Những quy định mới về kinh doanh xuất khẩu gạo, hướng dẫn mới về tính giá điện cho sinh viên thuê nhà, tăng mức phạt khi bán thức ăn đường phố không dùng găng tay; là những chính sách đáng chú ý từ 1/10/2018.

Ngày đăng: 30/09/2018 - 1303 lượt đọc

Phải thông báo với UBND cấp tỉnh các điểm mua thóc, gạo

Nghị định 107/2018/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo sẽ có hiệu lực từ ngày 1/10/2018.

Những chính sách nổi bật từ 1/10/2018
Thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo phải có ít nhất 1 kho chuyên dùng để chứa thóc, gạo. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Theo Nghị định này, thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo phải đáp các điều kiện như: Có ít nhất 1 kho chuyên dùng để chứa thóc, gạo; có ít nhất 1 cơ sở xay, xát hoặc cơ sở chế biến thóc, gạo; kho chứa, cơ sở xay, xát, chế biến thóc, gạo có thể thuộc sở hữu của thương nhân hoặc do thương nhân thuê, có hợp đồng thuê tối thiểu 5 năm.

Nghị định cũng quy định, thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo phải thường xuyên duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu tương đương 5% số lượng gạo mà thương nhân đã xuất khẩu trong 6 tháng trước đó.

Bên cạnh đó, thương nhân này phải có trách nhiệm thông báo với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh các điểm mua thóc, gạo và công bố các điểm mua, niêm yết giá mua theo chất lượng, chủng loại thóc, gạo hàng hóa và mùa vụ thu hoạch để người nông dân biết và trực tiếp giao dịch.

Tăng mức phạt khi bán thức ăn đường phố không dùng găng tay 

Nghị định 115/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm sẽ có hiệu lực từ ngày 20/10/2018. 

Theo đó, phạt 500.000 đồng đến 1 triệu đồng với người bán thức ăn đường phố không sử dụng găng tay khi tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm chín, ăn ngay (mức phạt này trước đây chỉ từ 300.000 đồng - 500.000 đồng). 

Đây cũng là mức phạt cho các hành vi khi kinh doanh thức ăn đường phố mà không có bàn, tủ, giá, kệ; thức ăn không được che đậy ngăn bụi bẩn;…

Nghị định này cũng quy định, phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng đối với hành vi quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe mà không có nội dung khuyến cáo “Thực phẩm này không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”.

Phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng đối với hành vi quảng cáo thực phẩm có nội dung đăng tải, dẫn, trích dẫn hoặc nêu ý kiến người bệnh mô tả thực phẩm có tác dụng điều trị bệnh.

Quy định mới về tính giá điện cho sinh viên thuê nhà

Thông tư 25/2018/TT-BCT của Bộ Công Thương sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 16/2014-BCT quy định về thực hiện giá bán điện sẽ có hiệu lực từ ngày 26/10/2018. Theo đó, cách tính giá điện cho sinh viên và người lao động thuê nhà (không phải một gia đình) như sau:

Đối với trường hợp thuê nhà có hợp đồng thuê từ 12 tháng trở lên và có đăng ký tạm trú thì chủ nhà trực tiếp ký hợp đồng mua bán điện hoặc đại diện người thuê nhà ký hợp đồng mua bán điện (có cam kết thanh toán tiền điện của chủ nhà);

Trường hợp thời hạn cho thuê nhà dưới 12 tháng và chủ nhà không thực hiện kê khai được đầy đủ số người sử dụng điện thì áp dụng giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc 3: Từ 101 - 200kWh cho toàn bộ sản lượng điện đo đếm được tại công tơ.

Trường hợp chủ nhà kê khai được đầy đủ số người sử dụng điện thì Bên bán điện có trách nhiệm cấp định mức cho chủ nhà căn cứ vào sổ tạm trú hoặc chứng từ xác nhận tạm trú của cơ quan Công an quản lý địa bàn, cứ 4 người được tính là một hộ sử dụng điện.

Bên bán điện có quyền kiểm tra, yêu cầu bên mua điện xuất trình sổ đăng ký tạm trú hàng tháng để xác định số người tính số định mức khi tính toán hóa đơn tiền điện.

                                                                                                                                                                                        Theo Tin tức

                                                                                                                                                                                     Nguyễn Triệu (st)