Việc làm cho người khiếm thị

Ngày đăng: 27/10/2012 - 1119 lượt đọc

Để người khiếm thị (NKT) được học nghề và tìm được việc làm thích hợp là những trăn trở của nhiều diễn giả trong hội thảo “Đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho NKT” do Báo Giáo Dục TPHCM và TT Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động (TTDBNCNL) tổ chức tuần qua.

Nghề nào phù  hợp

Theo thống kế của BV Mắt T.Ư vào đầu năm 2010, cả nước có khoảng 600 người mù cả hai mắt, cuộc sống nhiều NKT gặp nhiều khó khăn do không được đào tạo nghề, hoặc đã được đào tạo nhưng lại không phù hợp với khả năng và sức khỏe. Hiện có khoảng 8% NKT được học văn hóa, 15% được học nghề và 20 % NKT tìm được việc làm. 

Theo ông Trần Anh Tuấn - Phó GĐ TTDBNCNL TPHCM, những nghề phù hợp với NKT là: May, thêu, đan, thủ công mỹ nghệ, in lụa, cắt tóc, sửa chữa điện tử, điện thoại. Nhưng những việc này không ổn định và mức thu nhập thấp. Ông Nguyễn Đình Kiên - Chủ tịch Hội Người mù TPHCM - nói: NKT được đào tạo nghề thủ công mỹ nghệ , thêu, may, hay tết cườm chỉ phù hợp từng giai đoạn, khó tìm việc và nếu có thì mức lương chỉ khoảng 600.000 đồng/tháng/người.

Tại TPHCM, Hội Người mù TPHCM và Trường PT đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu đang đào tạo nghề massage cho NKT. Nghề này dễ tìm việc với mức thu nhập từ 1,1 - 2 triệu đồng/người/tháng.

Cần phần mềm riêng của người Việt

Người khuyết tật với CNTT.
Người khuyết tật với CNTT.

Nhóm ngành CNTT dễ thu hút NKT học và tìm việc làm. Tuy nhiên, NKT cần có trình độ văn hóa nhất định mới. Nhiều đại biểu cho rằng, nghề CNTT sẽ phù hợp với NKT. Tuy nhiên theo ông Kiên, nghề CNTT sẽ giúp cho NKT có khả năng tiếp cận thông tin và nhìn ra thế giới. Nhưng NKT hiện nay rất ít người có thể học nâng cao để trở thành những lập trình viên, kỹ sư...

Vì trình độ văn hóa của NKT còn hạn chế. Hội Người mù TPHCM đã mở 13 khóa đào tạo tin học đào tạo cho trên 100 học viên NKT, tuy nhiên rất ít học viên ra trường tìm được việc làm bằng nghề tin học.

Bà Hà Thanh Vân – Hiệu trưởng Trường PT đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu - cho rằng, đào tạo nghề CNTT cho người mù là rất khó, vì học tin học đòi hỏi phải giỏi tiếng Anh mới có thể giỏi nghề và hành nghề được. Còn không, tin học chỉ có thể là nghề bổ trợ cho nghề khác để NKT tìm kiếm việc làm.

Tuy nhiên, để CNTT thực sự trở thành một nghề phù hợp cho NKT, bà Vân đề nghị: “Hội người mù TPHCM hãy tập hợp những “hiệp sĩ” giỏi về CNTT trong nước lại để viết và xây dựng những phần mềm CNTT phù  hợp và dành riêng cho NKT Việt Nam. Có những phần mềm phù hợp bằng tiếng Việt, NKT mới có nhiều cơ hội học tập, phát triển và sống với nghề CNTT.

                                                                                                                                                                                         Theo Lao động

                                                                                                                                                                                           Phạm Mai (st)