Phát triển nghề công tác xã hội giai đoạn 2021- 2030: Khắc phục tồn tại để đáp ứng nhu cầu người dân

Ngày đăng: 30/10/2020 - 810 lượt đọc

Tại Việt Nam, số người cần sự trợ giúp xã hội rất lớn, hơn 11,4 triệu người cao tuổi, khoảng 2 triệu người hưởng trợ cấp người có công với cách mạng, 6,2 triệu người khuyết tật, hàng triệu người có vấn đề sức khỏe tâm thần, 2 triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, có khoảng 3,75% hộ nghèo, 4,55% hộ cận nghèo, hơn 3,1 triệu đối tượng hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng, khoảng 2 triệu lượt hộ gia đình cần được trợ giúp đột xuất hàng năm. Ngoài ra, còn nhiều phụ nữ, trẻ em bị ngược đãi, bị mua bán, bị xâm hại hoặc lang thang kiếm sống trên đường phố.

Ngành LĐ-TB&XH đi đầu trong việc phát triển mạng lưới cung cấp dịch vụ CTXH

Theo đánh giá của Cục Bảo trợ Xã hội (Bộ LĐ-TB&XH), thời gian vừa qua, Việt Nam đã có nhiều chủ trương, chính sách pháp luật liên quan đến phát triển công tác xã hội. Đặc biệt, thực hiện Quyết định số 32 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển nghề công tác xã hội giai đoạn 2010-2020, Hiến pháp năm 1992, 2013 và định hướng phát triển xã hội của Đảng cộng sản Việt Nam tại các văn kiện của Đại hội Đảng toàn quốc, Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương đã có nhiều nỗ lực trong việc phát triển công tác xã hội (CTXH), bảo đảm quyền con người, quyền công dân. Nghề CTXH trở thành một trong số các công cụ quan trọng để bảo đảm an sinh, công bằng, góp phần tạo ra nền tảng ổn định cho phát triển kinh tế - xã hội.

Tại Việt Nam, số người cần sự trợ giúp xã hội rất lớn (anh Hồ Sỹ Hải, GĐ Công ty THHH Hợp tác giáo dục TH trao quà hỗ trợ người dân miền Trung bị thiệt hại bởi lũ lụt)

Kể từ khi Đề án phát triển nghề công tác xã hội được phê duyệt, mạng lưới các cơ sở cung cấp dịch vụ CTXH đã được hình thành nhiều nhất ở ngành LĐ-TB&XH, tiếp theo là ở các ngành Y tế, Giáo dục, các hội, đoàn thể chính trị - xã hội… Các tỉnh, thành phố từng bước tiếp tục phát triển các cơ sở có cung cấp dịch vụ CTXH đối với người già, người tâm thần, bảo vệ trẻ em, trợ giúp người khuyết tật phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng trên cơ sở bổ sung thêm chức năng, nhiệm vụ và kiện toàn cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các cơ sở.

Đội ngũ công chức, viên chức, nhân viên và cộng tác viên làm công tác xã hội hiện có khoảng 235 nghìn người, trong đó có 35.000 công chức, viên chức và người lao động làm việc tại các cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội công lập và ngoài công lập, gần 100 nghìn người làm việc tại các hội, đoàn thể các cấp; trên 100 nghìn cộng tác viên giảm nghèo, phòng chống tệ nạn xã hội, bảo vệ trẻ em và phát triển cộng đồng… tạo thành một mạng lưới cán bộ, nhân viên và cộng tác viên công tác xã hội trợ giúp các đối tượng yếu thế ở các cơ sở và cộng đồng, góp phần trợ giúp cho người nghèo và người có hoàn cảnh khó khăn tiếp cận, thụ hưởng các chính sách phúc lợi xã hội, y tế, giáo dục, học nghề, tìm việc làm để ổn định cuộc sống.

Cần khắc phục tồn tại, hạn chế

Theo Cục Bảo trợ Xã hội, bên cạnh những thành tựu đạt được, lĩnh vực công tác xã hội vẫn còn những tồn tại, hạn chế như đối tượng cần được can thiệp, trợ giúp của công tác xã hội ngày càng tăng, tuy nhiên, các dịch vụ CTXH chưa đa dạng, chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân. Cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ cán bộ, nhân viên, cộng tác viên CTXH còn thiếu về số lượng và chất lượng. Cơ cấu các dịch vụ CTXH có sự kết hợp của các cơ quan, đơn vị công lập và ngoài công lập chưa được xác định rõ ràng. Các dịch vụ CTXH chuyên nghiệp chưa được cung cấp cho người dân tại cộng đồng, làm giảm hiệu quả của các chính sách phúc lợi xã hội.

Khuôn khổ pháp lý phát triển công tác xã hội chưa được quy định ở cấp độ Luật, Nghị định; nhiều bất cập trong việc cấp chứng chỉ hành nghề; cấp, thu hồi, điều chỉnh giấy phép hoạt động của các cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội và điều kiện thành lập, hoạt động và điều kiện giải thể cơ sở cung cấp dịch vụ CTXH; quyền và nghĩa vụ của người sử dụng dịch vụ CTXH chưa được xác định cụ thể trong hệ thống văn bản pháp luật…

Nghề CTXH trở thành một trong số các công cụ quan trọng để bảo đảm an sinh, công bằng, góp phần tạo ra nền tảng ổn định cho phát triển kinh tế - xã hội.

Qua nghiên cứu, so sánh với pháp luật các nước cho thấy, nếu so với các nước phát triển trên thế giới và ngay cả với nhiều nước trong khu vực thì các quy định liên quan đến CTXH ở Việt Nam còn một khoảng cách lớn và có sự thiếu hụt.

Tóm lại, những vấn đề bất cập nêu trên, không thể chỉ giải quyết bằng các biện pháp hành chính, kinh tế, bằng tuyên truyền, giáo dục… mà đòi hỏi phải có sự điều chỉnh, có giải pháp can thiệp toàn diện để giải quyết đầy đủ, toàn diện các vấn đề liên quan đến phát triển CTXH, nhất là hoàn thiện khuôn khổ pháp lý; cùng các cơ chế và chính sách huy động các nguồn lực từ xã hội, thu hút sự tham gia của cộng đồng vào CTXH, đề cao trách nhiệm của các cơ quan nhà nước từ trung ương đến địa phương, phát huy vai trò của các tổ chức, cá nhân đối với phát triển CTXH, thực hiện các chính sách an sinh xã hội cũng như giải quyết các vấn đề xã hội còn tồn tại hiện nay có hiệu quả, khả thi.

Xuất phát từ yêu cầu thực tế trong nước và kinh nghiệm của các nước, việc xây dựng và thực hiện Đề án phát triển nghề công tác xã hội ở nước ta trong giai đoạn 2021- 2030 là hết sức cần thiết, nhằm cụ thể hóa quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong việc chăm lo đời sống nhân dân, xây dựng hệ thống an sinh xã hội tiên tiến, góp phần giữ vững ổn định chính trị, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.

Nguồn: baodansinh.vn

Sưu tầm: Ngọc Song