Người đàn ông có con mắt thứ ba

Ngày đăng: 13/03/2015 - 933 lượt đọc

Một người đàn ông khiếm thị nói tiếng Thái như gió. Từ chuồng bò, đàn lợn mà ông nuôi hai con ăn học, tậu xe xe máy cho vợ, mua đất ở khu du lịch ngoài Quảng Ninh. Lấy thóc “hồi môn” làm vốn… đi buôn

Ông Hoàng Quốc Việt (44 tuổi), sinh ra trong gia đình sáu anh chị em thì bốn người khiếm thị bẩm sinh, tầm nhìn xa của Việt chỉ bằng từ đầu đến đuôi con trâu mà cậu đi chăn. Không biết là ai, không biết là vật gì, chỉ thấy mờ mờ, đen đen trước mặt. Bù lại, Việt rất ham học, cậu dò dẫm đến trường, ngồi bệt một góc ở cửa lớp, kê chiếc ghế con con để làm bàn viết. Thấy sức học của Việt không kém gì các bạn, thầy cô nhận cậu vào lớp. Học đến hết lớp 7 trường làng thì Việt phải nghỉ, vì đường từ nhà lên trường huyện là quá xa và khó khăn đối với một người khiếm thị.

Ở nhà, Việt giúp bố mẹ việc đồng áng, cấy hái, chăn trâu. Lúc cầm cái thừng đặt vào tay con trai, bố ông bảo: “Tìm đồng nào ít lúa, nhiều cỏ mà chăn, kẻo người ta đuổi thì không thấy đường mà chạy đâu”. Đến lúc là thanh niên hoi, bắt đầu biết ngượng, ông không cưỡi trâu nữa mà tự đi. “Hồi đó là trâu dắt mình đi mới đúng” – ông cười.

Chuyện đời của cô vợ Trần Thị Thảnh còn thảm thương hơn chồng. Thảnh từng về làm dâu nhà người khác, nhưng chỉ trước hôm cưới ba ngày, chú rể bị tai nạn giao thông. Vẫn về nhà chồng chịu đủ trăm ngày tang, bố Việt bán thuốc nam ngay cổng nhà chồng Thảnh, thương cô gái trẻ chưa kịp làm cô dâu đã trở thành góa phụ. Đợi Thảnh tạm yên vết thương lòng, ông cụ đánh bạo đến “xin” Thảnh về cho Việt.

Người đàn ông khiếm thị này luôn giữ được tinh thần lạc quan trong cuộc sống.

Của hồi môn mà hai bên nội ngoại cho họ chỉ là 150kg thóc và đôi lợn con. Tần ngần trước mấy bao thóc, Việt rỉ tai vợ: "Thóc này mang xát gạo ăn thì chả mấy mà hết. Chi bằng ta mang đi xát rồi… bán, lấy cám nuôi lợn, còn tấm thì… mình ăn, vì gạo bán đong ca chứ có đong cân đâu, bao nhiêu tấm lọt xuống khe các hạt gạo hết, chả dôi ra được ít nào. Tiền bán được gạo ta lại để mua thóc".

Họ trở thành hàng xáo chuyên nghiệp từ 150kg thóc hồi môn như thế.

Học ngoại ngữ qua radio

Từ khi vợ sinh con, không còn ai dẫn đường để Việt còng lưng đẩy xe thóc, xe gạo nữa. Ông chồng khiếm thị chuyển sang nấu rượu. Vẫn là bài toán kinh tế trong đầu: nấu rượu bán thì lấy công làm lãi, lấy giấm bỗng nuôi lợn. Người khiếm thị thường được ông trời bù lại bằng thính giác, nghe rượu chảy vào chai là ông biết đã đầy hay vơi; ngửi mùi cơm rượu là biết cơm ấy đã mang đi nấu được hay chưa. Từ đôi lợn con là của hồi môn, đàn lợn của vợ chồng ông đã thành 3 nái và 30 lợn thịt. Không lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi nào mà vắng mặt “Việt mù”. Không nhìn được nên ông bù lại bằng cách hỏi thật tỉ mỉ, rằng khi sờ tai lợn nóng – lạnh thế nào thì biết là bệnh, rồi khi tiêm cho lợn thì cách tai, cách gáy bao nhiêu. Xóm làng bảo ông có “con mắt thứ ba của Nhị Lang thần” là vì thế.

Ông quyết tâm học tiếng Thái qua radio. Tối nào cũng thế, ông luôn sắp xếp công việc để đến giờ là ngồi trước radio để tập trung học. Chỉ bằng trí nhớ nhưng được cái ông vốn sáng dạ, đài lại dạy rất chi tiết, tỉ mỉ nên ông học rất nhanh. Vốn liếng ngoại ngữ đã đủ giắt lưng, năm 2000, hai vợ chồng ông gửi con cái cho ông bà nội, cùng khăn gói tay nải vượt dặm trường sang đất Thái vừa giúp họ hàng, vừa làm thuê.

Ông Việt sử dụng thành thạo máy tính, ông có thể đọc báo, gửi email.

Ba năm trên đất Thái, họ ở tỉnh Ẳng Thoòng, cách thủ đô Băng-cốc gần trăm cây số, làm thuê cho ông chủ Thau-uy. Nhà ông chủ có đến mười mẫu trang trại, mỗi con chó làm “bảo vệ” một mẫu, chúng rất dữ, lại hay cắn người. Ông chủ còn chưa biết xử lý sao thì anh mù đến từ Việt Nam hiến kế: Đường đi lối lại trong trang trại thẳng tắp như bàn cờ, hay là ông căng dây thép dọc đường rồi lồng cái xích chó vào sợi dây, chúng nó đi tuần tra thì chỉ chạy trên một đường thẳng, có trộm vẫn báo động được mà lại không lo nó cắn người. Ông Thầu-uy nghe Việt trình bày mà ngả mũ bái phục.

Vợ chồng ông làm đủ việc trong trang trại. Nhờ đó mà ông học được cách chăn nuôi đủ các loại con. Ở trang trại vãn việc là ông lại trèo lên xe bán tải, theo người làm đi nơi khác trèo dừa, hái me thuê để kiếm thêm mỗi giờ 100 bạt. Từ những cuộc làm thuê theo ca đó mà ông còn học được cách chăn nuôi bò. Sống và làm việc trong môi trường chăn nuôi hiện đại và khoa học, ông đã ấp ủ những dự tính cho ngày về.

Sỏi đá cũng thành cơm

Con lợn nái đốm ông nuôi đã mười năm, thoáng thấy bóng chủ, nó ụt ịt đòi ăn. Đàn lợn con nháo nhác, một con eng éc thảm thiết vì chui đầu vào cửa chuồng rồi không ra được. Ông vỗ vỗ vào lưng con nái sề: “Tao cứu con mày mà, chứ có làm gì nó đâu”. Con lợn mẹ như hiểu lời ông, nó nặng nề đứng dậy, lút cút chui vào chuồng.

Hai vợ chồng ông Việt bên đàn bò và chiếc xe ông mua tặng vợ.

Cơ ngơi của vợ chồng ông bây giờ là cái ao rộng mênh mông sau nhà, ông mua để thả cá, ba con lợn nái để gây đàn lợn thịt. Từ ngày ở Thái Lan về, mỗi năm ông cho xuất 5 tấn lợn thịt, 3 – 4 tạ gà, gây được đàn bò 13 con, chưa kể vườn cây, ao cá. Năm 2007, ông còn sắm hẳn chiếc xe máy Airblade tặng vợ nhân ngày quốc tế phụ nữ. Chúng tôi càng khâm phục hơn khi biết ông mua được cả một mảnh đất ở khu du lịch đắt đỏ ngoài Quảng Ninh; rồi mọi việc chăn nuôi đều do một tay ông làm lụng. Bà Thảnh và một cậu con trai đi làm công nhân, một cậu đi học ĐH trên Hà Nội.

Mấy năm nay ông vẫn cập nhật kiến thức nhờ phần mềm dành cho người khiếm thị. Vẫn giọng rổn rảng, ông bảo: “Từ ngày học được kỹ thuật chăn nuôi, kể cả khi đàn lợn nhà hàng xóm chết sạch, nhà tôi cũng chỉ phi phao một – hai con thôi, vì tôi phòng dịch từ trước khi nó đến mà. Tôi đã mù mắt, mà lại để mù cả kiến thức nữa thì chết”.

Theo Cảnh sát toàn cầu