Thủ tướng muốn đưa 'tinh thần Park Hang-seo' vào phát triển kinh tế

Ngày đăng: 19/12/2018 - 957 lượt đọc

Lãnh đạo Chính phủ kỳ vọng các Bộ, ngành, địa phương có sự quyết tâm phát triển công nghiệp hỗ trợ như tinh thần bóng đá.

Tại Hội nghị về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ ngày 19/12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ khát vọng đưa công nghiệp phụ trợ không chỉ dừng ở tham gia chuỗi sản xuất ôtô, xe máy mà cả ngành hàng không. Lãnh đạo Chính phủ cũng nêu thực tế, Việt Nam đã tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu nên cần thành công xưởng thực sự trong sản xuất công nghiệp nói chung và đặc biệt công nghiệp hỗ trợ.
"Tinh thần là làm sao để Việt Nam thành một cứ điểm cho sản phẩm của các tập đoàn đa quốc gia. Đó là vấn đề mà bắt buộc Bộ Công Thương, các bộ liên quan, địa phương phải suy nghĩ trong định hướng phát triển", Thủ tướng nhấn mạnh. Ông cũng cho rằng cần nêu cao tinh thần, tầm nhìn chiến lược như cách mà huấn luyện viên Park Hang-seo đã đưa Việt Nam giành những thành tích lớn trong bóng đá.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: VGP

"Phải có tầm nhìn bố trí đội hình, dành nguồn lực, thể lực, trí lực... để ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam đạt thành công như ông Park Hang-seo đã góp phần đưa bóng đá Việt Nam tiến lên. Tinh thần thể thao hay bóng đá cũng truyền vào kinh tế thì mới thành công được. Các bộ, ngành địa phương, doanh nghiệp có làm được theo tinh thần đó không", Thủ tướng đặt câu hỏi. 
Lãnh đạo Chính phủ cũng lưu ý trong quá trình phát triển cần lấy thị trường khu vực và thế giới để làm động lực cạnh tranh. Ông cho biết luôn ưu tiên chính sách tiếp cận đất đai để phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ, không có đề nghị lấy đất phát triển công nghiệp hỗ trợ nào mà Chính phủ từ chối. Cùng với đó còn là sự chủ động xây dựng cơ chế của các địa phương để doanh nghiệp có sự thuận lợi khi đầu tư. 
"Vì sao một số doanh nghiệp ngồi đây có những thành công? Họ làm 3 tháng xong giải phóng mặt bằng, tôn nền và mọi thứ đều tốc độ. Chứ nếu làm 3 năm không xong mặt bằng thì làm công nghiệp hỗ trợ cái gì. Nếu địa phương cứ mơ màng thì sao phát triển được", Thủ tướng nói và cũng nhấn mạnh vai trò của các địa phương hết sức quan trọng. 
Tại hội nghị, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cũng chỉ ra một số hạn chế của ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam. Theo ông, Việt Nam hiện có 1.800 doanh nghiệp sản xuất phụ tùng, linh kiện, trong đó chỉ có khoảng 300 doanh nghiệp tham gia được vào mạng lưới sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia. Tuy đây là nền tảng để công nghiệp hoá, các năm qua số doanh nghiệp thành lập mới trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp vẫn chưa nhiều. Do không có nhiều nhà cung cấp nên các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm cuối cùng khó có thể tìm mua phụ tùng, linh kiện trong nước và phải nhập khẩu hoặc tự sản xuất. 
Trong khi đó, ông dẫn chứng, riêng quận Oita, một trong 23 quận của Tokyo (Nhật Bản) có hơn 3.000 doanh nghiệp chế tạo, tỉnh Kanagawa có 60.000 đơn vị chế biến chế tạo, tương đương toàn bộ doanh nghiệp chế biến chế tạo của Việt Nam (75.000 đơn vị tính đến cuối năm 2017). Ngoài ra, theo ông, phần lớn các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Nhật Bản có quy mô vừa, nhỏ và siêu nhỏ nhưng tham gia rất sâu vào chuỗi sản xuất toàn cầu ở các phân đoạn có giá trị gia tăng cao như cung cấp linh kiện và phụ tùng cho công nghiệp hàng không. 
Lãnh đạo Bộ Công Thương cũng nói, tuy đã đáp ứng một phần nhu cầu trong nước như xuất khẩu nhưng để phục vụ sản xuất, lắp ráp trong nước thì Việt Nam vẫn nhập siêu linh kiện, phụ tùng với giá trị rất lớn. Năm 2016, kim ngạch nhập khẩu linh kiện, phụ tùng gần 45 tỷ USD. Nếu tính cả các ngành công nghiệp hỗ trợ cho dệt may - da giày, kim ngạch nhập khẩu công nghiệp hỗ trợ năm 2016 lên tới 63 tỷ USD.
Bên cạnh việc cho rằng Việt Nam gần như không có sản phẩm công nghiệp chủ lực, Bộ trưởng Công Thương cũng nhận định chính sách thu hút vốn FDI chưa tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước phát triển, tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu. 
 

Nguồn: vnexpress

Sưu tầm: Thiều Kỳ