Đào tạo và việc làm cho người khiếm thị

Ngày đăng: 16/08/2018 - 2090 lượt đọc

Thực trạng đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người khiếm thị hiện nay như thế nào? Những vướng mắc cần giải quyết và biện pháp để người khiếm thị tiếp cận được với tin học… Đó là những nội dung được đưa ra “mổ xẻ” tại hội thảo “Đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người khiếm thị - thực trạng và giải pháp” do Báo Giáo Dục TP.HCM tổ chức ngày 14-9 với sự hỗ trợ của Saigontourist.

                             Quang cảnh chung buổi hội thảo

Trình độ học vấn người khuyết tật còn thấp

Mở đầu hội thảo, ông Trần Anh Tuấn - Phó giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM - cho biết TP.HCM có tổng số người khuyết tật (NKT) chiếm khoảng 1% dân số; số NKT trong độ tuổi lao động có nhu cầu việc làm hằng năm tại thành phố trung bình có trên 15.000 người. Với các giải pháp đào tạo nghề, tạo việc làm, mỗi năm thành phố đã giúp đỡ hàng ngàn NKT có nghề và có việc làm. Theo ông Trần Anh Tuấn, dự báo nhu cầu nhân lực trong giai đoạn 5 năm (2011-2015), bình quân mỗi năm thành phố thu hút trên 280.000 chỗ làm việc (trong đó 120.000 chỗ làm việc mới), những nhóm ngành nghề có thể sử dụng nhiều NKT như: CNTT, điện - điện tử, kế toán, may, giày da, thủ công mỹ nghệ… Nếu thực hiện đúng luật, 2% chỗ làm cho NKT, thì mỗi năm thu hút khoảng 5-6 ngàn NKT.

Số liệu thống kê của Thư viện Khoa học tổng hợp TP.HCM công bố, cả nước có 58,18% số NKT có việc làm có thể tự nuôi sống mình và đóng góp cho xã hội bằng nhiều ngành nghề khác nhau. Tỷ lệ NKT có nhu cầu song chưa có việc làm khoảng 30,43%. Do sức khỏe yếu, lại không được học hành đầy đủ (chỉ khoảng 6% NKT học hết bậc THPT, trên 20% có trình độ THCS), nên cơ hội kiếm việc làm của họ gần như không có. Đặc biệt càng khó khăn đối với người khiếm thị. Đây là nguyên nhân chính khiến đối tượng này khó học nghề và không tìm được việc làm, phải sống dựa vào gia đình. Bên cạnh, nhiều cơ quan, doanh nghiệp chưa thực sự muốn sử dụng đối tượng này.

Cùng chung quan điểm trên, ông Đặng Hoài Phúc - Giám đốc Trung tâm Tin học Sao Mai cho rằng, khó khăn lớn nhất của người khiếm thị ở Việt Nam chính là trình độ học vấn còn nhiều hạn chế. Người khiếm thị không thể có một cuộc sống tự lập, hòa nhập với cộng đồng chung nếu như họ không có việc làm, và nếu họ không có các kỹ năng, kiến thức, trình độ thì cơ hội kiếm việc làm trở nên vô cùng khó khăn. Một nguyên nhân khác cũng rất quan trọng là quy định tỷ lệ 2%-3% người tàn tật làm việc ở các cơ quan hành chính, doanh nghiệp chưa được thực hiện. Nhà nước cũng chưa có chế tài, chưa có cơ quan nào được phân công giám sát các cơ quan hành chính, doanh nghiệp thực hiện quy định này. Đây cũng là nguyên nhân khiến NKT nói chung và người khiếm thị nói riêng khó có cơ hội việc làm.

Giải pháp nào cho người khiếm thị có việc làm?

Để giải quyết cho nhiều người khiếm thị học nghề, có việc làm, ông Trần Anh Tuấn kiến nghị, trước tiên cần có chính sách khuyến khích các tổ chức và hỗ trợ hướng nghiệp người khiếm thị tự chọn nghề phù hợp để học và tự tạo việc làm như cung cấp thông tin, nâng cao trình độ nhận thức về xã hội và pháp lý cho người khiếm thị; điều tra phân loại người khiếm thị ở những mức độ khác nhau để chính sách hỗ trợ được thích hợp. Đối với doanh nghiệp, cần có chính sách khuyến khích hỗ trợ chỗ làm cho người khiếm thị, cải tiến công cụ lao động...; thành lập quỹ trợ giúp người khiếm thị theo luật người khiếm thị. Tăng cường xây dựng chương trình việc làm cho người khiếm thị và lồng ghép vào các chương trình dạy nghề, chương trình làm việc của thành phố, quốc gia. Các trung tâm giới thiệu việc làm phải ưu tiên dạy nghề và giới thiệu việc làm cho người khiếm thị, tư vấn cho người khiếm thị tiếp cận việc làm. Ngoài ra, hằng năm thường xuyên tổ chức Hội thi tay nghề, ngày hội việc làm của người khiếm thị. Tăng cường một số hoạt động xã hội hóa trong đào tạo nghề và giới thiệu việc làm để bảo trợ các hoạt động dạy nghề và tạo việc làm cho người khiếm thị bằng cách mở rộng các hình thức liên kết đào tạo, liên kết giới thiệu việc làm trong việc dạy văn hóa, dạy nghề và việc làm với các trường ĐH, CĐ, TC nghề, trung tâm dạy nghề… nhằm nâng cao năng lực nghề nghiệp và giải quyết việc làm ổn định cho đối tượng này. 

Tại hội thảo, những vấn đề như: Tầm quan trọng của CNTT trong quá trình dạy - học cho học sinh khiếm thị, những khó khăn trong việc dạy môn tin học và các phần mềm dạy học cho trẻ khiếm thị và trẻ khiếm thị - đa tật... cũng được nhiều đại biểu đưa ra bàn luận, tìm giải pháp.

                                                                                                           Theo Nguyên Hải - Báo Giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh

                                                                                                                                              (Phạm Mai st)