhưng mới đào tạo được hơn 1 nghìn người. Số lượng người mù đông nên phải ưu tiên cho các bạn trẻ để có nghề nghiệp.

"Trung tâm đã tạo ra một lớp người mù mới trong xã hội, có tri thức, có học vấn, vượt qua mặc cảm sự tự ti. Bên cạnh đó, rất nhiều người mù được học cao đẳng, đại học với nhiều ngành nghề khác nhau. Sau 20 năm, người mù đến với Trung tâm được đào tạo có việc làm, có thu nhập, đảm nhiệm các trọng trách khác nhau trong hệ thống Hội" - ông Quyết cho biết.

Nguồn: dantri.com.vn

Sưu tầm: Ngọc Song