Ứng phó với chứng ‘trầm cảm mùa xuân’

Ngày đăng: 10/02/2022 - 727 lượt đọc

Trầm cảm theo mùa, là một loại rối loạn cảm xúc liên quan đến sự thay đổi thời tiết theo mùa (SAD)…

Thông thường, các triệu chứng của bệnh trầm cảm theo mùa bắt đầu vào mùa thu và mùa đông và cải thiện khi đến mùa xuân, nhưng không phải lúc nào cũng vậy.

Thay vào đó, bạn có thể nhận thấy điều ngược lại, đó là sự thay đổi tâm trạng bắt đầu vào mùa xuân và kéo dài sang mùa hè. Một số người gọi loại trầm cảm này là ‘SAD ngược’.

Nhiều người bị chứng trầm cảm vào mùa xuân

Dưới đây, là các dấu hiệu chính và một số cách ứng phó…

1. Nhận biết triệu chứng trầm cảm mùa xuân

Khi những ngày đông kéo dài và mùa xuân đến gần, bạn có thể nhận thấy:

Tâm trạng kém, có thể bao gồm cảm giác buồn bã và tuyệt vọng dai dẳng.
Ít hoặc không quan tâm đến các hoạt động thường ngày của bạn.
Khó khăn trong việc tìm kiếm động lực cho thói quen hàng ngày.
Thay đổi năng lượng, bao gồm thờ ơ hoặc bồn chồn.
Mất ngủ và khó ngủ.
Khó tập trung hoặc ghi nhớ thông tin.
Thèm ăn hoặc giảm cân.
Kích động hoặc cáu kỉnh bất thường.
Cảm giác tức giận hoặc hung hăng.
Ý nghĩ về cái chết, sắp chết hoặc tự tử.

2. Làm thế nào để ứng phó, phòng ngừa?

2.1 Thực hành vệ sinh giấc ngủ và ngủ đủ giấc

Thiếu ngủ có thể có tác động lớn đến các triệu chứng trầm cảm mùa xuân. Để cải thiện giấc ngủ, hãy cố gắng giữ cho phòng tối và mát mẻ. Tạo thói quen thức dậy và đi ngủ vào cùng một giờ mỗi ngày… và cố gắng ngủ đủ 7-8 giờ mỗi đêm.

2.2 Dành thời gian cho hoạt động thể chất

Tập thể dục thường xuyên không chỉ giúp giảm căng thẳng và giảm bớt các triệu chứng trầm cảm và lo lắng mà còn có thể dẫn đến giấc ngủ ngon hơn. Hãy lựa chọn một hình thức vận động yêu thích và thực hiện thường xuyên.

Trầm cảm mùa xuân có thể không kéo dài quanh năm, nhưng nó vẫn có thể ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe tổng thể, hạnh phúc và chất lượng cuộc sống của bạn.

Vận động giúp ứng phó với triệu chứng của trầm cảm theo mùa

2.3 Thực hiện chế độ ăn uống cân bằng

Chán ăn là triệu chứng khá phổ biến với chứng trầm cảm mùa xuân. Bạn có thể không muốn ăn, nhưng không được cung cấp đủ chất dinh dưỡng có thể khiến bạn cáu kỉnh, ảnh hưởng đến sự tập trung và năng suất làm việc. Tìm đến các loại thực phẩm bổ dưỡng, giảm trầm cảm và uống nhiều nước khi bạn cảm thấy khát.

3. Khi nào cần đến bác sĩ?

Người bệnh cần đi khám nếu:

Cảm giác trầm cảm và những thay đổi tâm trạng theo mùa khác kéo dài hơn 2 tuần.
Các triệu chứng bắt đầu ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày và các mối quan hệ của bạn.
Có ý nghĩ tự làm hại hoặc tự tử.
Gặp khó khăn trong việc điều chỉnh cảm xúc, chẳng hạn như tức giận, lo lắng và buồn bã, một mình…
Các triệu chứng trở nên tồi tệ hơn theo thời gian...

4. Điều trị như thế nào?

Điều trị thường bao gồm trị liệu và thuốc hoặc kết hợp cả hai.

4.1 Trị liệu

Liệu pháp nhận thức hành vi (CBT), một phương pháp thường được sử dụng để điều trị trầm cảm, dạy các kỹ thuật giúp bạn xác định và giải quyết những suy nghĩ và hành vi không mong muốn.

Các kỹ thuật được sử dụng trong CBT đối với chứng trầm cảm theo mùa (CBT-SAD) có thể bao gồm:

Tái cấu trúc nhận thức, bao gồm việc sắp xếp lại những suy nghĩ không có ích về mùa và các triệu chứng tâm trạng liên quan.
Kích hoạt hành vi, giúp bạn tạo ra một thói quen hoạt động thú vị và thói quen tích cực hoặc bổ ích.

4.2 Dùng thuốc nào?

Một số thuốc thường được bác sĩ kê đơn như: Fluoxetine, sertraline hoặc paroxetine...

Nguồn: suckhoedoisong

Sưu tầm: Ngọc Song

 


Bình luận

Viết bình luận