Start-up cùng chị em yếu thế

Ngày đăng: 18/03/2022 - 763 lượt đọc

Nguyễn Thị Anh Thư (32 tuổi, ngụ TP.HCM) sáng lập thương hiệu thời trang LMcation. Và Anh Thư đang hướng đến việc đào tạo, nâng cao tay nghề cho chị em yếu thế, người khuyết tật tại Việt Nam.

Anh Thư (phải) cùng nhân viên kiểm tra sản phẩm - Ảnh: CÔNG TRIỆU

"Đến nay quyết định nghỉ việc ở công ty để khởi nghiệp của tôi vẫn như một chuyến đi đầy mạo hiểm. Đặc biệt hơn nữa khi dịch bệnh COVID-19 kéo dài, tính mạo hiểm, thử thách ấy càng trui rèn tôi gấp bội", Thư nói về việc khởi nghiệp của mình.
 

Chọn lối đi gai góc

Khởi nghiệp ở tuổi 30, cái tuổi được xem là thời điểm "chín muồi" để khởi nghiệp. Tuy nhiên với một người đang có công việc ổn định, thu nhập cao cùng hơn 10 năm kinh nghiệm làm việc trong các tập đoàn đa quốc gia của Mỹ, châu Âu, Đông Nam Á như Thư mà bỏ tất cả để khởi nghiệp thì nhiều người cho rằng quá mạo hiểm. Hơn nữa, Anh Thư lại chọn khởi nghiệp ngay vào thời điểm đầu năm 2020, khi mà dịch COVID-19 đang bùng phát mạnh mẽ tại Việt Nam.

Vượt lên tất cả, thương hiệu thời trang LMcation vẫn ra đời và mang trên mình một thông điệp, sứ mệnh rất đặc biệt: "Tôn vinh, trao quyền cho phái đẹp, đặc biệt là phụ nữ Việt". Thay vì tập trung đẩy mạnh sản xuất, phân phối sản phẩm như nhiều mô hình kinh doanh truyền thống khác, Thư chú trọng vào việc đào tạo và nâng cao tay nghề cho cộng đồng phụ nữ Việt Nam, trong đó có đến 40% là người từ các cộng đồng người yếu thế và khuyết tật.

Cô sẵn sàng tài trợ nguyên vật liệu (như lụa tằm nhung, lụa satin, lụa thun cao cấp…), đầu tư về thời gian, ý tưởng để mọi người được luyện tập, làm quen với vải, với máy may cũng như những tiêu chuẩn mà LMcation đưa ra.

Nhớ lại thời điểm mới bắt đầu, Thư nói rằng đó là một hành trình dài và đầy nhọc nhằn. Khó khăn đầu tiên mà cô vấp phải khi bắt tay triển khai dự án đó là việc phối hợp làm việc với những phụ nữ yếu thế và người khuyết tật, khi bất đồng ngôn ngữ lẫn tâm lý đang là rào cản. Nhưng bằng cả tấm lòng, Thư học ngôn ngữ giao tiếp để có thể trò chuyện với người khiếm thính, đọc sách để hiểu hơn về những rào cản gây ức chế tâm lý ở người khuyết tật.

"Với mọi người việc tôi nghỉ làm để khởi nghiệp đã là một cú sốc thì họ biết tôi chọn đi cùng cộng đồng chị em yếu thế và người khuyết tật lại càng khó chấp nhận. Nhiều anh chị khuyên tôi hãy lo cho bản thân mình trước, nghĩa là tập trung kiếm lời rồi sau này muốn giúp ai thì giúp, nhưng đó đâu phải giá trị mà LMcation đặt ra", Thư tâm sự.

Giá trị đặc biệt của LMcation

Anh Thư cùng túi vải đựng sản phẩm mang thông điệp bảo vệ môi trường - Ảnh: CÔNG TRIỆU

Nếu khó khăn trong việc trò chuyện, chia sẻ với cộng đồng phụ nữ yếu thế, người khuyết tật một thì việc trao đổi công việc với họ khó gấp mười. 

Thư kể rằng đã có hàng trăm, thậm chí hàng ngàn tấm vải từng phải bỏ đi chỉ vì sai mũi kim đường chỉ. "Có thể vì bản thân đã mang những khiếm khuyết nên họ rất sợ để người khác phát hiện ra thêm những điểm yếu của mình. Chính vì thế mà ban đầu họ luôn nhận mình biết làm mọi thứ và khi bắt tay vào thực hiện thì mọi thứ hỏng hết", Thư chia sẻ.

Không thể cân đo đong đếm với những thành quả mà Thư đã đạt được cùng LMcation. Bởi từ khó khăn với chỉ một vài thành viên ban đầu, đến nay cộng đồng phụ nữ yếu thế và người khuyết tật đang làm việc hưởng lương cứng (từ 5 đến 7 triệu đồng/tháng) tại LMcation đã tăng đến 16 người và sẽ không dừng lại. Và sản phẩm cho ra thị trường của LMcation do các chị em yếu thế và người khuyết tật làm ngày một hoàn thiện hơn.

"Mỗi lần nhận phản hồi tốt về sản phẩm từ khách hàng thì điều đầu tiên mà tôi nghĩ về vẫn là chị em trong cộng đồng người yếu thế và khuyết tật của LMcation. Họ giỏi lên, sống tốt, sống khỏe mới là điều tôi muốn. Và thương hiệu LMcation sinh ra chỉ để phục vụ điều đó", Thư nói.

Nhằm đa dạng hóa sản phẩm và góp phần bảo vệ môi trường, LMcation khuyến khích mọi người không sử dụng túi nilông hay nhựa mà thay vào đó là những chiếc túi vải được may gia công từ cộng đồng chị em yếu thế và khuyết tật. "Túi vải là hàng tặng kèm khi chúng tôi bán các sản phẩm nhưng có nhiều khách thấy chiếc túi này quá đa dụng nên còn hỏi đặt mua", Thư chia sẻ.

Hiện sản phẩm của LMcation đã có mặt ở hầu hết các kênh bán hàng thương mại điện tử trong nước. Dự kiến trong 6 tháng tới sẽ có mặt trên các sàn thương mại điện tử quốc tế như Amazon, Shopee khu vực Đông Nam Á. Đặc biệt, vào quý 1-2023, Anh Thư sẽ cho ra mắt một ứng dụng "khu chợ toàn cầu" nhằm kết nối với bất kỳ phụ nữ Việt nào có sản phẩm thời trang và muốn thương mại hóa sản phẩm ra thế giới.

LMcation được Trung tâm Phát triển châu Á khen tặng khi nằm trong top 100 doanh nghiệp có tác động tích cực đến cộng đồng năm 2021. Mới đây (tháng 2-2022), LMcation nằm trong top 19 công ty đổi mới sáng tạo có tác động tích cực cho xã hội tại cuộc thi SheDisruptsVietnam do Creatella Impact và WISE Việt Nam tổ chức.

Volvo Car tặng 2 HIO cho Tuổi Trẻ Golf Tournament For Startup 2022

Sau hai tuần phát động, chuỗi sự kiện Tuổi Trẻ Golf Tournament for Startup lần 3 đã nhận được nhiều phản hồi tích cực của bạn đọc, các nhà khởi nghiệp trẻ và các đơn vị đồng hành. Theo đó, Volvo Car Việt Nam vừa xác nhận tham gia đồng hành cùng sự kiện ý nghĩa này với 2 xe hơi cho 2 Hole in one (HIO) là XC90 (có 2 phiên bản động cơ B6 và T8 - giá từ 4 tỉ đến 4,5 tỉ) và V60CC (hơn 2,5 tỉ) tại hố số 8 và 16.

Ngoài ra, các gôn thủ tham gia giải lần này còn có cơ hội chạm tay vào các HIO hấp dẫn khác, như: HIO bộ gậy honma 4 sao Aizu trị giá 600 triệu đồng, HIO bộ gậy honma Black trị giá 155 triệu đồng, HIO 1 vé máy bay khứ hồi VN Airlines đến bất kỳ quốc gia châu Á nào...

Khởi động từ năm 2019, sự kiện thường niên Tuổi Trẻ Golf Tournament For Startup ra đời nhằm tạo sân chơi ý nghĩa và khích lệ tinh thần khởi nghiệp cho các startup cả nước. Chuỗi sự kiện năm 2022 tiếp tục được báo Tuổi Trẻ phối hợp cùng Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam TP.HCM tổ chức, hướng đến kỷ niệm 91 năm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.

Năm nay, startup xuất sắc lọt vào vòng chung kết và được hội đồng thẩm định đánh giá cao nhất sẽ được nhận hỗ trợ đặc biệt: giải thưởng PFEC Hòn Ngọc Viễn Đông, trị giá 100 triệu đồng. Sẽ có khoảng hơn 30 câu chuyện khởi nghiệp nổi bật được chọn để giới thiệu trên báo Tuổi Trẻ (online hoặc báo giấy, truyền hình Tuổi Trẻ, fanpage…) trong tháng 3-2022. Diễn đàn "Cảm hứng khởi nghiệp" sẽ là nơi cho các bạn trẻ, bạn đọc quan tâm đến lĩnh vực này chia sẻ những ý tưởng khởi nghiệp.

Ngoài việc được vinh danh trên mặt báo, những câu chuyện khởi nghiệp trên sẽ có cơ hội tiếp cận với nhiều quỹ đầu tư cũng như quảng bá hình ảnh đến với công chúng. Ban tổ chức cũng sẽ chọn một số startup tiêu biểu để hỗ trợ một khoản kinh phí với sự đồng hành của các đơn vị như Công ty CP PFEC Hòn Ngọc Viễn Đông, Hưng Thịnh Land, FE Credit, Number 1, Volvo Car Việt Nam, An Hòa...

Các startup, nhóm bạn trẻ có ý tưởng khởi nghiệp hay và có tính thực tế cao, hoặc bạn đọc có các câu chuyện thiết thực phía sau những chân dung khởi nghiệp, từ hôm nay có thể gửi bài viết tự giới thiệu, những câu hỏi liên quan về địa chỉ email: [email protected].

Nguồn: tuoitre.vn

Sưu tầm: Ngọc Song

 


Bình luận

Viết bình luận