Cô gái khuyết tật với đam mê làm chuyên gia tâm lý và M.C

Ngày đăng: 16/05/2019 - 1183 lượt đọc

Sinh ra hai mắt đã không nhìn rõ, cuộc sống của em trải qua nhiều biến cố. Vượt lên tất cả, em không chỉ thực hiện được ước mơ chuyên gia tâm lý cho những người khuyết tật, khó khăn mà còn đam mê với vai trò một MC.

Giang trong cuộc thi Vẻ đẹp Vầng trăng khuyết 2019. Ảnh: TL

Bất hạnh ngay từ khi sinh ra

Nhân vật mà chúng tôi muốn nhắc đến là Lê Hương Giang (SN 1995 ở Hà Nội). Hiện Giang là sinh viên Khoa Tâm lý học - Trường Đại học Khoa học, xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội).

Theo chia sẻ của chị Trịnh Thị Hương - mẹ Giang, ngay khi sinh ra Giang đã không thấy rõ một bên mắt nhưng tới 3 tháng sau gia đình mới phát hiện. Một bên mắt còn lại thị lực cũng chỉ 1/10. Từ khi còn ẵm ngửa đến hết tiểu học, phần lớn thời gian Giang phải ở bệnh viện tập phản xạ mắt, khám hay mổ kéo lác.

Thương con gái sớm mất đi ánh sáng, vợ chồng chị Hương đã đưa con đi chạy chữa khắp nơi, ai mách phương thuốc gì lại cất công tới nhưng ở đâu cũng chỉ có câu trả lời duy nhất là “không thể chữa được”.

May mắn với Giang là luôn có bố mẹ ở bên để hỗ trợ. Mẹ của Giang đã động viên em làm bất cứ việc gì mình thích. Có lẽ vậy trong sinh hoạt hàng ngày, Giang có thể chủ động tự cắm cơm, nấu ăn… mà không phải nhờ đến sự giúp đỡ của người khác. Giang cũng có thêm động lực và thấy rằng khiếm thị không phải là điều gì đó quá tồi tệ. “Dù không thấy gì nhưng em luôn chủ động làm nhiều việc. Giang cũng có thể sử dụng máy tính, điện thoại như người bình thường với phần mềm hỗ trợ bằng giọng nói để nhận biết”, mẹ Giang chia sẻ.

Chấp nhận là người khiếm thị, Giang làm quen dần với bóng tối khi lên đầu cấp 2, hai mắt mờ hẳn. Giang cố gắng tự lập trong mọi việc của mình, từ những điều nhỏ nhất. Dù là người khiếm thị nhưng Giang không sử dụng gậy dò đường.

Khi tiếp xúc với Giang, chẳng ai nghĩ Giang là người khiếm thị bởi luôn tràn đầy năng lượng, sự lạc quan với nụ cười tươi. Giang tự nhận đó là tích cách của mình. Song ai cũng biết để có được đó, Giang đã phải vượt qua rất nhiều khó khăn.

“Tuổi thơ của em là những ngày thui thủi một mình khi những người bạn mắt sáng không chơi, cũng chẳng nói chuyện cùng. Đến lớp, em chỉ một mình ngồi góc lớp lắng nghe các bạn cười đùa vui vẻ cùng nhau. Không ít người còn lấy khiếm khuyết của em ra để chế giễu. Tới giờ, em vẫn còn nhớ câu nói của một ai đó với mình rằng “mù như em sau này chỉ đi làm xoa bóp bấm huyệt mà thôi”, Giang chia sẻ.

Những năm học tiểu học, Giang viết chữ hầu như theo cảm giác. Khi lên cấp 3, Giang quyết tâm thi vào Trường THPT Thăng Long. Nơi đây, Giang là học sinh khiếm thị duy nhất của trường. Nhưng với một ngôi trường công lập không học chữ nổi, không có thiết bị hỗ trợ cho người khiếm thị, việc theo học của Giang gặp nhiều khó khăn. Đã có lúc Giang nghĩ dừng chân con đường đến trường.

Sự động viên của gia đình, thầy cô và nỗ lực của bản thân, Giang đã “hòa nhập” được. Và suốt 3 năm phổ thông, cô gái này đã đạt thành tích học sinh giỏi, giành giải 3 nghiên cứu khoa học quốc gia nên được tuyển thẳng vào Khoa Tâm lý, ĐH KHXH&NV vào năm 2014.

Mong ước làm chuyên gia tâm lý hỗ trợ cho người khuyết tật

Hai mẹ con Giang.

Giang hiểu được rằng, với những người khiếm khuyết như Giang không phải ai cũng dễ dàng vượt qua được tâm lý chấp nhận số phận của mình. Ngay bản thân Giang, khi mới bước ra với cộng đồng cũng đã gặp nhiều trở ngại, lo lắng mà không thể chia sẻ với ai.

Giang kể, khi còn đi học thấy các bạn học khá trong lớp phải nghỉ học do phụ huynh không tin vào tương lai tốt đẹp hơn cho những người khuyết tật theo con đường học vấn, những người bạn từng cùng ngồi trên dãy hành lang kể cho nhau nghe về giấc mơ làm giáo viên, luật sư, họa sĩ… giờ bỏ cuộc do thiếu niềm tin từ gia đình và vào chính mình nên mình. Chính điều này mà Giang luôn mơ ước thành một chuyên gia tâm lý trong lĩnh vực người khuyết tật để mong gạt bỏ những rào cản đó. Khi được tuyển thẳng vào Khoa Tâm lý của Trường Nhân Văn, Giang đã và đang thực hiện mong ước này của mình.

Là một người năng động, hoạt ngôn, Giang còn thử sức mình với nhiều lĩnh vực, tích cực tham gia các hoạt động xã hội. Năm lớp 12, Giang đã có cơ duyên đến với nghề MC khi bắt đầu cộng tác với VOV. Ba năm làm việc ở Đài tiếng nói Việt Nam là cơ hội tốt để rèn luyện kỹ năng làm MC. Năm 2016, cô bạn đoạt giải Nhất cuộc thi Người dẫn chương trình The Next 2016. Sau thời gian này, Giang có cơ hội trở thành MC cho chương trình “Cuộc sống vẫn tươi đẹp” của VTV4 hay “Cà phê sáng” của VTV3. Đến giờ, Giang là MC khiếm thị đầu tiên của Đài Phát thanh - Truyền hình Việt Nam.

Không nhìn thấy được như các anh chị BTV hoặc MC khác, Giang cảm nhận những chuyển động xung quanh mình bằng hơi thở của mọi người. Để chủ động cho công việc, Giang đọc kịch bản bằng phần mềm giọng nói trên máy tính và xử lý tình huống bằng sự thông minh nhạy bén của mình.

Cách đây không lâu, Giang còn vượt qua nhiều ứng cử viên nặng ký tới từ nhiều tỉnh thành khác trong cả nước đạt giải Á Khôi của "Vẻ đẹp vầng trăng khuyết" năm 2019. Với câu chuyện của bản thân, Giang đã truyền cảm hứng cho rất nhiều người không chỉ là những người khuyết tật.

Theo đuổi đam mê của mình, Giang luôn tâm niệm rằng: “Khi mà tôi nghĩ tôi có thể thì tôi có thể làm được”. Khi người khuyết tật nghĩ là tôi có thể vươn lên, tôi có thể hòa nhập với cộng đồng và biến nó trở thành những hành động cụ thể thì chính bạn cũng có thể làm được”.

Giang cũng cho biết thêm dự định trong tương lai của mình: “Trước mắt, em sẽ thực hiện nốt ươc mơ còn dang dở là trở thành nhà tâm lý. Tiếp tục tham gia các phong trào từ thiện đến nói chuyện với các bạn khuyết tật ở vùng sâu vùng xa. Sau em muốn được đi du học, trở về sẽ tiếp tục hỗ trợ cho các bạn cùng hoàn cảnh”.

Nguồn: Giadinhnet

Sưu tầm: Bùi Ngọc Song