Trợ giúp người khuyết tật: Tập trung kinh phí từ ngân sách, xây dựng kế hoạch của từng địa phương

Ngày đăng: 19/11/2020 - 1016 lượt đọc

Theo Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng, giải pháp trọng tâm thực hiện đề án Hỗ trợ người khuyết tật giai đoạn 2021 – 2030 là tập trung nguồn kinh phí từ ngân sách dành cho người khuyết tật; xây dựng kế hoạch của từng địa phương, vận dụng linh hoạt và sáng tạo.

Cục Bảo trợ Xã hội - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vừa phối hợp với Uỷ ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam, Cơ quan phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và VNAH tổ chức Hội nghị tổng kết chương trình trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2012-2020 và triển khai giai đoạn 2021-2030.

Bà Phạm Thị Hải Hà - Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ Xã hội phát biểu 

170.000 người khuyết tật được chăm sóc sức khỏe

Bà Phạm Thị Hải Hà – Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ Xã hội trình bày báo cáo kết quả thực hiện đề án trợ giúp người khuyết tật 2012 – 2020 ( Đề án 1019). Theo bà Hà, hiện nay, cả nước có khoảng 6,2 triệu người khuyết tật, chiếm 7,06% dân số từ 2 tuổi trở lện, trong đó có 58% là nữ; 28,3% là trẻ em, gần 29% là người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng. Tính đến cuối năm 2019, đã có gần 3 triệu người khuyết tật được cấp giấy chứng nhận khuyết tật.

Trong quá trình triển khai Đề án, việc ban hành văn bản và đã tạo khung pháp lý cho đề án đã được các Bộ, ngành thực hiện có hiệu quả. Công tác tổ chức tuyên truyền đã mang lại hiệu quả đến với các đội tượng trong cộng đồng. Nhiều mô hình, cách làm hay trong công tác tuyên truyền đã tổ chức đa dạng, phong phú của các Bộ, ngành như: In ấn tờ gấp, poster, tuyên truyền về nhận thức trong các ngày Hội, các phóng sự, tin tài trên các phương tiện đã góp phần nâng cao nhận thức  của xã hội về công tác khuyết tật. Bên cạnh đó, hàng năm Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tổ chức các cuộc kiểm tra, giá sát, đánh giá kết quả khuyết tật tại các địa phương.

Đến nay cả nước có 50 tỉnh/thành phố đã ban hành Kế hoạch phát triển công tác phục hồi chức năng; 36 tỉnh, thành phố đã tiến hành khám sang lọc khuyết tật, xác định nhu cầu cần phục hồi của người khuyết tật, trong đó có 16 tỉnh được bổ sung ngân sách của Bộ Y tế để triển khai hoạt động; 29/63 tỉnh, thành phố triển khai hệ thống thông tin và có trên 500.000 người khuyết tật đã được lập hồ sơ theo dõi phần mềm. Chương trình phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng cho người khuyết tật đến nay đã được triển khai tại 50 tỉnh, thành phố với 337 quận, huyện và 4.604 xã, phường. Thông qua chương trình, đã có 170.000 người khuyết tật được chăm sóc sức khỏe, 23,2% người khuyết tật có nhu cầu được phục hồi chức năng tại cộng đồng, góp phần quan trọng trong công tác chăm sóc sức khỏe người khuyết tật.

Việc thực hiện mục tiêu và các chỉ tiêu đề án đặt ra là tương đối khó, các chỉ tiêu hoàn thành mức cao là trợ giúp pháp lý, tiếp cận giáo dục, tiếp cận giao thông đường hàng không; các chỉ tiêu hoàn thành mức trung bình, bao gồm:  Phát hiện sớm và can thiệp sớm, đào tạo, tập huấn cán bộ làm công tác trợ giúp người khuyết tật; những chỉ tiêu đạt thấp là dạy nghề, tạo việc làm, tiếp cận các công tác  trình xây dựng, tiếp cận và sử dụng công nghệ thông tin, văn hóa thể thao và du lịch.

Theo đánh giá, kết quả Đề án 1019 cho thấy: Các nhóm chỉ tiêu đạt cao trong quá trình thực hiện đề án như: Trợ giúp pháp lý, tiếp cận giáo dục, giao thông vận tải. Đề án 1019 là một chính sách và chương trình, thể hiện sự quan tâm và trách nhiệm của Đảng, Nhà nước ta đối với người khuyết tật, được xã hội đồng tình và đánh giá cao, người khuyết tật phấn khởi đón nhận và tham gia tích cực. Các Bộ ngành Trung ương đã chủ động, tích cực triển khai đề án theo chức năng, nhiệm vụ, nhiều Bộ đã triển khai và đánh giá kết quả cụ thể, thiết thực như: Bộ Y Tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hóa và Thể thao và Du lịch, Bộ Thông tin và Truyền Thông, Giao thông vận tại, Bộ Xây dựng, Bộ Tư pháp… đã xây dựng triển đề án giai đoạn và hàng  năm. Ban hành các chính sách, quy chuẩn, tiêu chuẩn các văn bản hướng dẫn cách giúp các địa phương triển khai thực hiện đề án. Bộ LĐ –TBXH đã có nhiều cố gắng trong vai trò là cơ quan chủ trì, điều phối hoạt động chung. Ngoài ra, nhiều địa phương đã sớm xây dựng và phê duyệt Kế hoạch thực hiện đề án trên địa phương mình, thành lập Ban công tác  người khuyết tật liên ngành, bố trí kinh phí và chỉ đạo thực hiện cụ thể, quyết liệt và đạt được nhiều kết quả thiết thực; vận dụng và thực hiện các chính sách hỗ trợ người khuyết tật cao hơn mức chung của cả nước, có nhiều chính sách mới linh hoạt sáng tạo nhằm hỗ trợ đời sống và tạo điều kiện hòa nhập cho người khuyết tật như: Lạng Sơn, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội, Đà Nẵng, Phú Yên, Khánh Hòa, TPHCM, Bình Dương…

Qua triển khai thực hiện Đề án 1019 đã góp phần nâng cao nhận thức, quan điểm đối với người khuyết tật và trách nhiệm của các cấp, các ngành trong việc thực hiện luật pháp chính sách đối với người khuyết tật. Đồng thời, tiếp tục khơi dậy và phát huy truyền thống, đạo lý, văn hóa tốt đẹp của dân tộc, qua đó thúc đẩy thêm một bước định hướng phát triển các phương thức huy động nguồn nhân lực cộng đồng theo phương châm xã hội hội hóa nhằm giải quyết tốt các vẫn đề xã hội của đất nước.

Toàn cảnh hội nghị

Không để các hộ nghèo là người khuyết tật nghèo suốt đời

Đại diện lãnh đạo Sở LĐ –TBXH tỉnh Khánh Hòa chia sẻ, địa phương là đã tổ chức đào tạo nghề và tạo việc làm cho người khuyết tật với các mô hình như: đan mây tre lá cho người mù,  trồng trên 4ha xoài cho người khuyết tật. Mô hình hỗ trợ về pháp lý, giáo dục, y tế, hộ người nghèo và đặc biệt xác định được mức của người khuyết tật tại địa phương.

Tuy nhiên, việc di chuyển của người khuyết tật tại địa phương vẫn còn nhiều khó khăn do các công trình xây dựng, giao thông chưa đảm bảo. Việc hỗ trợ tìm việc làm cho người khuyết tật là bài toán nan giải vì không có nơi tiếp nhận, dẫn đến tình trạng người khuyết tật được học nghề, song không có việc làm.  

Trên cơ sở đó, tỉnh Khánh Hòa đề xuất, cần có chế tài với các ngành không thực hiện; đối với trẻ em khuyết tật cần tạo điều kiện cho các em học lên cấp 2.

Đồng quan điểm, bà Phan Thị Hồng Hạnh, Phó Giám đốc Sở LĐ – TBXH tỉnh Vĩnh Long cho rằng, Các văn bản chỉ đạo của các Bộ ngành phải thống nhất, không chồng chéo. Đối với đối tượng nghèo là đối tượng Bảo trợ xã hội, cần điều chỉnh bổ sung đúng đối tượng để thực hiện chính sách, hỗ trợ cho các đối tượng hiệu quả.

Mặt khác, cần xác định đối tượng khuyết tật là hộ nghèo, để xác định các đối tượng đặc thù nhằm giúp hộ này thoát nghèo, không để các hộ nghèo là người khuyết tật nghèo suốt đời.

Theo đại diện Sở LĐ – TBXH tỉnh An Giang, Bạc Liêu, Sở Y tế tỉnh Bình Phước, hiện chưa có chủ trương về cho người khuyết tật vay vốn sản xuất, kinh doanh. Điều kiện đưa ra cho người khuyết tật vay vốn cần phải có giải pháp. Việc xây nhà cho đối tượng người khuyết tật cũng cần nghiên cứu, xem xét phù hợp cho các đối tượng; đồng thời cần quan tâm các sản phẩm đầu ra cho người khuyết tật…

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng cho rằng, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác trợ giúp người khuyết tật còn một số tồn tại, hạn chế như: Việc quan tâm và vào cuộc của Trung ương và địa phương trong thực hiện đề án chưa có tính đồng bộ, còn nhiều bất cập. Nguồn kinh phí hỗ trợ cho người khuyết tật còn hạn chế; tiếng nói hay đề xuất của các Hội người khuyết tật cũng chưa được lắng nghe. Công tác kiểm tra, giám sát chưa thực hiện đồng bộ, còn hạn chế. 

Thứ trưởng Lê Tấn Dũng nhấn mạnh, trong thời gian tới các địa phương cần tập trung các giải pháp, biện pháp thực hiện tốt đề án Hỗ trợ người khuyết tật giai đoạn 2021 – 2030, với các nhiệm vụ trọng tâm như: Xây dựng kế hoạch của từng địa phương, bám sát chỉ đạo của Thủ tướng, vận dụng linh hoạt và sáng tạo, phù hợp với điều kiện, kinh tế.

Đồng thời, chú trọng phục hồi, chăm sóc sức khỏe cho người khuyết tật; phòng chống dịch bệnh, thiên tai cho người khuyết tật; Ưu tiên, các công trình xây dựng,  giao thông, trợ lý pháp lý, giáo dục, ý tế cho người khuyết tật.

Cùng với việc tập trung nguồn kinh phí từ ngân sách, ODA, viện trợ không hoàn lại, nguồn vốn xã hội hóa để dành cho người khuyết tật, cần xây dựng kế hoạch các chương trình đào tạo nghề, giải quyết việc làm, giảm nghèo lồng ghép các hoạt động hỗ trợ người khuyết tật. Điều này sẽ tạo điều kiện cho người khuyết tật có cơ hội tham gia và vươn lên, hòa nhập cộng đồng.

Nguồn: taichinhdoanhnghiep.net.vn

Sưu tầm: Ngọc Song