Môi trường hòa nhập cho trẻ tự kỷ: Vẫn chưa có lời giải

Ngày đăng: 10/11/2020 - 831 lượt đọc

Theo PGS.TS Nguyễn Đức Minh – Phó Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam - Bộ Giáo dục và Đào tạo, đến hiện tại, tự kỷ chưa được công nhận là một dạng tật riêng nên các văn bản hướng dẫn vẫn chưa đạt được sự hoàn thiện. Còn nhiều bất cập

Theo ông Nguyễn Tuấn Anh – Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Cầu Giấy: “Khi nhắc tới môi trường hòa nhập là hướng tới sự công bằng, không phân biệt đối xử. Tuy nhiên, hiện nay các văn bản liên quan đến “học sinh rối loạn phổ tự kỷ (RLPTK) ” chưa cụ thể. Trong “Hướng dẫn nhiệm vụ năm học mới 2020 - 2021” của Bộ GD&ĐT, nội dung liên quan dành cho đối tượng khuyết tật không nhiều. Trong hướng dẫn thực hiện chương trình và sách giáo khoa mới chưa thấy đề cập đến những điều chỉnh dành cho học sinh khuyết tật nói chung và học sinh RLPTK nói riêng.

Hiện nay, Việt Nam chỉ còn 3 trường Đại học có đào tạo GV chuyên ngành giáo dục đặc biệt (GDĐB). Theo quy định mới từ năm học 2020 – 2021,  trường Cao đẳng không được tuyển sinh ngành giáo dục đặc biệt vì thế tình trạng thiếu GV chuyên ngành GDĐB có nguy cơ ngày càng trầm trọng hơn. Bên cạnh đó, nội dung GDĐB chỉ là môn tự chọn trong chương trình đào tạo GV ở các trường Đại học vì thế nhiều GV sau tốt nghiệp thiếu kiến thức về giáo dục học sinh khuyết tật.

Đến hiện tại, tự kỷ chưa được công nhận là một dạng tật riêng nên các văn bản hướng dẫn vẫn chưa đạt được sự hoàn thiện. (Ảnh minh họa)

Chính sách nhiều nhưng cần thực tế hơn

Theo PGS.TS Nguyễn Đức Minh – Phó Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam - Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết: “Hiên nay, giáo dục hòa nhập (GDHN) trong trường công lập ở Hà Nội còn nhiều hạn chế về các mặt: thực hiện văn bản chính sách của nhà nước, thiếu nguồn lực tài chính, thiếu phương tiện, thiết bị và học liệu dạy học. Đến thời điểm hiện tại, tự kỷ chưa được công nhận là một dạng tật riêng mà chỉ nằm trong các dạng khuyết tật khác. Cũng vì thế các văn bản hướng dẫn vẫn chưa đạt được sự hoàn thiện”.

Cũng theo PGS.TS Nguyễn Đức Minh, từ lâu Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chủ trương xây dựng một hệ thống Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển Giáo dục Hòa nhập (HT&PT GDHN). Đến tháng 10/2020 cả nước có 14 trung tâm HT & PT GDHN cấp tỉnh đang hoạt động, cung cấp các dịch vụ về GD ĐB. Thành phố Hà Nội chưa có trung tâm HT &  PTGDHN.

Do chính sách của Nhà nước, khi mà bộ Bội Nội vụ chưa đưa ra quyết định chính thức nên vấn đề bổ sung biên chế giáo viên, nhân viên hỗ trợ người khuyết tật chưa có lời giải. Nghị định 28 của Chính phủ về Chế độ phụ cấp cho giáo viên dạy GDHN đã có từ năm 2012, 23/63 tỉnh thành đã thực hiện, riêng Hà Nội là một trong những tỉnh/TP vẫn chưa thống nhất được chính sách này.

“Về mặt chính sách, nước ta hiện nay rất nhiều, nhưng chưa sát với thực tế. Chẳng hạn như chính sách phổ cập giáo dục mới là tạo điều kiện cho học sinh trên địa bàn đúng độ tuổi được theo học, bao gồm cả học sinh khuyết tật. Tuy nhiên về cơ sở vật chất, phương tiện chưa đáp ứng được, cán bộ quản lý chưa được đào tạo bồi dưỡng về GDĐB… cũng là một khó khăn chưa được tháo gỡ. Cá nhân tôi nghĩ rằng, Nhà nước ta nên đưa ra các chính sách phù hợp hơn. Trước hết là chính sách đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên trước khi tiếp nhận trẻ khuyết tật tham gia GDHN”, PGS.TS Nguyễn Đức Minh nói.

Giáo dục người khuyết tật nói chung, trẻ RLPTK nói riêng đòi hỏi rất lớn về tài chính. Trong bối cảnh đất nước còn khó khăn, nhiều đối tượng cần quan tâm thì trước hết ngành giáo dục cần tận dụng triệt để các nguồn xã hội hóa. Nhiều doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức sẵn sàng chung tay giúp đỡ người khuyết tật. Những gia đình có điều kiện về kinh tế có thể tự trang trải phí can thiệp hỗ trợ trẻ RLPTK. Nhưng thiết nghĩ, Nhà nước cũng cần có cơ chế hỗ trợ toàn phần hoặc một phần đối với gia đình là hộ nghèo, hộ cận nghèo có con là trẻ khuyết tật đang học hòa nhập. 

Bên cạnh đó cần nêu cao trách nhiệm của gia đình trong việc đồng hành cùng nhà trường, bởi có rất nhiều cha mẹ không đánh giá đúng năng lực của con và đẩy hết trách nhiệm cho nhà trường.

“Theo tôi, với trẻ tự kỷ nói riêng, trẻ em khuyết tật nói chung, chúng ta nên đặc biệt quan tới việc nâng mức kỹ năng sống của các cháu, thay vì đặt nặng vào vấn đề học thuật và thành tích thi cử”, PGS.TS Nguyễn Đức Minh đề xuất.


Chúng ta nên đặc biệt quan tới việc nâng mức kỹ năng sống của các cháu, thay vì đặt nặng vào vấn đề học thuật và thành tích thi cử. (Ảnh minh họa)

Thay đổi nhận thức đưa tới thay đổi hành động

 TS. Nguyễn Thị Kim Hoa - Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục đặc biệt Quốc gia chia sẻ: “So với những năm trước đây, GDHN cho trẻ khuyết tật nói chung và trẻ tự kỷ nói riêng đã có những bước tiến rất tốt.

Là một thành viên của Hội đồng Giáo dục đặc biệt Đông Nam Á, có cơ hội được tham gia cá hoạt động hội thảo, hội nghị và phát triển chuyên môn về GDĐB, TS. Nguyễn Thị Kim Hoa nhận thấy rằng: “Trong 10 năm trở lại đây những kiến thức, kỹ năng của đội ngũ chuyên gia, giáo viên, cán bộ quản lý của Việt Nam về giáo dục trẻ RLPTK có sự phát triển vượt trội. Phụ huynh, cha mẹ trẻ RLPTK rất tích cực, chủ động trong việc tự nâng cao trình độ của bản thân và nâng cao nhận thức cộng đồng về quyền được giáo dục của trẻ RLPTK. Nhiều gia đình có điều kiện còn tự túc tài chính để đi nước ngoài hoặc mời chuyên gia, mua tài liệu về các phương pháp giáo dục trẻ RLPTK để tự nâng cao kiến thức, kỹ năng cho mình và các cha mẹ khác.

Bên cạnh đó, khá nhiều dự án của các tổ chức quốc tế, tổ chức xã hội dân sự vì người khuyết tật trong nước rất quan tâm đến trẻ tự kỷ. Vì thế nhiều hoạt động liên quan đến giáo dục trẻ RLPTK được diễn ra: tập huấn, thăm khám sàng lọc; hội thi thể thao văn nghệ…. Giáo viên, cha mẹ trẻ được nâng cao trình độ hiểu biết, nhận dạng trẻ rối loạn phổ tự kỷ, có được kỹ năng tương tác với trẻ, các kỹ năng can thiệp cá nhân hay nhóm trong lớp học hòa nhập và tại gia đình. Tuy nhiên, những kiến thức và kỹ năng này chủ yếu phổ biến trong môi trường can thiệp hỗ trợ trực tiếp cho trẻ tại các trung tâm hay tại chính gia đình học sinh. Việc chuyển giao vào cơ sở giáo dục hòa nhập ở các trường công lập vẫn còn nhiều hạn chế. Và các dự án từ các tổ chức này cũng chỉ tập trung ở một số vùng chứ không phải ở tất cả các tỉnh, các trường”.

Cũng theo TS. Nguyễn Thị Kim Hoa: “Trong một môi trường có trẻ tự kỷ học hòa nhập, các cháu có những khiếm khuyết, khó khăn rất đặc trưng về mặt tương tác xã hội, giao tiếp và đặc biệt là các vấn đề về hành vi không mong muốn. Để GDHN hiệu quả cần thay đổi và điều chỉnh. Nói như thế không có nghĩa là làm mọi cách để khiến trẻ RLPTK phải thay đổi hành vi để phù hợp với các học sinh khác mà bằng các phương pháp, kỹ thuật đặc thù nhà giáo dục cần tác động vào điểm mạnh, khắc phục điểm yếu của trẻ RLPTK. Đồng thời giúp thay đổi nhận thức, hành vi, thái độ của tất cả mọi người xung quanh tạo ra một môi trường thân thiện chào đón và tôn trọng các khác biệt của từng cá nhân.

Để cải thiện tình trạng nêu trên Ban chỉ đạo Giáo dục Trẻ khuyết tật và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, Bộ GD&ĐT đã có những chỉ đạo và việc làm cụ thể trong thời gian tới. Ban chỉ đạo giao cho Trung tâm Giáo dục đặc biệt Quốc gia, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam chủ trì trong các hoạt động: Xây dựng cơ sở dữ liệu cho việc thực hiện quy hoạch các cơ sở giáo dục chuyên biệt và trung tâm HT &PTGDHN; Phát triển hệ thống dịch vụ HT &PTGDHN trong cả nước và xây dựng mô hình cơ cơ sở giáo dục và hỗ trợ người có rối loạn phát triển. Trong đó có trẻ RLPTK là đối tựng được đặc biệt quan tâm và tập trung nghiên cứu”./.

Nguồn: VOV.vn

Sưu tầm: Bùi Ngọc Song