Cơ hội để người khiếm thị Việt tiếp cận công nghệ thông tin

Ngày đăng: 21/12/2017 - 1220 lượt đọc

TPO - Với mong muốn sẽ tạo điều kiện cho nhiều người khiếm thị được tiếp cận và sử dụng các thiết bị chuyên dụng công nghệ cao, khóa đào tạo giáo viên công nghệ thông tin đã được khai giảng vào sáng 21/12.

Một trong những học viên của khóa đào tạo giáo viên công nghệ thông tin dành cho người khiếm thị ở Việt Nam.

Thực hiện mục tiêu phổ biến và triển khai một cách có hiệu quả Dự án “Gói đào tạo Công nghệ thông tin cho người khiếm thị” trên toàn lãnh thổ Việt Nam nhằm nâng cao chất lượng giáo dục và cuộc sống của người khiếm thị. Sáng nay (21/12), Công ty Nippon Telesoft – Nhật Bản, Cơ quan hợp tác Quốc tế Nhật Bản Jica đã hợp tác với Hội Người mù Việt Nam tổ chức khai giảng khóa học “đào tạo giáo viên công nghệ thông tin” tại Trung tâm đào tạo Phục hồi chức năng cho người mù.

 Cơ hội để người khiếm thị Việt tiếp cận công nghệ thông tin - ảnh 1


Các thiết bị như máy tính, máy in chữ Braille, máy phóng to màn hình, thiết bị và phần mềm chuyên dụng khác dành cho người khiếm thị được sản xuất tại Nhật Bản theo công nghệ tiên tiến sẽ được lắp đặt tại 2 trung tâm ở Hà Nội và Thừa Thiên Huế.
Khóa đào tạo nằm trong Dự án mang tên “Khảo sát, xác minh, phổ biến Trung tâm giáo dục công nghệ thông tin nhằm nâng cao chất lượng giáo dục và cuộc sống của người khiếm thị”.

Dự án sẽ được thực hiện trong thời gian 2,5 năm (từ tháng 3/2017 đến tháng 8/2019) tại Trung tâm Đào tạo – Phục hồi chức năng cho người mù và Hội Người mù tỉnh Thừa Thiên Huế.
Bên cạnh đó, để giúp người mù Việt Nam tiếp cận tốt hơn với máy móc công nghệ cao của Nhật Bản, dự án cũng sẽ tổ chức các khóa đào tạo gồm: Khóa đào tạo nâng cao cho các giáo viên dạy công nghệ thông tin hiện có của Hội và các khóa đào tạo thử nghiệm cho hội viên; tổ chức các hội thảo chuyên đề nhằm trao đổi kỹ năng, kinh nghiệm trong việc học và dạy CNTT cho người mù hiện nay; chỉnh lý và phát triển tài liệu dạy vi tính hiện có của các trung tâm và của Hội để phù hợp hơn với sự phát triển của khoa học công nghệ và máy móc thiết bị hiện đại.

Trong chương trình khởi động dự án, từ ngày 24/3 đến 6/4/2017, phía Nhật Bản đã tổ chức một đoàn chuyên gia sang Việt Nam khảo sát, làm việc với các bên liên quan để thống nhất cách thức triển khai và các nội dung cụ thể của dự án. Đoàn khảo sát gồm đại diện văn phòng JICA tại Việt Nam, đại diện Công ty Nippon Telesoft, các nhà tư vấn trong lĩnh vực dạy CNTT và đào tạo người khiếm thị của một số trường ĐH danh tiếng tại Nhật Bản.

Ngoài các buổi làm việc với những đơn vị trực tiếp triển khai dự án là Trung ương Hội, Trung tâm ĐT-PHCN cho người mù và Tỉnh hội Thừa Thiên Huế, đoàn khảo sát còn có các buổi làm việc với đại diện Bộ LĐTB&XH, Bộ Giáo dục và đào tạo, Bộ Thông tin và Truyền thông để nắm bắt cơ chế, chính sách hỗ trợ của Việt Nam trong các lĩnh vực giáo dục và công nghệ thông tin cho người khuyết tật nói chung và người  mù nói riêng.

Đoàn khảo sát cũng dành thời gian làm việc với Hội Người mù TP Hồ Chí Minh, Thành hội Đà Nẵng, Trung tâm khiếm thị Nhật Hồng và Trường Nguyễn Đình Chiểu, Hà Nội để nắm bắt thêm nhu cầu, nguyện vọng và ý kiến của người mù Việt Nam có thêm thông tin và ý tưởng để triển khai, thực hiện các hoạt động của dự án một cách có hiệu quả nhất và tạo sự kết nối với các đơn vị trong và ngoài hệ thống Hội. 

Với những hoạt động dự kiến, dự án mong muốn sẽ tạo điều kiện cho nhiều người mù được tiếp cận và sử dụng các thiết bị chuyên dụng công nghệ cao cho người mù của Nhật Bản, đề xuất hỗ trợ việc làm cho người mù sau khi hoàn thành các khóa đào tạo của dự án có hiệu quả hơn.

Theo Tiền Phong

Sưu tầm: Phạm Mai