Doanh nhân tí hon với tấm lòng vàng

Ngày đăng: 03/03/2021 - 1002 lượt đọc

“Rất tự hào vì Nguyễn Thị Thu Hiền là người phụ nữ đầu tiên của tỉnh Thanh Hóa, là người khuyết tật Việt Nam đầu tiên đã nhận được Giải thưởng KOVA cho Hạng mục Sống đẹp”, ông Lê Hồng Lương, nguyên Phó giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Thanh Hóa xúc động chia sẻ.

Sống với đam mê là đường về của hạnh phúc

Chị Hiền tiến đến bắt tay từng người khuyết tật đang chờ đón những món quà Tết năm 2021. Với vóc dáng nhỏ bé chỉ cao 88cm và nặng 24kg, chị bị che lấp giữa mọi người. Nhiều bà con ở các xã, huyện nghèo tỉnh Thanh Hóa nhìn chị ngạc nhiên và thậm chí rất tò mò. Nhưng đáp lại luôn là nụ cười rạng rỡ của chị. Chị không phải là cô bé tí hon trong câu chuyện cổ tích. Chị là giám đốc một công ty, là lãnh đạo Hội người khuyết tật có nhiều đóng góp tích cực cho phong trào người khuyết tật tại Việt Nam. Chị hiện là: Ủy viên Ban chấp hành Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam, Ủy viên Ban chấp hành Hội bảo trợ người khuyết tật và Trẻ mồ côi tỉnh Thanh Hóa, Ủy viên thường vụ Liên chi hội Người khuyết tật Thanh Hóa, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Phụ nữ khuyết tật Thanh Hóa.

Trong nhiều năm, chị Hiền đã cùng người thân trong gia đình đến trao quà – số tiền chị dành dụm từ lương hằng tháng của bản thân - cho người khuyết tật, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người già neo đơn không nơi nương tựa và các nạn nhân chất độc da cam tại rất nhiều xã, huyện nghèo trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Chị thường xuyên đi đến các vùng sâu, vùng xa để gặp gỡ, tìm hiểu nhu cầu của bà con dân tộc nghèo để tìm cách giúp họ. Chị trò chuyện với nhân viên của công ty, giúp những người khuyết tật theo đuổi đam mê và mạnh mẽ thực hiện những ước mơ của mình.

Đó là niềm đam mê lớn nhất trong cuộc đời của chị. Chính niềm đam mê này đã giúp chị vượt qua được những cơn đau đầu và đau nhức chân tay mà chị thường xuyên phải đối mặt do căn bệnh hạn chế chiều cao của mình. Bên cạnh đó, chị còn là chủ nhân của rất nhiều giải thưởng danh giá như: Giải thưởng KOVA tháng 12 năm 2017, được Thủ tướng chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trao Bằng khen của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam trong chương trình “Tự hào phụ nữ Việt Nam” năm 2017 và rất nhiều bằng khen của các tổ chức, hiệp hội khác.

Là một doanh nhân bận rộn với việc quản lý Công ty TNHH Sản xuất - Dịch vụ và Thương mại Suri (số 39 Đội Cung, phường Đông Thọ, thành phố Thanh Hóa) với doanh thu hàng tỷ đồng mỗi năm và tạo việc làm thường xuyên cho gần 20 công nhân, nhưng phần lớn thời gian của chị Hiền đều dành cho trẻ em, thanh niên và những người khuyết tật trong cộng đồng. Chị Hiền tâm sự: "Nhiều khách hàng và nhân viên trong công ty thường khuyên tôi nên toàn tâm toàn ý vào việc kinh doanh để kiếm thật nhiều tiền, sau đó chỉ cần trích một phần nhỏ doanh thu cho các hoạt động từ thiện. Làm như thế tôi không mất công, mất sức, nhưng tôi không muốn như vậy. Điều tôi muốn là mình có thể truyền năng lượng cho mọi người, những người không may mắn sinh ra đã không lành lặn".

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao Bằng khen của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cho chị Hiền trong chương trình “Tự hào phụ nữ Việt Nam” năm 2017. 

Sinh ra là một món quà của tạo hóa

Bố của chị Hiền tâm sự: "Chú vẫn nhớ rõ cái ngày cô y tá trao con bé cho cô chú. Lần đầu nhìn thấy thiên thần nhỏ xinh đẹp của mình, hai vợ chồng cô chú hạnh phúc lắm. Hiền cũng như bao em bé khác, có cân nặng bình thường. Chỉ đến khi Hiền hơn 1 tuổi, gia đình mới bắt đầu nghi ngờ vì trong khi những đứa trẻ độ tuổi đó bắt đầu tập đi, tập chạy thì con gái mình vẫn loạng choạng hay vấp ngã khi tập đứng. Chú cứ tưởng là do bà nội cưng, bế nhiều quá nên con bé chưa đi được. Đến năm hai tuổi, Hiền đã bắt đầu bước đi, nhưng vẫn rất chậm và yếu, đặc biệt là hầu như không cao lên mấy. Mỗi năm Hiền chỉ dài thêm được khoảng 2cm. Và giờ chiều cao của bạn ấy dừng ở mốc 88cm, bằng với chiều cao của đứa trẻ lên ba".

Khi Hiền lớn hơn một chút, bố mẹ đưa chị đến Viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Bệnh viện Quân y 103, Bệnh viện hữu nghị Việt Đức ở Hà Nội. Lúc đó, các bác sĩ mới phát hiện ra: Hiền bị căn bệnh còi xương do tuyến yên không phát triển. Gia đình được khuyên nên đợi đến khi Hiền lớn hơn khoảng 15 tuổi sẽ làm phẫu thuật kéo dài chi, nhưng rủi ro rất lớn. Nếu phẫu thuật xong, rất có thể còn đi lại khó khăn hơn.

Bố mẹ chị không muốn con mình phải trải qua những đau đớn như vậy. Họ đưa chị về nhà, yêu thương và chăm sóc chị như hai người em gái khác. Chưa bao giờ họ nghĩ chị là gánh nặng cho gia đình.

Khó khăn không nản, khiếm khuyết không đầu hàng

Khi mọi người xung quanh xì xào không nên cho chị Hiền đi học, thì chị lại đập tan những nghi ngờ đó bằng thành tích của mình. Chị luôn nằm trong tốp học sinh giỏi và được thầy cô giáo yêu quý. Những ngày đầu đến lớp, các bạn xúm lại bình phẩm, trêu chọc dáng hình tí hon của chị, khiến chị tủi thân trào nước mắt. Nhưng ông bà chị thường bảo: "Không gì là không vượt qua được. Ngày xưa, ông bà đi chiến đấu còn thắng giặc Pháp, giặc Mỹ. Chẳng lẽ cháu lại chịu đầu hàng trước mấy câu nói về mình hay sao?".

"Câu hỏi ấy có ý nghĩa rất lớn lao, là động lực để tôi tự tin vào bản thân mình. Tôi luôn nghĩ, trong những trận chiến của cuộc đời, chiến thắng không phải lúc nào cũng đến với những người mạnh nhất, khỏe nhất hay nhanh nhất... mà sẽ đến với những người luôn tin rằng mình có thể chiến thắng", chị Hiền chia sẻ.

Chị Hiền là Diễn giả trong Diễn đàn truyền cảm hứng Phụ nữ khởi nghiệp trong nền kinh tế số - Chụp ảnh cùng Phó thủ tướng Vũ Đức Đam. 

Thông minh, tư duy nhanh, chị luôn là “ngôi sao” trong các cuộc tranh luận. Tốt nghiệp Cao đẳng kế toán doanh nghiệp sản xuất của Trường Đại học Lao động Xã hội năm 2004, chị nhận báo cáo của các công ty tư nhân về kê khai thuế hằng tháng. Chưa hài lòng với kết quả bước đầu đạt được, đến cuối năm 2004, chị quyết tâm thi đỗ vào ngành Tài chính - Kế toán của Trường Đại học Vinh (Nghệ An). Năm 2008, sau khi tốt nghiệp, chị tiếp tục làm kế toán cho các doanh nghiệp tư nhân. Chị luôn được các khách hàng, đối tác đánh giá là một kế toán có tâm với nghiệp vụ giỏi. Năm 2010, chị có quyết định táo bạo trong sự nghiệp khi thành lập Công ty TNHH Sản xuất - Dịch vụ và Thương mại Suri chuyên sản xuất bàn ghế đá Granito cung cấp cho các công viên, trường học, đình chùa và bệnh viện; cho thuê kho bãi, gara sửa chữa ô tô và Kinh doanh dịch vụ Billiard thể thao giải trí.

Dù nhỏ bé và đi lại khó khăn hơn nhiều so với tất cả công nhân viên trong công ty và khách hàng, nhưng nữ doanh nhân 40 tuổi này nói rằng chị không cần sự đối xử đặc biệt. “Luật pháp không đòi hỏi mọi thứ trên thế giới phải được hạ thấp cho ai đó vì chiều cao của người đấy. Tôi có thể làm được mọi điều tôi mong muốn trong điều kiện công bằng như tất cả mọi người”. Tính cách chân thành, cởi mở và tư duy quyết đoán, sáng tạo của chị đã giúp các nhân viên và khách hàng vượt qua được những lo lắng ban đầu có thể có về năng lực của người nữ doanh nhân này. Biết mình đi lại khó khăn và sẽ gặp thách thức nếu làm việc một mình nên chị gây dựng đội nhóm cùng tham gia thảo luận, phản biện về các chiến lược kinh doanh, mở rộng mối quan hệ với các khách hàng tiềm năng để củng cố thị trường.

"Chúng tôi đến đặt hàng mua ghế đá và giật mình khi gặp chị Hiền chỉ cao có hơn 80cm mà dõng dạc tuyên bố là tôi là giám đốc công ty này”, anh Trần Quang Minh, một khách hàng gắn bó lâu năm với công ty nhớ lại. Nhưng anh Minh mau chóng cảm thấy nể phục năng lực nghiệp vụ, khả năng lãnh đạo của người giám đốc tí hon này. Sự khiếm khuyết về hình thể chẳng ảnh hưởng chút nào đến đam mê và niềm nhiệt thành trong kinh doanh của chị.

Người phụ nữ nhỏ bé, chỉ cao có 88cm nhưng có thể điều hành cả một công ty doanh thu cả tỉ đồng mỗi năm, đồng thời còn tham gia tích cực vào phong trào thúc đẩy quyền của người khuyết tật tại Việt Nam. Những điều đó không phải ai cũng làm được. Chị chính là tấm gương sáng cho nỗ lực vượt lên số phận, vượt lên những khiếm khuyết của bản thân, để trọn vẹn sống một cuộc đời ý nghĩa.

Nguồn: qdnd.vn

Sưu tầm: Ngọc Song