Nỗi đau phía sau hàng loạt vụ gian lận thi cử: “Đến thủ khoa cũng khóc...”

Ngày đăng: 08/08/2018 - 1151 lượt đọc

Nỗi đau phía sau hàng loạt vụ gian lận thi cử: “Đến thủ khoa cũng khóc...”

“Rất nhiều thí sinh ở Sơn La, Hòa Bình, Lạng Sơn đỗ thủ khoa các trường công an, quân đội. Nếu các em có điểm cao bằng thực lực thì đáng ra phải được tự hào, tôn vinh. Nhưng trong hoàn cảnh này, thủ khoa cũng phải khóc…”- PGS-TS Bùi Thị An chia sẻ.​

Thí sinh được điểm cao bị miệt thị

Sau Hà Giang và Sơn La, nhiều cán bộ giáo dục ở Hòa Bình đã bị triệu tập, bắt tạm giam để điều tra về nghi vấn sửa bài, nâng điểm thi THPT quốc gia cho thí sinh ở tỉnh nhà. Tuy nhiên đến nay, ngoài Hà Giang, hai địa phương còn lại vẫn chưa có thông tin gì về động cơ, mục đích nâng điểm của các đối tượng.

Đã có bao nhiêu bài thi bị chỉnh sửa? Ai là người học thật thi thật, ai là được nâng điểm? Tất cả những băn khoăn này vẫn chưa có câu trả lời xác đáng.

Vì lý do này, nhiều thí sinh ở các địa phương đang bị rà soát vì có điểm thi bất thường rơi vào cảnh trớ trêu.

Tham gia kỳ thi THPT quốc gia năm nay và đạt được số điểm 27 (cả điểm ưu tiên), Lò Văn Mạnh (học sinh Trường THPT Thuận Châu, Sơn La) đăng trên một diễn đàn câu hỏi với nội dung: “Với số điểm 27, em có thể đăng ký vào được trường nào, với điều kiện ra trường sẽ dễ xin việc”.

Biết Mạnh đến từ Sơn La, cộng đồng mạng vào trang cá nhân của em chỉ trích, quy chụp được điểm cao là nhờ mua điểm.

“Em thực sự rất buồn. Vì bao nhiêu công sức, nỗ lực của mình không được thừa nhận, bị đánh đồng với những bạn có điểm cao nhờ gian lận” - Lò Văn Mạnh chia sẻ.

 
 Lò Văn Mạnh - một học sinh ở Sơn La mong vụ việc gian lận điểm thi ở địa phương mình sớm được làm sáng tỏ. Ảnh:Văn Phú

Còn với thí sinh T.N.D (học sinh Trường THPT chuyên Sơn La) - người có điểm thi cao nhất cả nước và vừa đỗ thủ khoa Học viện Cảnh sát nhân dân - vẫn khóa trang cá nhân và phóng viên không thể thuyết phục được em trả lời phỏng vấn. Khi mà đáng ra đỗ thủ khoa là niềm tự hào của không riêng thí sinh mà cả gia đình, thế nhưng trong lúc này, thủ khoa không muốn lên tiếng vì sự hoài nghi, những lời dị nghị.

PGS-TS Bùi Thị An - Đại biểu Quốc hội khóa XIII - gọi đây là nỗi đau phía sau câu chuyện gian lận thi cử - khi mà cả người học thật thi thật và người đi mua điểm cũng chẳng vui.

“Báo chí đang thông tin rất nhiều về những thí sinh ở Sơn La, Hòa Bình, Lạng Sơn đỗ thủ khoa các trường công an, quân đội. Nếu các em có điểm cao bằng thực lực thì đáng ra phải tự hào, được tôn vinh. Nhưng trong hoàn cảnh này, thủ khoa cũng phải khóc, khi các vụ việc gian lận chưa được làm sáng tỏ. 

Tôi nghĩ những em được gia đình mua điểm, các em đã 18 tuổi, có thể có những phản ứng với gia đình. Còn những người đã 18 tuổi mà không biết phản ứng với tiêu cực, tức là đồng lõa với cha mẹ, thì cần dẹp ra một bên, trả lại cơ hội cho những thí sinh khác”- PGS-TS Bùi Thị An chia sẻ.

Bao giờ trả lại điểm thật cho thí sinh?

Đây là câu hỏi của rất nhiều thí sinh, phụ huynh ở Hòa Bình và Sơn La về những vụ việc tiêu cực thi cử xảy ra ở địa phương mình.

Chị N.T.H – một phụ huynh ở Sơn La, người tích cực thu thập chứng cứ về vụ việc gian lận thi cử của địa phương - cho biết: “Chúng tôi đấu tranh không phải chỉ để đưa ra cán bộ, lãnh đạo sai phạm, mà quan trọng hơn là đòi lại công bằng cho thí sinh. Nhiều em học giỏi nhưng không được vào những trường như nguyện vọng vì bị thí sinh chạy điểm lấy mất cơ hội. Hơn hết, phải tìm ra ai là người chạy điểm và xử lý nghiêm để răn đe”.

Đồng quan điểm, PGS-TS Bùi Thị An cũng mong rằng các vụ việc gian lận thi cử vừa qua phải được làm đến cùng.

“Hàng vạn thí sinh bước vào kỳ thi với tâm thế trong sáng. Nay các em biết đâu đó có hiện tượng tiêu cực, gian lận, bức xúc đã đành mà còn cảm thấy tổn thương, tiếc cho những cố gắng của mình. Không nên vì sự háo danh, nể nang một vài người mà gây mất niềm tin của cả một thế hệ như vậy” - PGS Bùi Thị An nhấn mạnh.

                                                                                                                                                    Theo Đặng Chung - Báo Lao động